Trường chuyển học sinh sang hệ hòa nhập vì chậm tiến
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 00:12 - 11/11/2015
Chị Đoàn Thị Cầm (33 tuổi, trú xã Phú Phong, huyện Hương Khê) cho biết, gia đình có hai con tên Tài và Lê (học lớp 2 và 4 trường Tiểu học Phú Phong) bị nhà trường chuyển sang hệ hòa nhập dành cho học sinh bị thiểu năng trí tuệ, dù cả hai không có biểu hiện gì về bệnh tật.
"Con tôi tuy học kém, nhưng rất lanh lợi, hoạt bát trong mọi hoạt động khác và nghe lời bố mẹ. Việc nhà trường cho các cháu sang học hệ hòa nhập dành cho những em thiểu năng thực sự khiến gia đình rất buồn", chị Cầm nói.
Trường tiểu học Phú Phong, nơi hai em Tài và Lê đang theo học. Ảnh: Đức Hùng.
Việc chuyển em Tài sang học hệ hòa nhập được thực hiện từ đầu năm học 2012-2013, với em Lê là năm 2014-2015. Cô giáo chủ nhiệm của hai học sinh này đã hướng dẫn để vợ chồng chị Cầm viết đơn trình bày nguyện vọng và lấy xác nhận của chính quyền địa phương, sau đó nộp lên lãnh đạo nhà trường.
Trao đổi với VnExpress, cô Võ Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phú Phong, cho hay học sinh Tài dù lên lớp 4 nhưng chưa viết được rõ ràng, đọc rất yếu, đánh vần lâu, nhà trường cử thêm một cô giáo kèm cặp nhưng em không thể khá lên. Em Lê học lớp 2 song chưa biết đọc, trí nhớ kém, viết rất khó khăn.
"Sau khi nhận được trình bày từ các giáo viên chủ nhiệm, nhà trường bảo cô hướng dẫn phụ huynh làm đơn xin sang học hệ hòa nhập để giảm bớt áp lực cho các cháu. Nếu các em học hệ thường, yếu kém thì bị ở lại lớp, từ đó sẽ tạo tâm lý tự ti, chán nản. Nhưng khi chuyển sang học hòa nhập, yêu cầu kiến thức kỹ năng thấp hơn, do đó các em sẽ được tạo điều kiện lên lớp", cô Hương nói.
Theo nữ hiệu trưởng, khi chuyển sang hệ hòa nhập, hai em vẫn học chung lớp với các bạn bình thường, việc đánh giá chất lượng sẽ không bị yêu cầu quá cao, môn học nào đánh giá được thì làm, môn nào không được thì thôi. Hơn nữa, khi chuyển sang hệ này, nếu có nguồn tài trợ từ bên ngoài, các em sẽ được quan tâm.
Trả lời câu hỏi về việc phụ huynh phản ánh con không có bệnh tật gì, cô Hương thừa nhận lãnh đạo nhà trường có sai sót khi chỉ dựa vào quyết định về giáo dục hòa nhập dành cho người tàn tật, khuyết tật để lập luận.
Cô lý giải, người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc suy giảm chức năng biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm giảm khả năng hoạt động. Do hai học sinh này gặp khó khăn về trí nhớ nên xếp chung vào bị thiểu năng trí tuệ.
"Việc kết luận các cháu bị thiểu năng, chúng tôi dựa vào kết luận thăm khám của Trạm y tế xã Phú Phong khi cho rằng hai em này chưa biết đọc và nhớ được chữ cái. Khía cạnh này nhà trường cũng không đúng và chưa hiểu hết về quy trình thăm khám để kết luận một người bị thiểu năng trí tuệ", cô Hương nói và cho hay sau khi nhận phản ánh của phụ huynh sẽ chờ chỉ đạo từ các cấp có thẩm quyền để xem xét quyết định hệ học tập cho hai em Tài và Lê.
Ông Trần Đình Hùng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hương Khê thông tin đang cùng với phòng Y tế chỉ đạo kiểm tra, khám lại sức khỏe, giám định năng lực cho các học sinh. "Nếu như các em không gặp vấn đề gì, nhưng nhà trường vẫn quy kết sai thì sẽ quy trách nhiệm xử lý những người sai phạm theo quy định", ông Hùng nói.