Vụ 214 giáo viên mất việc ở Hà Tĩnh: “Chúng tôi sợ đến ngày 20/11"
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 21:13 - 16/11/2015
Ngậm ngùi một nỗi niềm riêng
Vừa qua sự việc 214 giáo viên bị cắt hợp đồng ở thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) ngay trước thềm năm học mới đã khiến dư luận hết sức quan tâm.
Cho đến hiện nay, sau gần 3 tháng nhận thông báo, cuộc sống của những giáo viên này vẫn trôi qua với niềm hy vọng. Một số thì tìm công việc làm tạm, số khác thì hỗ trợ công việc gia đình… Điều đáng nói, trong họ lòng yêu trẻ, sự tâm huyết với nghề vẫn còn cháy bỏng qua từng ngày.
Họ vẫn còn đó những đêm mất ngủ, những ngày dài suy tư, chán nản và cả những giọt nước mắt khi mỗi sáng thức dậy biết mình là một giáo viên đã thất nghiệp, không còn được đứng trên bục giảng, say sưa bên trang giáo án. Nỗi niềm ấy có lẽ càng trở nên sâu sắc hơn khi tháng 11 về và ngày lễ vinh danh những người thầy, người cô đang đến gần.
Chúng tôi tìm về nhà một số giáo viên bị cắt hợp đồng khi không khí vui tươi chuẩn bị cho ngày hiến chương các nhà giáo 20/11 đang tưng bừng khắp các trường học. Khắp nơi, giáo viên và học sinh đang tích cực tập luyện văn nghệ, trau dồi kiến thức cho ngày mít tinh hay những buổi tọa đàm, thao giảng chào mừng.
Ngày 20/11 và những cảm xúc giá như…
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ cấp 4 nằm lạc lõng trên một khu đất cao ở thôn Đồng Phú, xã Kỳ Đồng, huyện Kỳ Anh, cô Trần Thị Hồng không khỏi bất ngờ, khuôn mặt còn phảng phất những sự mệt mỏi của một cuộc vượt cạn bởi chị vừa sinh con thứ 2 được hơn 1 tuần.
Trong câu chuyện không cũ cũng không mới về những nhọc nhằn của một giáo viên hợp đồng đến 9 năm, ánh mắt chị Hồng vẫn tràn đầy sự yêu nghề, lòng nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người. Theo đó, sau khi rời ghế giảng đường đại học, với chuyên ngành sư phạm được đào tạo, chị Hồng cũng như bao bạn bè khác, ngược xuôi với túi hồ sơ đi xin việc.
Ngày được ký hợp đồng đi dạy, hơn ai hết, chị là người hạnh phúc nhất bởi ước mơ của mình đã thành, niềm tự hào của gia đình đã có cơ hội thực hiện. 9 năm công tác là 9 năm chị cống hiến hết mình cho nghề, cho biết bao lứa học trò thân yêu. Khoảng thời gian ấy, khi ngày 20/11 về, chị lại cùng đồng nghiệp trải qua những cảm xúc ngập tràn niềm vui bởi những bó hoa, những lời chúc từ học sinh. Vậy nhưng 20/11 năm nay có lẽ là kỉ niệm buồn nhất đối với chị.
Cô Trần Thị Hồng trong một lần trò chuyện trước đó với PV.
"Ngày này những năm trước, chúng tôi đang tất bật chuẩn bị cho ngày lễ dành riêng cho nhà giáo, có thể nói là việc làm không hết. Cũng như những giáo viên khác, ngày 20/11 hàng năm, chúng tôi đều nhận được những món quà từ nhà trường, những bó hoa từ học sinh. Thời điểm sát ngày lễ, trường tổ chức rất nhiều các hoạt động từ văn nghệ, thể dục thể thao, tọa đàm, thao giảng… cảm giác bận rộn nhưng rất vui. Còn năm nay, ngoài cảm giác nhớ trường, lớp đã sẵn có, tôi còn cảm thấy rất tủi thân", chị Hồng nói.
Trong câu chuyện, chị Hồng chia sẻ, thời điểm này, khi ngày 20/11 đang đến gần, khi mà không khí rộn ràng ở ngoài đường và sự chuẩn bị của học sinh, đồng nghiệp đã bắt đầu thì sự tủi thân, xót xa của chị lại cũng nhen nhóm. Đối với chị, một giáo viên đã từng có gần 10 năm đứng lớp, nỗi niềm này có lẽ không biết ngỏ cùng ai. Lẽ ra, ngày lễ của chị, chị phải là người vui nhất nhưng dường như giờ đây niềm vui ấy lại nhường chỗ cho những buồn tủi.
"Mấy ngày gần đây, học sinh cũ vẫn gọi điện chúc mừng, bạn bè đồng nghiệp cũng an ủi nhưng học sinh, đồng nghiệp càng nhớ đến mình thì lại càng cảm thấy tủi thân hơn. Nếu như tôi vẫn còn là giáo viên thì những ngày này khi nhận được lời chúc mừng, bản thân sẽ cảm nhận được không khí hân hoan, cũng chuẩn bị và biết đâu mình là một trong số những giáo viên được nhận giờ thao giảng để chúc mừng ngành. Và biết đâu, mình lại là một trong số giáo viên đứng ra tổ chức một sự kiện gì đó cùng với đồng nghiệp. Nếu như vậy, bản thân cảm thấy sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều", chị Hồng tâm sự.
Ngày lễ 20/11 luôn mang đến những niềm hân hoan và trên hết là sự tự hào bởi các thầy, các cô có ngày lễ dành riêng cho ngành, bất cứ giáo viên nào cũng chờ đón. Gia đình vui, bản thân vui, học sinh đến nhà chơi với các bó hoa tươi… những món quà nhỏ nhưng hạnh phúc lại rất lớn. Còn nay, những niềm vui ấy gần như quá xa vời với chị: "Cảm xúc buồn tủi trong tôi có lẽ càng lớn hơn".
Gặp chị, tâm sự cùng chị, chúng tôi mới thấu hiểu được rằng, trong ánh mắt đượm buồn, chị Hồng vẫn trào dâng những khát khao về ước mơ được đứng trên bục giảng. Đâu đó, chị vẫn hy vọng rằng một ngày nào đó, mình sẽ tiếp tục được cống hiến cho nghề và nhất là được bận rộn trong ngày hiến chương các nhà giáo.
"Chúng tôi sợ đến ngày 20/11"
Cũng cùng tâm trạng với chị Hồng, ngày gặp chúng tôi, cô Nguyễn Thị Nga (SN 1979), giáo viên trường THCS Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh) cũng không giấu được nỗi buồn. Cô Nga là người có thâm niên công tác lâu năm nhất (12 năm – PV) trong số 214 giáo viên bị cắt hợp đồng của thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh, bởi vậy đối với chị, 12 năm công tác cũng đồng nghĩa với 12 năm bận rộn trong niềm vui chào đón ngày hiến chương các nhà giáo.
Có lẽ, câu chuyện về hành trình xin việc đầy những nỗi vất vả, khó khăn và cả tủi cực của cô Nguyễn Thị Nga sẽ là minh chứng rõ nhất cho những nhọc nhằn của nghề giáo. Suốt 9 năm chị hợp đồng trường là 9 năm chị sống trong lo lắng sau mỗi năm học kết thúc. Nỗi lo cứ kéo dài năm này qua năm khác, nhưng với lòng yêu nghề chị vẫn quyết bám trụ và cố gắng.
"Mỗi lần cầm hồ sơ đi xin việc ở các trường, tôi đều không ít lần rơi mồ hôi và thậm chí là cả nước mắt. Nhưng đã yêu nghề đã muốn thực hiện ước mơ được tiếp tục đứng trên bục giảng nên tôi vẫn cố gắng bám trụ từng năm", cô Nga nói. Hôm nay, khi ngày lễ đang đến gần, những giọt nước mắt ấy có lẽ sẽ là cả một sự tủi thân, xót xa không chỉ riêng của cô Nga mà còn của 213 giáo viên khác.
