Trăn trở của nhà báo điều tra về tội phạm ấu dâm nam
- Tây Y
- 12:36 - 20/06/2022
- Để có được loạt phóng sự nêu trên, chắc hẳn anh đã gặp không ít khó khăn, trắc trở?
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Trong nghề báo, chúng tôi đã thực hiện rất nhiều rất phóng sự điều tra về các lĩnh vực khác nhau nhưng có lẽ loạt bài điều tra để vạch trần sự thật về quỷ ấu dâm Huỳnh Đắc Cường là gian nan, vất vả nhất bởi nó diễn ra vào đúng cao điểm của đại dịch Covid-19, khi cả nước thực hiện giãn cách xã hội, việc đi lại rất khó khăn, thậm chí không được đi ra đường, đi đâu cũng phải khai báo, đặc biệt là chúng tôi không thể đi được bằng máy bay, phải đi bằng xe ô tô tự lái. Có những thời điểm đã vào tới Quảng Nam nhưng người ta lại không cho phép ở khách sạn vì sợ những người từ Hà Nội vào lây Covid; rồi yêu cầu phải có phiếu xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ... Ngay cả khi chúng tôi đã làm đúng thủ tục thì người ta vẫn không cho ở khách sạn!
Trong vòng một năm sau khi các nạn nhân đã gửi đơn kêu cứu đến chúng tôi nhưng vẫn chưa thấy có hành động gì, họ rất tuyệt vọng. Chúng tôi thậm chí đã phải mua một chiếc điện thoại thông minh tặng người tố cáo vụ này để họ tìm cách thu thập video, âm thanh, hình ảnh gửi ra Hà Nội vì chúng tôi không thể vào được thường xuyên và khó tiếp cận những nhân chứng.
Khó khăn nữa là mạng xã hội mà các đối tượng sử dụng để dụ dỗ các em chúng tôi đều chưa biết vì nó chỉ dành cho người đồng tính nam và còn khá mới mẻ ở Việt Nam, nhưng lại có tới 30 triệu thành viên, do một người nước ngoài lập ra. Thủ phạm trong vụ này cũng rất tinh vi, hành tung xuất quỷ nhập thần, trốn tránh không để lại dấu tích nào sau khi gây ra những việc đau lòng. Tài khoản, số điện thoại, zalo, hình ảnh của anh ta trên mạng xã hội đều là ảo. Gần chục nạn nhân mà chúng tôi gặp đều không biết tên thật, thậm chí chúng tôi đã nhầm tên đối tượng một thời gian dài dù thường xuyên gặp anh ta.
Trong cả giai đoạn đầu điều tra trong bí mật nên chúng tôi không được phép thẩm vấn đối tượng, không hỏi chính quyền địa phương mà chỉ âm thầm phỏng vấn nạn nhân, đóng giả là những thành phần khác nhau để thu thập thông tin. Sau quá trình dài, chúng tôi mới có được hình ảnh, video và những bằng chứng để chính thức làm việc với Cục Cảnh sát hình sự, Cục Trẻ em và các luật sư tại Văn phòng Blue Dragon ở Việt Nam để cùng phối hợp.
- Từ quá trình tác nghiệp về vụ việc phức tạp này, anh có thể chia sẻ và có những vấn đề bảo vệ bí mật riêng tư, nhất là bảo vệ quyền trẻ em trong các tác phẩm báo chí như thế nào cho đúng?
