Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015: Có 5 đợt xét tuyển
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 23:47 - 26/04/2015
Thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ tiếp tục nộp nguyện vọng bổ sung. Có 3 đợt xét tuyển bổ sung vào các trường ĐH, CĐ và 1 đợt xét tuyển bổ sung riêng vào các trường CĐ. Cụ thể, đợt xét tuyển bổ sung 1 từ ngày 25/8 đến hết ngày 15/9; đợt xét tuyển bổ sung 2 từ ngày 20/9 đến hết ngày 5/10; đợt xét tuyển bổ sung 3 từ ngày 10/10 đến hết ngày 25/10; đợt xét tuyển bổ sung 4 từ ngày 31/10 đến hết ngày 15/11.
Thí sinh sẽ có 5 đợt xét tuyển trong năm 2015 (ảnh minh họa).
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các trường sử dụng kết quả kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia để xét tuyển thì chỉ xét tuyển các thí sinh đã đăng ký sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH, CĐ.
Tổ chức nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) của thí sinh, trả hồ sơ ĐKXT cho thí sinh có nguyện vọng rút hồ sơ (đối với xét tuyển nguyện vọng I); cập nhật dữ liệu ĐKXT của thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường trên hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia;
Các trường có tổ chức sơ tuyển và các trường có tổ chức thi môn năng khiếu, cần xây dựng kế hoạch sơ tuyển hoặc thi các môn năng khiếu đảm bảo có kết quả sơ tuyển hoặc thi năng khiếu trước ngày 1/8/2015 và cập nhật vào hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia sau khi có kết quả: Danh sách các thí sinh đã đạt yêu cầu sơ tuyển (kèm theo số của Giấy chứng minh nhân dân hoặc số báo danh trong kỳ thi THPT quốc gia của thí sinh); Danh sách thí sinh dự thi (kèm theo số của Giấy chứng minh nhân dân hoặc số báo danh trong kỳ thi THPT quốc gia của thí sinh) và kết quả thi môn năng khiếu.
Đối với các trường tuyển sinh riêng thì tổ chức tuyển sinh theo Đề án tự chủ tuyển sinh đáp ứng các yêu cầu quy định tại Quy chế tuyển sinh và được Bộ GD&ĐT xác nhận bằng văn bản; Thời hạn kết thúc việc xét tuyển là ngày 31/10/2015 đối với trường đại học và 20/11/2015 đối với trường cao đẳng.
Điểm ưu tiên “biến thiên” theo thang điểm
Năm 2014, Bộ GD&ĐT hướng dẫn và thực hiện không nhất quán về cách tính điểm ưu tiên khiến cho các trường gặp nhiều khó khăn, thí sinh bị ảnh hưởng đến quyền lợi. Để tránh tình trạng này lặp lại, Bộ GD&ĐT chính thức công bố “luật chơi” trước. Cụ thể, mức điểm ưu tiên xác định được tính đối với thang điểm 10 và tổng điểm tối đa của 3 môn thi trong tổ hợp xét tuyển là 30.
Các trường sử dụng thang điểm khác thang điểm 10 hoặc tổng điểm tối đa của 3 môn thi trong tổ hợp xét tuyển khác 30 (ví dụ trường hợp nhân hệ số môn thi chính), phải quy đổi điểm xét tuyển về thang điểm 10 trên sau đó tiến hành cộng điểm ưu tiên hoặc phải quy đổi điểm ưu tiên về thang điểm mà trường đang sử dụng. Với cách tính như vậy đồng nghĩa với việc điểm ưu tiến biến thiên theo thang điểm
Bộ GD&ĐT cũng cho biết, minh chứng để được hưởng ưu tiên theo đối tượng đó là bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đối tượng ưu tiên; Đối với thí sinh thuộc đối tượng người có công với cách mạng hoặc con của người có công với cách mạng, giấy chứng nhận để hưởng ưu tiên là bản sao hợp lệ Quyết định trợ cấp, phụ cấp đối với người có công của Sở LĐ-TB&XH. Trường hợp chưa kịp làm thủ tục để được hưởng chế độ trợ cấp, phụ cấp theo quy định, cần phải cung cấp đầy đủ hồ sơ được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định tại Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ, quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
Ảnh minh họa.
Điều kiện tham gia xét tuyển của thí sinh
Đối với thí sinh đăng ký vào trường tổ chức tuyển sinh riêng: Có đủ điều kiện tham gia tuyển sinh quy định tại Điều 6 của Quy chế tuyển sinh; Đáp ứng các yêu cầu xét tuyển quy định tại Đề án tự chủ tuyển sinh của trường.
Đối với thí sinh đăng ký vào trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển: Có đủ điều kiện tham gia tuyển sinh quy định tại Điều 6 của Quy chế tuyển sinh; Đã đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH, CĐ.
Tổng điểm các môn thi của tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển không thấp hơn điểm xét tuyển do trường quy định và không có môn thi nào trong tổ hợp xét tuyển có kết quả từ 1,0 điểm trở xuống; Đáp ứng các yêu cầu khác về điều kiện xét tuyển do trường quy định và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường.
Bộ GD&ĐT cũng cho hay, việc xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia theo nguyên tắc: Trước mỗi đợt xét tuyển, các trường thông báo công khai trên trang thông tin điện tử các nội dung sau: Chỉ tiêu của các ngành hoặc nhóm ngành (gọi chung là ngành) đối với đợt xét tuyển đó.
Tổ hợp các môn thi dùng để xét tuyển vào từng ngành. Trường hợp sử dụng nhiều tổ hợp môn thi để xét tuyển cho một ngành, trường cần quy định rõ cách thức xét tuyển đối với từng tổ hợp. Lưu ý: đối với những ngành trường đã tuyển sinh từ năm 2014 trở về trước phải dành ít nhất 75% chỉ tiêu để xét tuyển theo khối thi truyền thống (khối thi áp dụng từ năm 2014 trở về trước);
Cách thức xử lý khi các thí sinh có cùng điểm xét tuyển; các điều kiện bổ sung (nếu có); Điểm xét tuyển của trường hoặc từng ngành. Điểm xét tuyển không được thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định và đảm bảo yêu cầu: Điểm xét tuyển đợt xét tuyển sau không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt xét tuyển trước.
Quy trình, hồ sơ đăng ký xét tuyển
Xét tuyển nguyện vọng I: Thí sinh chỉ được sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi dùng để xét tuyển nguyện vọng I để đăng ký vào 1 trường ĐH hoặc CĐ, mỗi trường thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào các ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4; Trong thời gian 20 ngày xét tuyển nguyện vọng I, nếu cần thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng đã đăng ký ở trường đó hoặc rút hồ sơ để đăng ký sang trường khác.
Các nguyện vọng (từ 1 đến 4 trong một trường) của thí sinh có giá trị xét tuyển như nhau. Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng trước thì không được xét tiếp các nguyện vọng sau; Thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng I, không được đăng ký ở các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung.
Xét tuyển các nguyện vọng bổ sung: Thí sinh có thể dùng đồng thời 3 giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng bổ sung để đăng ký tối đa vào 3 trường và trong mỗi trường được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4; Các nguyện vọng (từ 1 đến 4 trong một trường) của thí sinh có giá trị xét tuyển như nhau. Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng trước thì không được xét tiếp các nguyện vọng sau;
Trong thời gian của từng đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không được rút hồ sơ. Sau mỗi đợt xét tuyển, nếu không trúng tuyển, thí sinh được rút hồ sơ để đăng ký xét tuyển trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo; Thí sinh đã trúng tuyển vào trường, không được tham gia xét tuyển ở đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo.
Hồ sơ ĐKXT bao gồm: Phiếu đăng ký xét tuyển có ghi rõ đợt xét tuyển, được đăng ký 4 ngành của một trường cho mỗi đợt xét tuyển, các nguyện vọng được xếp thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Mỗi nguyện vọng cần chỉ rõ ngành đăng ký xét tuyển và tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển; Bản gốc Giấy chứng nhận kết quả thi ghi rõ đợt xét tuyển và điểm của tất cả các môn thi mà thí sinh đã đăng ký dự thi có đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi; 1 phong bì đã dán sẵn tem, có ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc của thí sinh.
Thí sinh không dùng quyền tuyển thẳng, đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 7 Quy chế tuyển sinh, Hồ sơ ĐKXT có thêm: Phiếu đăng ký ưu tiên xét tuyển theo mẫu quy định tại Hướng dẫn tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào ĐH, CĐ năm 2015; Một trong các giấy chứng nhận sau: Giấy chứng nhận đoạt giải kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT; Giấy chứng nhận đoạt giải Cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia; Giấy chứng nhận đoạt giải quốc tế về thể dục thể thao, năng khiếu nghệ thuật.
Nộp hồ sơ và phí ĐKXT: Trong thời hạn quy định của mỗi đợt xét tuyển, thí sinh nộp hồ sơ ĐKXT và phí ĐKXT qua đường bưu điện theo hình thức chuyển phát nhanh, chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại trường; Hồ sơ và phí ĐKXT của thí sinh dù nộp qua đường bưu điện theo hình thức chuyển phát nhanh, dịch vụ chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại các trường trong thời hạn quy định của mỗi đợt xét tuyển, đều hợp lệ và có giá trị xét tuyển như nhau.
Để tạo điều kiện cho người tham gia ĐKXT, khuyến khích các trường ĐH, CĐ cho các thí sinh thay đổi nguyện vọng ĐKXT theo hình thức trực tuyến. Các trường cần báo cáo Bộ GD&ĐT để thống nhất sử dụng hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia và công bố công khai quy trình tiếp nhận thông tin đăng ký của thí sinh để thí sinh thực hiện đúng với quy định; Phí ĐKXT được thực hiện theo Quy định tại Thông tư liên tịch của Bộ Tài chính - Bộ GD&ĐT quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dự thi, dự tuyển (lệ phí tuyển sinh).
Xác định điểm trúng tuyển: Các trường căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, sau khi trừ số thí sinh được tuyển thẳng (kể cả số học sinh dự bị của trường và học sinh các trường Dự bị đại học được phân về trường); căn cứ vào quy định về khung điểm ưu tiên và vùng tuyển; căn cứ vào kết quả phân tích việc đáp ứng nguyện vọng đăng ký của thí sinh vào các ngành của trường do máy tính cung cấp, Ban thư ký trình Hội đồng tuyển sinh trường xem xét quyết định phương án điểm trúng tuyển.
Cập nhật dữ liệu ĐKXT và công khai danh sách các thí sinh ĐKXT vào trường: Ít nhất mỗi ngày một lần, các trường cập nhật thông tin ĐKXT (bao gồm danh sách các thí sinh ĐKXT và danh sách các thí sinh rút hồ sơ ĐKXT) vào hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia và nhận dữ liệu của thí sinh từ hệ thống để xét tuyển;
Trong thời gian nhận hồ sơ của một đợt xét tuyển, ba ngày một lần các trường công bố trên trang thông tin điện tử của mình danh sách các thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào trường theo từng ngành và xếp theo kết quả thi từ cao đến thấp. Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường công bố kết quả trúng tuyển tạm thời cập nhật đến ngày công bố.