Trẻ em bắt đầu học nhạc tốt nhất từ mấy tuổi?
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 15:24 - 17/04/2015
o
Một lớp cảm thụ âm nhạc cho trẻ từ o-3 tuổi
Nhiều nghiên cứu khoa học gần đây đã chỉ ra rằng, giai đoạn từ 0-3 tuổi là giai đoạn phát triển đột phá của trí não con người, trong đó bán cầu não phải đóng vai trò rất quan trọng. Đây là thời kỳ bán cầu não phải phát triển vượt trội hơn bán cầu não trái, với phương cách tiếp nhận và ghi nhớ thông tin chớp nhoáng; điều này giúp cho trẻ có thể học bất cứ thứ gì.
Tuy nhiên, sự phát triển đột phá đó chỉ kéo dài trong khoảng 3 năm đầu đời. Cùng với sự phát triển của bán cầu não trái, khi bước sang những năm tiếp theo, khả năng tiếp thu chớp nhoáng của não phải sẽ giảm dần, và đến năm thứ 6 thì khả năng này hầu như biến mất.
Chính vì vậy, việc giáo dục từ sớm với một phương pháp giáo dục hợp lý là vô cùng quan trọng đối với quá trình phát triển của trẻ. Và một trong những phương pháp hiệu quả và thích hợp nhất đã được chứng minh, là thông qua âm nhạc.
Tại sao có thể nói như vậy? Bởi âm nhạc là một thứ ngôn ngữ chung mà thông qua đó, sẽ giúp cho trẻ có được sự phát triển toàn diện về mọi mặt bao gồm: nhận thức, ngôn ngữ, vận động, tình cảm và xã hội. Đây cũng là những kỹ năng cơ bản giúp trẻ có được nền tảng tốt hơn, chuẩn bị cho việc tiếp thu kiến thức cũng như phát triển các kỹ năng xã hội ở trường học sau này.
Cụ thể hơn, việc cho con được tiếp xúc với âm nhạc, hay xa hơn nữa là tham gia một chương trình cảm thụ âm nhạc từ sớm sẽ mang lại những lợi ích:
1. Giúp con phát triển toàn diện về mọi mặt: ngôn ngữ, cảm xúc, thể chất, nhận thức và kỹ năng xã hội.
2. Rèn luyện cho con kỹ năng giải quyết vấn đề.
3. Khơi dậy cũng như thúc đẩy khả năng sáng tạo vốn đã có sẵn trong tiềm thức của con.
4. Giúp con phát triển kỹ năng xã hội thông qua các hoạt động cùng cha mẹ hoặc các bạn.
5. Giúp con phát triển nhận thức về không gian - thời gian và lý luận, là một tiền đề của toán học.
6. Giúp con phát triển về xã hội và kỹ năng biểu đạt tình cảm.
7. Thông qua âm nhạc, kỹ năng xử lý âm thanh, ngôn ngữ trình bày và xử lý thông tin của con được hoàn thiện; đây là một tiền tố cho việc học đọc và học viết.
8. Giúp hình thành và duy trì những mối liên kết cần thiết của các tế bào não.
9. Thông qua các bản nhạc cổ điển và các hoạt động vận động, giúp con có những cảm nhận tốt về nhịp điệu và tiết tấu – nền tảng của các kỹ năng vận động như chạy nhảy, đi lại,…
10. Giúp con có được niềm đam mê với âm nhạc và học tập.
Học cảm thụ âm nhạc giúp con có được niềm đam mê với âm nhạc và học tập.
Bản thân người viết bài này cũng đã nuối tiếc vì không cho con gái đầu học nhạc khi còn nhỏ nên đã rút kinh nghiệm cho cậu con trai học cảm thụ âm nhạc từ 3 tuổi. Cháu rất thích học và khi 5 tuổi đã lên đàn rất dễ dàng không có cảm giác bị áp lực với việc học đàn. Nếu học cảm thụ âm nhạc trước thì khi đánh đàn các cháu sẽ đánh với cảm xúc của mình chứ không phải học kiểu truyền tay (tức là chỉ đánh đúng bản nhạc mà thôi). Trong độ tuổi từ 1-6 tuổi các bà mẹ nên ngồi học cùng các con vì các con hay quên và không tập trung. Ngoài ra mẹ sẽ hiểu và ghi nhớ bài giáo viên hướng dẫn trên lớp để về kèm con trong giờ tập ở nhà. Khi các con lên 7-8 tuổi thì mới có thể học một mình với thầy cô được.
Có người nói với tôi: "cho con trai học nhạc làm gì? con trai học nhạc sẽ mềm yếu đi...". Nhưng tôi cho con học nhạc không phải muốn con thành nhạc công mà đơn giản tôi chỉ muốn con học nhạc để nuôi dưỡng tâm hồn, rèn tính kiên nhẫn và cải thiện sự tập trung. Bạn bè tôi cũng có người cho con học nhạc từ nhỏ và tôi thấy khi các cháu lớn lên học rất giỏi toán hoặc ngoại ngữ và rất tự tin.
Cho trẻ học nhạc để nuôi dưỡng tâm hồn và hoàn thiện tính cách.
Vì vậy làm cha mẹ đừng để con mình tuột mất cơ hội khám phá bản thân. Không đòi hỏi con phải học giỏi mà chỉ cần con biết chơi một loại nhạc cụ là được, để khi trưởng thành con có thể tự tin bước vào đời, vượt qua mọi khó khăn và biết vươn lên trong cuộc sống.