THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 05:50

Tự hào là “Chiến sĩ Trường Sa”

 

Đoàn Công tác số 16 xuất phát từ cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) đi thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa. Ảnh: Thu Hà

Rồi cơ duyên đến, tôi được tham gia Đoàn công tác số 16 do Chuẩn Đô đốc Phạm Khắc Lượng, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân làm Trưởng đoàn đi thăm, làm việc và động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 trong hải trình 7 ngày từ 28/5 đến 3/6/2023.

Đoàn công tác số 16 xuất phát từ Cam Ranh (Khánh Hòa) trên con tàu KN390 của Chi đội kiểm ngư số 3. Trong số hơn 200 đại biểu, có người đến Trường Sa 2-3 lần, có người đến 8 lần, đặc biệt phóng viên Phương Dung (Truyền hình Quân đội) đã có nhiều chuyến công tác tại các đảo chìm, đảo nổi thuộc huyện Trường Sa và có mặt trên 15 nhà giàn để tác nghiệp báo chí. Đa số đại biểu còn lại giống như tôi, tự hào lần đầu tiên được đến với Trường Sa -  cột mốc vững chắc của Tổ quốc giữa biển khơi.

2

Sau hơn một ngày lênh đênh trên biển, Đoàn đặt chân lên đảo Song Tử Tây. Đây là đảo đầu tiên được giải phóng trong những ngày tháng 4/1975 lịch sử. Là điểm đảo đầu tiên trong hải trình, các đại biểu thật sự xúc động khi nhận được tình cảm nồng hậu từ quân, dân trên đảo. Những gương mặt chiến sĩ trẻ trung, vừa nghiêm trang nhưng cũng thật gần gũi; những em bé trong trang phục áo cờ đỏ, sao vàng rạng rỡ đón đại biểu, nhanh nhẹn kể chuyện và sẵn sàng dẫn đại biểu đi thăm quan quanh đảo đã để lại ấn tượng không bao giờ quên đối với các thành viên trong Đoàn.

Empty

Cảm xúc vỡ òa khi tiếng hát của đội xung kích Vùng 3 Hải quân, ca sĩ Minh Ngọc, ca sĩ Đông Triều và nhóm sinh viên đến từ Đại học Văn hóa Hà Nội cất lên “Máu đỏ da vàng tôi là người Việt Nam, dù đi năm châu cho dù về nơi đâu, triệu trái tim này, cùng hát chung câu Việt Nam”. Những cánh tay cùng giơ cao, lời ca từ các cán bộ, chiến sĩ, từ các đại biểu và ca sĩ hòa quyện vào nhau vừa da diết, vừa hào hùng như tinh thần tự hào dân tộc.

Các đại biểu, đội xung kích Vùng 3 Hải quân, ca sĩ và các bạn sinh viên ĐH Văn hóa Hà Nội giao lưu cùng quân, dân trên huyện đảo Trường Sa. Ảnh: Thu Hà

48 năm đã trôi qua, những người con Việt Nam luôn khắc ghi chiến thắng thần tốc giải phóng Trường Sa của thế hệ cha anh đi trước không tiếc máu xương để gìn giữ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Theo lịch 17 giờ ngày 30/5 tàu KN390 sẽ thả neo ở vùng đảo Cô Lin để thực hiện Lễ tưởng niệm các liệt sĩ hi sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Các đại biểu tập trung tại phòng ăn 3A-B để gấp 300 hạc giấy, thuyền giấy trong không khí khẩn trương. Tích cực nhất là phòng 325 với 17 đại biểu nữ.

Các đại biểu tham gia gấp hạc giấy, thuyền giấy chuẩn bị cho Lễ tưởng niệm anh linh các liệt sĩ về với biển. Ảnh: Thu Hà

16 giờ các đại biểu đã có mặt trên sân bay của tàu, đứng thành hàng nghiêm trang chuẩn bị cho buổi Lễ. Bất ngờ tiếng đồng chí Cao Thanh Bảng, Phó Tham mưu trưởng Chi đội Kiểm ngư 3 nói với tôi: “Chị tìm mấy phóng viên nam để xuống xuồng tác nghiệp”. Tôi nghe xong chạy thẳng xuống vị trí đợi xuồng trong trang phục quần áo dài truyền thống, đầu thầm nghĩ “tại sao lại phải phóng viên nam? nữ cũng có thể làm được mà”. Trên xuồng lúc này đã có phóng viên Hoàng Hải (báo Công lý) và Thu Hường (VTV3) cùng với kíp xuồng gồm Thiếu tá Mai Hải Hưng lái chính, Đại úy Phạm Ngọc Hòa, Phó thuyền trưởng tàu KN390 và Đại úy Nguyễn Việt Hùng. Chiếc xuồng đội sóng ra khơi, qua câu chuyện tôi mới hiểu 3 chúng tôi đang thực hiện một nhiệm vụ vô cùng tự hào mà theo như kíp xuồng nói, có lẽ tôi và Thu Hường là những phóng viên nữ đầu tiên dũng cảm theo xuồng đội sóng (cao khoảng 4-5m) để quay phim, chụp ảnh khoảnh khắc xúc động nhất buổi lễ, đó là phần nghi lễ thả vòng hoa, hạc giấy, thuyền giấy tri ân anh linh các anh hùng liệt sĩ về với biển.