Với loạt phóng sự vạch trần quỷ ấu dâm Huỳnh Đắc Cường, Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em năm 2021. Cũng trong năm 2021, anh đã đoạt Giải A - Giải Báo chí Toàn quốc về Phòng chống Tham nhũng Tiêu cực; Giải Nhất - Giải Báo chí về Bảo vệ thiên nhiên Hoang dã VIEWS AWARDS. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cũng vinh dự được nhận Giải A - Giải Báo chí Quốc gia.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Cho đến ngày cùng với các điều tra viên và luật sư lên đường, chúng tôi vẫn còn câu hỏi bỏ ngỏ và rất lo lắng vì đến nay vẫn chưa có giáo trình nào đào tạo phóng viên điều tra là phải chụp ảnh và nhận diện tội phạm; rồi một mình đi gặp các đối tượng “không hiền lành”, chúng tôi có thể bị tấn công, bị lây nhiễm HIV do cào cấu, cắn xé... Do vậy, chúng tôi phải ăn mặc như thế nào, tính toán đường thoát thân, đối thoại với họ ra sao… Có những nhân chứng lành nhất là các em sinh viên, từ thời học sinh đã bị lạm dụng tình dục và bị lây nhiễm HIV. Họ “lý luận”: “Ở đời có nhân quả”, chúng tôi đã bị hãm hiếp, bị lạm dụng, bị HIV rồi thì hãy để cho chúng tôi yên, các vị đi làm anh hùng để giải cứu những người đau khổ trong xã hội thì thì cứ đi và chả làm được gì đâu, và nếu có chống được thì lại lộ danh tính của chúng tôi trước dân làng, trước nhà trường, và trước bố mẹ tôi. Nếu lộ thì tôi sẽ tự tử bởi vì tôi bị HIV đã quá đau khổ rồi”. Chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều trường hợp bị tấn công tình dục, bị nhiễm HIV như vậy và không ai được cứu cả, họ nhìn đời bằng con mắt đen tối nên không hợp tác với các nhà báo. Trước những bối cảnh này, chúng tôi đã nghĩ ra những phương án rất kinh khủng: Tìm cách rình rập để các em ngồi trước mặt, và khi ngồi gần thì đưa ra những bài toán được và mất: “Một là nói chuyện với chúng tôi; hai là chúng tôi đi cùng đoàn của Cục cảnh sát hình sự, chúng tôi có thẻ nhà báo, thẻ công an, ó giấy giới thiệu của Cục cảnh sát hình sự, giấy giới thiệu của cơ quan báo, có thể gặp các cháu thông qua việc làm việc với bố mẹ và yêu cầu họ mời cháu ra làm việc hoặc chú có thể gặp hiệu trưởng nhà trường, đề nghị công an mời cháu ra làm việc với chú, vậy cháu chọn cách nào? Chắc chắn chú phải gặp cháu để đề nghị bắt thủ phạm, cứu những người đau khổ như cháu, chú cho cháu lựa chọn”. Đó là những tình huống cực chẳng đã, bởi nếu không làm rõ vụ này, mỗi ngày trôi qua sẽ tiếp tục có những nạn nhân tiếp tục bị dụ dỗ, bị lừa gạt, thậm chí bị cho uống thuốc kích dục để có thể các đối tượng lạm dụng tình dục và lây bệnh HIV. Và chúng tôi đã phải đưa ra nhiều quyết sách táo bạo và liều lĩnh, chung chiêng, tranh cãi giữa tính hợp pháp của báo chí và tính mạo hiểm quá mức, làm không khéo sẽ bị vượt ra lằn ranh của sự bảo vệ quyền riêng tư và quyền trẻ em trong điều tra của nhà báo. Thậm chí, chúng tôi gặp những tình huống mà các cháu đặt những câu hỏi rất oái oăm: “Một là, cháu sẽ nhảy cầu tự tử ngay ngày hôm nay, hai là chú để cho bố mẹ chúng cháu biết câu chuyện cháu đã bị như vậy, ba là nếu như đi xét nghiệm HIV mà cháu bị mắc thì chắc chắn cháu sẽ bị chết”. Chúng tôi bị chung chiêng giữa một bên là cứu người, khống chế, bắt giữ tội phạm, chấm dứt các hành vi tội ác của tội phạm và tính nhân văn của việc bảo vệ quyền riêng tư cho các cháu.
Ngay cả khi báo đã đăng rồi, chúng tôi còn gặp những tình huống éo le: Khi thực hiện phóng sự này, chúng tôi đã cho phóng viên làm mờ mặt tất cả các nhân vật, kể cả trên video, trên mặt báo cũng như trong các đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng. Vậy nhưng, khi các bài viết đầu tiên được đăng tải, độc giả vẫn chỉ trích chúng tôi rất nặng nề là các anh “bán đứng” nhân vật của mình, các anh giết các cháu thêm một lần nữa sau khi các cháu bị hãm hiếp và nhiễm HIV. Kiểm tra kỹ lại chúng tôi mới thấy mình sơ suất bởi khi phóng to vào các bức ảnh rất nét đã được đăng, mặc dù không thấy mặt các cháu vì đã bị xóa nhòa nhưng có chi tiết là bàn tay lời khai của cháu đang viết trước cơ quan công an lại ghi rõ tên, tuổi, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, quê quán của các em. Đó là bài học rất cay đắng để chúng tôi liên tục chỉnh sửa trong từng bản thảo.
“Theo tôi, nghề báo và cái nhạy cảm của nghề báo liên quan đến quyền trẻ em, liên quan đến quyền riêng tư của các nhân vật mà mình đang cứu giúp thì nhà báo phải liên tục cập nhật thông tin, kiến thức và thực tâm của mình trong việc giữ gìn quyền riêng tư, bảo vệ quyền trẻ em cũng như thực hiện đạo đức nghề nghiệp của người làm báo” – Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng.
- Sau quá trình âm thầm điều tra và đăng tải các bài viết, các cơ quan chức năng đã vào cuộc và đạt được kết quả gì?
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Rất mừng là chúng tôi đã có uy tín và mối quan hệ trong lĩnh vực này nhờ các vụ việc điều tra tương tự liên quan đến thủ phạm người nước ngoài nên các đơn vị từ bên Bộ Công an đến Cục Trẻ em khi chúng tôi đặt vấn đề, họ tin tưởng ngay.
Sau khi tìm hiểu xong, chúng tôi đề nghị làm việc với đồng chí Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Trẻ em và các ban ngành, sau đó cùng anh Nam liên lạc với bên cảnh sát hình sự Bộ Công an, các cuộc họp trực tuyến rồi trực tiếp giữa hai Cục với nhóm phóng viên chúng tôi đã được tổ chức, sau đó thì tiến hành hạ quyết tâm nghiên cứu hồ sơ. Bản thân tôi cũng ký vào những đơn tố cáo, ký vào các tập hồ sơ mà chúng tôi đã thu thập được. Đặc biệt, Luật sư Tạ Ngọc Vân thuộc Văn phòng Blue Dragon đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong làm các thủ tục pháp lý.
Ngay sau khi loạt phóng sự được đăng tải, Cục trưởng Cục trẻ em Đặng Hoa Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã chỉ đạo xử lý nghiêm các vi phạm. Đồng thời, Cục Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Quảng Nam, Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia tội phạm học, đại diện văn phòng luật sư… và một số đơn vị liên quan đã nhanh chóng vào cuộc, xử lý triệt để vụ việc. Kết quả là ngày 14/1/2022, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã phê chuẩn Quyết định Khởi tố vụ án, Khởi tố bị can và phê chuẩn lệnh bắt tạm giam với đối tượng Huỳnh Đắc Cường (SN 1980, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), với tội danh Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.
- Cũng qua loạt phóng sự này, theo anh có những bài học gì trong phòng chống HIV và bảo vệ những người bị nhiễm HIV như thế nào, nhất là từ hoạt động tình dục đồng giới?
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Qua những vụ việc này, tôi nhận thấy nhiều bài học về việc phòng, chống HIV/AIDS và bảo vệ những người bị nhiễm HIV. Hiện nay, tỷ lệ những người bị nhiễm HIV do ma túy và mại dâm đã giảm vì những người dùng ma túy và mua bán dâm đã nhận thức tốt hơn và việc sử dụng kim tiêm và bao cao su. Tuy nhiên, các đối tượng bị nhiễm HIV do tình dục đồng giới lại tăng đáng báo động. Có con số đưa ra là hơn 80% người nhiễm HIV mới là do tình dục đồng giới, đặc biệt là đồng giới nam.
Từ vụ việc điều tra nêu trên, chúng tôi thấy với mạng xã hội Blue, các đối tượng nam giới liên lạc với nhau để quan hệ rất dễ dàng mà không có biện pháp bảo vệ nào cả, và vì vậy tỉ lệ lây nhiễm HIV cũng cực kỳ cao. Đối với trẻ em nam khi bị dụ dỗ thì tỉ lệ khi bị nhiễm còn cao nữa bởi vì các cháu còn nhỏ và dễ tổn thương hơn.
Cũng qua khảo sát ở Quảng Nam, chúng tôi còn nhận thấy một bất cập rất lớn là tất cả các cháu bị nhiễm HIV mà tôi biết thì không ai nhận được sự chăm sóc đầy đủ của y tế địa phương do hầu hết không khai báo, khi đi xét nghiệm, nhiều cháu lên thẳng Đà Nẵng, ra thẳng Tam Kỳ và thường không ghi đúng tên tuổi của mình. Ngay cả đối tượng Huỳnh Đắc Cường sau khi bị bắt giữ, cơ quan chức năng đã rà soát tất cả các bệnh viện ở Quảng Nam, Đà Nẵng đều không thấy hắn đã từng đi xét nghiệm HIV. Đối tượng đã tự đi xét nghiệm nhưng không nói tên thật của mình, chính vì thế chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng không thể biết được anh ta là thành phần như thế và kết quả là hắn đã tung hoành, lây nhiễm HIV cho rất nhiều người. Do vậy, tôi tha thiết kiến nghị giải pháp làm sao quản lý tốt các đối tượng này để họ không trở thành những Huỳnh Đắc Cường thứ hai.
- Xin trân trọng cảm ơn anh!