Từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức văn hóa con người Việt Nam
- Y học 360
- 20:38 - 15/12/2023
Do đó nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, năm 2022, Bộ VH-TT&DL đã ban hành Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình (Bộ Tiêu chí). Cùng với đó UBND, Sở VH-TT thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch để cụ thể hóa việc triền khai thực hiện Bộ Tiêu chí. Với mục tiêu từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Góp phần nâng cao trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình cộng đồng xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội.
Nâng cao nhận thức về xây dựng giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, khơi gợi tình yêu thương, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc văn minh gắn với việc nâng cao chất lượng xây dựng Gia đình văn hóa làm nền tảng xây dựng cộng đồng hạnh phúc.
Theo ông Nguyễn Đình Hùng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Việt Hưng, quận Long Biên, TP Hà Nội, trong 5 nội dung tiêu chí được đề cập trong Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình, thì nội dung tiêu chí 3 có vị trí vai trò cốt lõi - Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương. Đây là tiêu chí mang đậm tình yêu thương giữa các thế hệ, nếu thực hiện tốt thì nó có những tác động và tạo được nền tảng để thực hiện các nội dung khác thuận lợi hơn.
Để khẳng định tiêu chí 3 này có tác động trực tiếp tới các nội dung khác, ông Nguyễn Đình Hùng đề cập đến đối tượng được điều chỉnh cụ thể là các thế hệ gồm ông bà, bố mẹ, con cháu trong gia đình. Với truyền thống tốt đẹp của lớp người cao tuổi (NCT) Việt Nam, thế hệ ông bà, cha mẹ được ví như những kho tàng quý báu, tài sản vô giá đó chính là những trí tuệ được đúc kết và những kinh nghiệm sống. NCT có thể tham gia đầy đủ vào các hoạt động xã hội, có thể đóng góp có hiệu quả hơn cho gia đình, cộng đồng.
Tiềm năng của NCT là cơ sở vững chắc cho sự phát triển tương lai. Để phát huy đúng vị trí vai trò và khả năng truyền thụ kỹ năng, kinh nghiệm của ông bà cho con cháu thì trước tiên ông bà, cha mẹ phải là tấm gương sáng phản chiếu để con cháu noi theo. Đó là những hình ảnh chuẩn mực từ lời nói nhẹ nhàng, từ tốn có sức thuyết phục; từ hành động, việc làm luôn đúng đắn, chuẩn chỉ với lối sống nề nếp, gia phong... được thể hiện trong sinh hoạt thường ngày để con cháu nhìn vào học tập. Sự yêu thương, gần gũi của ông bà, cha mẹ dành cho con cháu cũng hết sức cần thiết, không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Từ đó sẽ sớm hình thành nên nhân cách của một con người biết sẻ chia, giúp đỡ làm việc có ích cho xã hội.
Để xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ hạnh phúc thì mỗi thành viên trong gia đình phải sắp xếp thời gian công việc hợp lý, cân bằng về vật chất và tinh thần để bảo đảm có cuộc sống ổn định và phát triển. Mỗi thành viên trong gia đình luôn quan tâm chia sẻ động viên nhau những lúc vui buồn, tích cực tham gia các hoạt động tại cộng đồng và xã hội. Ngược lại, với mong muốn của ông bà, cha mẹ như trên đã nêu thì trách nhiệm của con, cháu trong gia đình cũng phải được đề cập đến, phải bảo đảm cả hai chiều, đó là sự lắng nghe, tiếp thu những lời chỉ bảo từ ông bà, cha mẹ của con cháu, sự tu dưỡng, phấn đấu rèn luyện để trở thành người con, cháu hiếu thảo với gia đình, là công dân tốt trong xã hội và là người trưởng thành có nhiều cống hiến cho đất nước.
Để Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình được triển khai thực hiện đạt hiệu quả các nội dung tiêu chí đã đề ra, ông Nguyễn Đình Hùng đề nghị một số nội dung sau:
- Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm ban hành các văn bản sát với thực tế, nhất là khắc phục những hạn chế tồn tại đang tác động không tốt trong việc xây dựng đời sống văn hóa trong mỗi gia đình, cộng đồng và xã hội.
- Các cấp, các ngành cần vào cuộc một cách thiết thực để tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, ứng xử văn hóa trong mỗi gia đình nhằm tăng cường nền tảng vững chắc cho xã hội phát triển (hiện nay việc tuyên truyền và nắm bắt các nội dung Bộ Tiêu chí của người dân còn nhiều hạn chế).
- Tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn giữa nhà trường với gia đình trong việc giáo dục con cháu, quan tâm giáo dục thuần phong mỹ tục, đạo đức lối sống tích cực cho học sinh, sinh viên - chủ nhân tương lai của đất nước.