Đối với cô Nga, chưa năm nào cô sợ ngày 20/11 đến như năm này.
"Mỗi năm khi ngày 20/11 đến gần, giáo viên như chúng tôi đều chung một cảm xúc hân hoan đến khó tả. Dù rất bận rộn nhưng đó lại là những niềm hạnh phúc. Những ngày này, đối với bản thân tôi và các đồng nghiệp bị cắt hợp đồng là thời gian buồn nhất. Trong khi những đồng nghiệp khác đang nô nức chuẩn bị thì mình lại như người ngoài cuộc mặc dù mình cũng là giáo viên. Nỗi buồn, nỗi vô vọng cứ như bủa vây. Nếu trước đây bản thân tràn đầy niềm vui để chờ đợi ngày 20/11 đến thì năm nay tôi có cảm giác sợ ngày đó đến", chị Nga tâm sự.
Sự hụt hẫng, mất mát có lẽ là tâm trạng hiện tại của những giáo viên lâu năm như chị Nga. Được biết, từ sau khi bị cắt hợp đồng công tác, hiện chị Nga cũng chỉ ở nhà làm các công việc hỗ trợ gia đình.
Chị Nga chia sẻ: "Đối với tôi được cống hiến cho nghề là một niềm vui. Dù mức lương của một giáo viên hợp đồng không đủ chi trả và trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, với lòng yêu nghề tôi vẫn cố gắng bám trụ qua từng năm. Mỗi năm học qua đi là cả một niềm vui và động lực cho tôi phấn đấu. Tôi tự hào bởi những cố gắng ấy và niềm vui trong nghề càng như được dâng lên khi tới ngày hiến chương. Vậy mà năm nay…". Câu nói ngắt quãng của chị có lẽ đủ để chúng tôi hiểu cảm giác của những người thầy người cô trong tháng 11 này.
Trong câu chuyện, không ít lần chị Nga ánh lên niềm hạnh phúc và khát khao khi chia sẻ về những ngày tháng tất bật chuẩn bị cho ngày 20/11 cùng đồng nghiệp. Vất vả đấy, tất bật đấy nhưng được sống đúng nghĩa với ngày lễ lớn là cả một niềm động lực, niềm vui đối với những người lái con đò trí tuệ qua sông.
Trong những dòng tâm sự gửi về cho PV, một cô giáo trong số 214 giáo viên đã viết: "Có lẽ 213 giáo viên còn lại cũng như tôi, ngày lễ năm nay sẽ không vui và tự hào như những năm trước mà thay vào đó là sự tủi thân, thất vọng. Không khí vẫn vậy, tất cả học sinh và giáo viên trên toàn quốc đang nô nức để chuẩn bị cho ngày lễ của mình, còn chúng tôi, đó là những giọt nước mắt. Đã 2 tháng 20 ngày trôi qua mà tôi cảm thấy dài như cả một thế kỷ, bởi trong thời gian ấy tôi chưa có được một giấc ngủ nào trọn vẹn".
Với những người giáo viên như cô Nga, cô Hồng… cái nghiệp "gõ đầu trẻ" đã ăn sâu vào tận tâm. Sự chạnh lòng, những giọt nước mắt đã rơi khi ngày hiến chương đang tới gần.
Chia tay các cô ra về, tôi vẫn không thôi suy nghĩ về một người giáo viên đầy tâm huyết với nghề. Nhìn ánh mắt đỏ hoe, nghe những tâm sự thật lòng, tôi thấy được cả sự hi vọng và cả sự hụt hẫng. Đối với cô và các đồng nghiệp ngày hiến chương năm nay thực sự là kỉ niệm buồn xen với những giọt nước mắt.