Vingroup từng bước giành lại thị trường bán lẻ cho người Việt
- Các loại bệnh
- 20:10 - 12/06/2016
Hơn 50% thị trường bán lẻ rơi vào tay nước ngoài
Theo thống kê của Bộ Công thương, hiện trên cả nước có hơn 700 siêu thị, 132 trung tâm thương mại, chưa kể đến số lượng hàng trăm cửa hàng tiện lợi có thương hiệu khác. Dự báo đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1.200-1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại. Tại thời điểm đó, tỷ trọng bán lẻ qua mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại sẽ chiếm 45% tổng mức bán lẻ hàng hóa, tương đương khoảng 25-30 tỷ USD.
Đây được xem là một thị trường đầy tiềm năng chính vì thế mấy năm gần đây đã diễn ra cuộc đua chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam bởi hàng loạt các đại gia Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… Việc cả hai hệ thống bán lẻ lớn là Metro Cash & Carry Việt Nam và Big C Việt Nam về tay các nhà đầu tư Thái Lan cũng có nghĩa 50% thị phần thị trường bán lẻ Việt Nam đã nằm trong tay người Thái.
Tháng 5/2016, Big C Việt Nam bị Central Group của Thái Lan thâu tóm với giá trị chuyển nhượng 920 triệu EUR (tương đương 1,05 tỷ USD). Trước đó, vào tháng 1/2015, TCC Group đã hoàn tất mua lại hệ thống siêu thị bán lẻ Metro Việt Nam với 19 trung tâm và các bất động sản có liên quan trị giá 655 triệu EUR. Theo thông tin từ Bộ Công thương, nhiều tập đoàn khổng lồ về bán lẻ của thế giới như Wal Mart (Mỹ) hay Auchan (Pháp) đang tìm kiếm các nhà cung ứng để tiến bước vào Việt Nam nhằm đón đầu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiện nay, Tập đoàn Auchan đã có 3 siêu thị mang tên Simply Mart. Tập đoàn này cho biết, có thể đầu tư 500 triệu USD vào Việt Nam để xây dựng chuỗi các đại siêu thị trong 10 năm tới.
Trung tâm thương mại của Vingroup
Dù bị đánh giá chậm chân khi vào Việt Nam, tập đoàn bán lẻ số 1 Hàn Quốc Lotte tuyên bố, đến năm 2020 sẽ lập tổng cộng 60 siêu thị tại Việt Nam trong khi Aeon của Nhật Bản cũng thông báo sẽ mở tổng cộng 20 trung tâm thương mại. Với độc chiêu đánh vào tâm lý chuộng đồ Nhật của người tiêu dùng Việt, Aeon cho biết, đi theo mô hình cân bằng 30% hàng nhập từ Nhật Bản, 30% hàng Việt Nam và 30% hàng nhập từ các nước khác.
Theo các chuyên gia, đến nay Việt Nam đã mất quá nửa thị phần bán lẻ hiện đại, và trong tổng số khoảng 100 siêu thị nước ngoài ở Việt Nam thì các “cá mập” đến từ Thái Lan chiếm một nửa (Metro, Big C, Robinson, Nguyễn Kim, 7 Seleven) bên cạnh các ông lớn đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản (Lotte, Aeon, Emart…). Chiến lược xâm nhập thị trường Việt Nam của người Thái hết sức bài bản: Tiếp thị sản phẩm, tham gia phân phối, thâu tóm và trực tiếp sản xuất.
Vingroup tung gói hỗ trợ doanh nghiệp nội
Giữa bão bán lẻ, thông tin Vingroup tung gói hỗ trợ lớn cho doanh nghiệp nội đã gây chấn động thị trường Việt Nam và đây thật sự là một tín hiệu vui cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Theo đó, mục tiêu của Vingroup trong gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp có chỗ đứng vững chắc, tăng sản xuất và cạnh tranh ngang bằng với doanh nghiệp ngoại.
Trước mắt, Vingroup sẽ áp dụng chính sách chiết khấu mạnh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam tiêu thụ hàng qua hệ thống bán lẻ của tập đoàn này. Riêng các mặt hàng tươi sống sạch sẽ được phân phối với mức giá bằng đúng giá bán của nhà cung cấp trong vòng 1 năm. Vingroup nhấn mạnh các đơn vị phải cung cấp sản phẩm đủ tiêu chuẩn và chất lượng nếu không sẽ không được tham gia.
Thông qua VinMart, VinMart+ hay VinEco, tập đoàn này khẳng định sẽ bao tiêu trọn gói, tổ chức hệ thống phân phối và kiểm soát chất lượng nhằm bảo đảm nguồn thực phẩm sạch, an toàn và đa dạng với giá tốt nhất cho người tiêu dùng. Ngoài ra, Vingroup sẽ dành nguồn lực để phục hồi, xây dựng lại hệ thống đặc sản Việt Nam.
Vingroup đang nỗ lực hỗ trợ hàng Việt Nam trong kênh phân phối hiện đại VinMart
Giải thích về lý do Vingroup “bao cấp” tới 1 năm chi phí, Phó Chủ tịch Vingroup cho biết: “Các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực cùng làn sóng doanh nghiệp nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam đang tạo nên sức ép cạnh tranh vô cùng quyết liệt, không chỉ trong lĩnh vực bán lẻ mà còn gây áp lực lên toàn bộ nền sản xuất nội địa. Trân trọng những nỗ lực không ngừng của các nhà sản xuất Việt Nam trong việc xây dựng thương hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao, Vingroup cam kết sẽ chung tay lâu dài vì hàng Việt”.
Chính sách chiết khấu mới của các đơn vị bán lẻ thuộc Vingroup hoàn toàn trái ngược với động thái của Big C ngay sau khi ông lớn bán lẻ ngoại này thay chủ. Trước đó, trong công văn gửi hệ thống siêu thị Big C vào cuối tháng 4, Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết chuỗi siêu thị này đã đòi hỏi mức chiết khấu rất cao cho đợt ký kết hợp đồng mới, trung bình từ 17-25%, vượt ngưỡng có thể tồn tại của doanh nghiệp. "Đây là những mức rất cao mà chắc chắn sẽ lỗ, không thể có lãi để tái đầu tư", công văn này nêu rõ.
Cũng theo Vasep, ngoài chi phí chiết khấu trên doanh thu sản phẩm, hiện các nhà cung cấp còn phải chịu hàng loạt chi phí khác cho siêu thị như: Mở điểm bán mới, kỷ niệm ngày thành lập, chi phí cho thương lượng chung, vận chuyển, chương trình khuyến mãi… Ngoài ra, doanh nghiệp thủy sản cũng phải chấp nhận tỷ lệ khoán “hàng hư hỏng 1%” do Big C đơn phương áp dụng.