THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 07 NĂM 2024 01:09

TP Hồ Chí Minh vẫn duy trì việc dạy và học trực tiếp, nhưng siết chặt thêm các biện pháp phòng chống dịch

Từ ngày 22/2, mạng xã hội loan truyền thông tin "Học sinh TP HCM chuẩn bị dừng học trực tiếp. Sở GD-ĐT TP HCM tổ chức họp khẩn để đưa ra quyết định?".

Trước thông tin này, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM khẳng định đây là thông tin giả mạo, hiện tại ngành GD-ĐT TP vẫn tiếp tục tổ chức dạy và học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục theo đúng kế hoạch của UBND TP đề ra.

Cần phối hợp xử lý sớm F0 trong trường học. Ảnh minh họa: Đ.N.Th

Cần phối hợp xử lý sớm F0 trong trường học. Ảnh minh họa: Đ.N.Th

Theo Sở GD-ĐT TP HCM, hiện tại ngành Giáo dục thành phố vẫn tiếp tục tổ chức dạy và học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục theo đúng kế hoạch của UBND thành phố đề ra.

Cũng trong chiều 23/2, UBND TP HCM đã có văn bản khẩn gửi Sở GD-ĐT, Sở Y tế, UBND thành phố Thủ Đức và 21 quận, huyện về hướng dẫn kiểm soát dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục.

Cụ thể, nếu trong cùng một ngày, lớp học phát hiện từ 2 F0 trở lên thì Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của cơ sở giáo dục căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ để quyết định hình thức học tập tiếp theo của các học sinh còn lại trong lớp. Tình huống xuất hiện nhiều F0 hơn trong cùng một ngày, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp quận, huyện căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ để quyết định hình thức học tiếp theo của trường.

Khi phụ huynh phát hiện con em mình là F0 tại nhà, cần cho học sinh nghỉ học và thông báo ngay đến nhà trường kèm theo kết quả xét nghiệm hoặc xác nhận của Trạm y tế cấp phường, xã nơi học sinh cư trú. Cơ sở giáo dục phối hợp với Trạm y tế cấp phường, xã tiến hành truy vết F1 liên quan và xử lý các trường hợp F1 theo quy định. Đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động, khi có triệu chứng nghi nhiễm cũng được xử lý theo quy trình tương tự học sinh là F0.

Cũng theo quy định mới, khi cơ sở giáo dục phát hiện học sinh có 2 trong số các biểu hiện lâm sàng như: sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, khứu giác, đau nhức đầu, tiêu chảy, khó thở, viêm đường hô hấp và có yếu tố dịch tễ…., cần khẩn trương đánh giá tình trạng sức khỏe học sinh, yêu cầu các em đeo khẩu trang y tế và dừng các hoạt động có tiếp xúc với người khác. Giáo viên, người chăm sóc thông báo ngay đến Ban chỉ đạo/Tổ An toàn phòng, chống dịch Covid-19 của cơ sở giáo dục để xử lý theo quy định.

Theo quy định mới của Bộ Y tế áp dụng từ ngày 22/2, khi phát hiện một trường hợp F0 trong lớp học thì không phải toàn bộ học sinh của lớp đó (trừ bậc mầm non) đều là F1. Cụ thể, F1 là người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp với da...) với F0; người đeo khẩu trang có tiếp xúc hoặc giao tiếp trong vòng 2 mét hoặc trong cùng không gian hẹp, kín trong thời gian tối thiểu 15 phút với ca nhiễm bệnh.

Hoài Phi

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh