Vì sao người trẻ Việt Nam dễ dàng đối mặt với thất bại?
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 02:57 - 22/10/2017
Hơn 300 sinh viên đã hào hứng thảo luận và trao đổi, giao lưu cùng Á hậu quốc tế Thúy Vân, Doanh nhân Phan Đỗ Trí Dũng, Doanh nhân Ngô Chí Công về chia sẻ bản thân, kinh nghiệm và những mục tiêu hướng đến cho thanh niên Việt Nam.
“Đối mặt với thất bại” là một trong những chủ đề thuộc Hành trình Lập Chí Vĩ Đại – Khởi nghiệp Kiến Quốc cho thanh niên Việt. Một trong chủ đề của tủ sách nền tảng đổi đời tiêu biểu cho tinh thần của trẻ của người Việt.
Các vị diễn giả đã chia sẻ những kinh nghiệm bản thân
Dịp này, cuốn sách được trao tặng và giới thiệu trong chương trình là cuốn sách có tựa đề: “Không bao giờ là thất bại, tất cả là thử thách” – tự truyện của cố chủ tịch tập đoàn Huyndai Chung Yu Jung. Một trong những điểm thú vị trong cuốn sách chính là tác giả đã nhận ra bản năng không ngại thử thách của những con rệp thông qua việc quan sát cách chúng hoạt động. Trong thời gian Chung Yu Jung làm việc ở cảng Inchon (Hàn Quốc), mỗi khi đặt lưng xuống giường thì ông bị lũ rệp kéo tới cắn, đốt đến không ngủ được.
Ông đã nghĩ ra cách là kê các chân giường bằng các bát nước để khi rệp bò lên thì sẽ không qua được thế nhưng lũ rệp vẫn tìm cách để tiếp cận con mồi, chúng bò lên trần nhà và rơi tự do xuống chỗ nào có người. Sau trải nghiệm đó ông nhận ra rằng lũ rệp có một bản năng không ngại thử thách, tìm mọi cách để đạt được mục đích. Và ông đã ứng dụng nguyên lý đó vào công việc, kết nối, thuyết phục các nguồn lực, và một khi đã làm việc gì thì toàn tâm toàn ý làm bằng được!
SV hào hứng giao lưu, trao đổi với các vị khách mời
Ông suy nghĩ: “Người lười nhác hay đổ lỗi cho số phận, đến khi gặp cơ hội cũng do lười nhác mà để cơ hội trôi qua, để rồi sống mà suốt đời chẳng có một chút may mắn nào. Với tôi, mỗi khi gặp việc gì khó khăn tôi lại nhớ đến bài học về sự nỗ lực của con rệp. Nhìn thấy những người gặp khó khăn chẳng đáng là bao mà đã thất vọng và thu hẹp mình lại, chẳng hiểu sao tôi cứ nghĩ “người mà cũng không bằng con rệp”.
Ngoài ra, chương trình còn giới thiệu bộ phim Theory of everything (Bộ phim kể về cuộc đời của nhà khoa học STEPHEN HAWKING, mặc dù ông bị mắc chứng bệnh ALS từ năm 21 tuổi nhưng ông đã vượt qua nghịch cảnh để trở thành nhà vật lý học, vũ trụ học vĩ đại của thế kỷ 20 & 21). Đây là một trong những bộ phim được Trung Nguyên tuyển chọn và giới thiệu đến bạn trẻ với mong muốn truyền cảm hứng, xây dựng niềm tin và tinh thần dám thách thức thất bại, chuyển hóa những hạn chế của bản thân trở thành thế mạnh và sự khác biệt giúp bạn trẻ có thể tạo ra những giá trị vượt trội để phụng sự cộng đồng.
Đến với chương trình, Á hậu Thúy Vân đã không ngần ngại chia sẻ câu chuyện của bản thân mình từ việc vượt qua rào cản từ gia đình để đi làm thêm từ lúc 15 tuổi cho đến việc thi rớt 8 lần trước khi đạt được danh hiệu trong cuộc thi sắc đẹp. Thúy Vân dám nhận thách thức với vai trò người dẫn chương trình đồng hành của chương trình Asia’s Got Talent trong khi chưa từng làm MC, chưa từng tham gia cuộc thi quốc tế nào và Thúy Vân đã làm việc chăm chỉ 20 tiếng mỗi ngày để hoàn thành tốt công việc. Thúy Vân chia sẻ bí quyết thành công đó là luôn đặt mục tiêu cho công việc: “Mình phải làm tốt nhất có thể từ việc nhỏ nhất đến những việc lớn trong mọi khoảnh khắc”.
Trong khi đó, doanh nhân Ngô Chí Công chỉ ra lý do thất bại của người trẻ là vì “Ngựa non háu đá”. Anh kể: Với khát vọng lớn muốn mang Sen Việt Nam đi khắp năm châu, anh đã khởi nghiệp thành công khi góp phần gia tăng giá trị cho hoa sen - sản vật đặc trưng của quê hương Đồng Tháp bằng những sản phẩm sáng tạo từ sen như hoa sen sấy khô, đồ thủ công mỹ nghệ từ sen. Các sản phẩm của anh được khách hàng quốc tế ưa chuộng và đánh giá cao.
Một chương trình ý nghĩa và thiết thực của Tập đoàn Trung Nguyên
Tuy vậy để có được thành công ngày hôm nay anh cũng đã trải qua không ít thất bại. Anh dùng cụm từ “Ngựa non háu đá” để ví von cho nguyên nhân của 2 lần khởi nghiệp thất bại của mình và theo anh, người trẻ thường bị hạn chế về “cái tôi” lớn và chưa biết cách quản trị cảm xúc tốt.
Anh Chí Công cho rằng một khi đã khởi nghiệp thì bạn phải gánh trên vai trách nhiệm lớn không chỉ cho bản thân mà còn cho nhiều người khác. Mỗi suy nghĩ, quyết định, hành động đều phải cân nhắc thật kỹ, tuy vậy nếu biết biến trách nhiệm thành động lực, thành hành động thực tiễn thì bạn sẽ vững vàng hơn, mạnh mẽ hơn mỗi khi đối mặt với thất bại. Xuất phát điểm là một kỹ sư nghiên cứu nên anh Chí Công hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc xây dựng thói quen, văn hóa đọc và ứng dụng kiến thức từ sách vào thực tế. May mắn của anh trong cuộc sống chính là được nhiều người truyền cho anh cảm hứng, thậm chí áp lực để đọc sách.
Cùng quan điểm, Doanh nhân Phan Đỗ Trí Dũng cũng nhấn mạnh: Người trẻ Việt cần nắm bắt và dám chấp nhận “Rủi ro thông minh”. Anh cũng lưu ý các bạn trẻ cần mạnh dạn, chủ động tạo nhóm khởi nghiệp với bạn bè ngay từ bây giờ vì đó chính là phương pháp kết nối và thuyết phục các nguồn lực tiền khởi nghiệp mà nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới như Google, Microsoft, Apple, Harley-Davidson đã thành công nhờ vào tình bạn từ thời sinh viên của những người sáng lập.
Anh đưa ra khái niệm “Rủi ro thông minh” chính là việc hoạch định kế hoạch thực thi chi tiết và cả kế hoạch cho những rủi ro có thể xảy ra thì cho dù có gặp phải thất bại thì bản thân mình cũng có thể vượt qua một cách dễ dàng. Anh Trí Dũng còn đưa ra lời khuyên là các bạn sinh viên sau khi ra trường cần bỏ ra khoảng 5 năm để đi làm, trải nghiệm để khám phá năng lực lõi của mình và nên chọn những công việc có nhiều thách thức, gợi cho bạn nhiều câu hỏi, thắc mắc nhất.
Đối với anh Trí Dũng: “Tốt nghiệp không phải là dừng học tập mà nó chính là sự khởi đầu của một hành trình học tập mới”. Anh Trí Dũng tâm đắc với câu chuyện về con rệp và tinh thần dám thất bại được đề cập trong cuốn sách Không bao giờ là thất bại – Tất cả là thử thách và anh cho rằng phương pháp đọc sách hiệu quả chính là học từ chính thất bại của những nhân vật thành công hàng đầu thế giới.