Phóng viên tác nghiệp trên vùng biển Cô Lin và khu vực Nhà giàn DK1/17 (Phúc Tần). Ảnh: Nguyễn Á - Thu Hà

Bầu trời hoàng hôn đỏ au, lấp sau quầng mây thẫm càng khiến cho quang cảnh buổi lễ trầm mặc, linh thiêng. Tuy không trực tiếp tác nghiệp trên sân bay tàu, nơi diễn ra buổi lễ, nhưng qua những khoảnh khắc do đồng nghiệp ghi nhận lại tôi thấy được những tiếng nấc, giọt nước mắt nghẹn ngào của đại biểu và của cán bộ, chiến sĩ. “Bao xương máu vì hình hài Tổ Quốc, vang vọng về dòng máu Lạc Hồng xưa. Giữa đảo xa lá cờ bạc nắng gió, bỗng trong tôi mắt lệ dâng trào...”

3

Trường Sa lớn là một đảo san hô thuộc cụm Trường Sa, là điểm đảo cuối trong hải trình của Đoàn công tác số 16, đây cũng là đảo duy nhất có sân bay quân sự với đường băng dài khoảng 1.300m. Cũng như các đoàn công tác khác, các đại biểu rất mong chờ được đặt chân lên đảo Trường Sa lớn, tham gia các hoạt động ý nghĩa trên đảo để thể hiện tình cảm trân quý của đất liền hướng về quân và dân huyện đảo Trường Sa. Tại đây, Đoàn đã tham gia Lễ chào cờ và duyệt đội ngũ của quân, dân trên đảo Trường Sa lớn. Thật xúc động khi 10 lời thề của quân nhân trong Quân đội Nhân dân Việt Nam vang lên trước cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc trong lễ chào cờ. Lời thề đó mang theo bản lĩnh, ý chí quật cường, niềm kiêu hãnh vì tình yêu với Tổ quốc khiến chúng tôi thêm tin tưởng, tự hào.

Chuẩn Đô đốc Phạm Khắc Lượng, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân tham dự lễ chào cờ và duyệt đội ngũ trên đảo Trường Sa lớn. Ảnh: Thu Hà

Mặc dù trên đảo có hệ thống sản xuất điện bằng năng lượng mặt trời, nhưng từ chiều, mọi hoạt động trên đảo đều hạn chế nhằm tập trung ưu tiên điện cho tối giao lưu. Tối cùng ngày, nhân dịp Tết Thiếu nhi 1/6 và Tháng hành động Vì trẻ em, một chương trình văn nghệ sôi nổi, ấm áp được tổ chức với sự tham gia của đại biểu, ca sĩ, đội xung kích Vùng 3 Hải quân, cán bộ, chiến sĩ và các cháu nhỏ đang sinh sống trên đảo.

9bf5f36173b3a2edfba2

21 giờ ngày 31/5, toàn bộ Đoàn công tác quay về tàu để chuẩn bị “chào đảo”. Nếu lần đầu đi Trường Sa, các đại biểu hoàn toàn không biết nghi thức này, tôi cũng vậy. Khi các đại biểu đã lên tàu, từ đài chỉ huy, thông báo được phát đi “Mời các đại biểu tập trung ở mạn tàu để chào đảo”. Dưới cầu tàu, toàn thể lực lượng cán bộ, chiến sĩ, người dân hiện đang sinh sống và làm việc trên đảo Trường Sa lớn gồm bộ đội hải quân, biên phòng, kiểm ngư, công chức, giáo viên, sư thầy, người dân và trẻ em đứng xếp hàng ngay ngắn, vừa vỗ tay vừa hát vang bài hát “Vì nhân dân quên mình”, “Khúc quân ca Trường Sa”... Tàu KN390 kéo 3 hồi còi dõng dạc chào đảo, tiếng còi  tàu ngân vang quyện vào câu hát “Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương. Biển này là của ta, đảo này là của ta. Trường Sa...” càng làm cho không khí giờ phút chia tay bồi hồi xúc động.

 “Tất cả điểm đảo chúng tôi đi qua đã để lại những tình cảm vô cùng đặc biệt. Buổi tối ngày hôm nay, tôi thực sự nghẹn ngào khi thấy các đồng chí rất vững vàng. Tôi thực sự nghẹn ngào trước sự vô tư vô cùng đáng yêu của các cháu bé. Tôi cũng thực sự nghẹn ngào trước nụ cười hiền hậu, tỏa niềm tin của sư thầy trụ trì chùa Trường Sa vì đã lan tỏa niềm tin, sự yêu đời đến các chiến sĩ cũng như người dân trên đảo”, Chuẩn Đô đốc Phạm Khắc Lượng xúc động chia sẻ với quân, dân đảo Trường Sa lớn.

Đồng hành cùng bố đến huyện đảo Trường Sa. Ảnh: Sơn Tùng.

Đâu đó, dưới cầu tàu vang lên tiếng gọi “Cô Hải Dương ơi”, không biết có phải gọi mình không nhưng tôi òa khóc. Những ai có mặt trên boong tàu KN390 tối hôm ấy trước khi tàu rời đảo sẽ không khỏi xúc động và có lẽ không bao giờ quên hình ảnh những chiến sĩ Trường Sa và Đoàn công tác đã cùng trao gửi yêu thương.

  “Thương lắm đất liền ơi!” -  “Thương lắm Trường Sa ơi!”

  “Trường Sa vì cả nước!”  -  “Cả nước vì Trường Sa!”

Empty

Kết thúc hải trình, hoàn thành nhiệm vụ công tác, chúng tôi vinh dự được Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo và Huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa. Đặt tay lên ngực trái, chúng tôi tự nhủ, Trường Sa mãi trong tim người Việt Nam. Tạm biệt Trường Sa, mong có ngày gặp lại.

Empty

THU HÀ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh