THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:37

Tổng số ca bệnh COVID-19 trên thế giới đã vượt 261 triệu

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 468.000 ca bệnh COVID-19 và trên 5.100 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 261 triệu ca, trong đó trên 5,21 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Đức (49.311 ca), Pháp (37.218 ca) và Nga (33.946 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (1.239 ca), Ukraine (568 ca) và Ba Lan (378 ca).

Như vậy, các nước ghi nhận ca mắc và tử vong vì COVID-19 cao nhất trong 24 giờ qua đều nằm ở châu Âu. Tổng số ca mắc COVID-19 tại châu lục này sau gần 2 năm đại dịch là trên 72,7 triệu ca, trong đó trên 1,4 triệu ca tử vong.

Tình hình dịch bệnh ở châu Âu phức tạp hơn khi có thêm một số quốc gia ở châu lục này phát hiện các ca mắc biến thể mới Omicron.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp biến thể này vào danh sách những biến thể đáng quan ngại. Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, Giám đốc bộ phận kỹ thuật của WHO về COVID-19, cho biết hiện các nhà khoa học chưa biết nhiều về biến thể mới này và sẽ mất một vài tuần để có thể đánh giá đầy đủ.

Trong khi đó, đặc phái viên của WHO về COVID-19 David Nabarro nhận định Omicron rất đáng quan ngại do có khả năng né tránh "hệ thống phòng thủ" của các vaccine mà thế giới đã sử dụng từ đầu năm đến nay. Ông cho biết các nhà nghiên cứu đang nỗ lực tìm hiểu cách thức lây lan và tác động của biến thể mới tới các phương pháp điều trị và vaccine hiện nay.

Sau khi giới khoa học Nam Phi công bố thông tin về biến thể "siêu đột biến" này, một loạt quốc gia đã áp đặt biện pháp hạn chế nhập cảnh với người từ một số quốc gia châu Phi.

Tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Moskva, Nga ngày 21/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Moskva, Nga ngày 21/10. Ảnh: AFP/TTXVN

VTV cũng đưa tin, Anh ngày 27/11 đã ghi nhận 50.091 trường hợp mắc COVID-19 mới, mức cao nhất trong một tháng qua, và 160 trường hợp tử vong. Đây là lần đầu tiên kể từ cuối tháng 10, số ca nhiễm mới tại Anh vượt ngưỡng 50.000 trường hợp. Trước đó, vào ngày 21/10, 52.009 ca nhiễm mới tại Anh đã được công bố. Số trường hợp mắc COVID-19 được xác nhận ở Anh đã tăng 10% trong một tuần qua, trong khi số ca tử vong liên quan đến virus SARS-CoV-2 đã giảm 15,5%.

Vương quốc Anh cho đến nay vẫn chưa báo cáo bất kỳ trường hợp nào mắc biến thể Omicron (B.1.1.529). Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế Anh Sajid Javid trước đó cho biết, biến thể mới này đã lan rộng ra ngoài miền Nam châu Phi.

Ngày 27/11, Anh ghi nhận 50.091 ca mắc mới, mức cao nhất trong một tháng qua. (Ảnh: AP)

Ngày 27/11, Anh ghi nhận 50.091 ca mắc mới, mức cao nhất trong một tháng qua. (Ảnh: AP)

 

Nhằm giảm sức ép cho các bệnh viện đang quá tải, không quân Đức đã lần đầu tiên dùng máy bay trang bị các giường chăm sóc đặc biệt (ICU) để vận chuyển bệnh nhân COVID-19 nặng. Các máy bay này được trang bị tối đa 6 giường ICU để vận chuyển bệnh nhân COVID-19 đến những bệnh viện trên toàn quốc. Những chiếc máy bay có giường ICU đầu tiên đã hoạt động hôm qua giữa các thành phố tại bang Bavaria.

Số ca mắc mới COVID-19 tại Đức vào ngày 27/11 là 47.926 ca. Hiện tổng cộng trên 5,7 triệu người ở Đức đã nhiễm bệnh, trong đó, số người thiệt mạng vì COVID-19 ở nước này cũng đã vượt mức 100.000 ca. Chỉ số lây nhiễm trung bình trên 100.000 dân trong 7 ngày qua ở Đức là 438 và cũng là mức cao kỷ lục cho tới nay. Chính phủ Đức đã ban hành quy định 3G (nghĩa là đã tiêm phòng, đã khỏi bệnh và đã xét nghiệm) được áp dụng tại nơi làm việc cũng như trên các phương tiện giao thông công cộng.

Ông Kai Klose, quan chức phụ trách vấn đề xã hội tại bang Hesse của Đức, thông báo, giới chức y tế đã phát hiện một trường hợp nghi mắc biến thể Omicron. Đây là người vừa trở về từ Nam Phi và đang được cách ly tại nhà. Theo ông Klose, kết quả xét nghiệm của người này cho thấy một số đột biến đặc trưng của biến thể Omicron.

Bỉ đã đưa ra một loạt các hạn chế mới nhằm giảm tiếp xúc xã hội và ngăn chặn đà lây lan dịch COVID-19. Theo đó, các câu lạc bộ đêm sẽ bị đóng cửa. Quán bar, nhà hàng phải đóng cửa lúc 23h và số lượng khách tối đa 6 người/bàn. Ngoài ra, những cuộc thi đấu thể thao trong nhà sẽ Không có khán giả. Các bữa tiệc lớn trong không gian kín bị cấm, ngoại trừ đám cưới và đám tang với tối đa 50 khách và phải có giấy chứng nhận an toàn COVID-19. Các biện pháp hạn chế mới này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 27/11 và kéo dài trong vòng 3 tuần.

Bên cạnh đó, Chính phủ Bỏ cũng kêu gọi người dân có ý thức phòng dịch, đặc biệt là bảo vệ người già. Hiện 75% dân số Bỉ đã được tiêm vaccine đầy đủ. Tuy nhiên, các trung tâm tiêm chủng sẽ mở cửa trở lại vào tuần tới để đẩy nhanh việc tiến hành mũi tiêm tăng cường. Theo số liệu mới nhất của Viện Y tế quốc gia Bỉ, trong tuần này, nước này ghi nhận trung bình khoảng 16.000 ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày, tăng 48% so với tuần trước đó.

Bỉ đã phát hiện một ca nhiễm biến thể mới Omicro, cũng là ca đầu tiên nhiễm biến chủng mới được xác nhận tại châu Âu. Liên minh châu Âu đã khuyến cáo Vương quốc Bỉ và các nước thành viên lập tức đóng cửa biên giới đối với những người từ 7 nước ở phía Nam châu Phi.

Cơ quan y tế Hà Lan cho biết, ngày 26/11, 61 trong 600 hành khách đến Amsterdam trên hai chuyến bay từ Nam Phi đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Chính phủ Hà Lan đã cấm tất cả các chuyến đi lại bằng đường hàng không từ miền Nam châu Phi vào đầu ngày 26/11. Bộ trưởng Bộ Y tế Hà Lan Hugo de Jonge xác định rằng, những hành khách tới Hà Lan sẽ phải trải qua quá trình kiểm tra và kiểm dịch khi đến nơi.

Thủ tướng Hà Lan đã ban bố lệnh áp đặt phong tỏa ban đêm để ngăn chặn làn sóng dịch COVID-19 đang đe dọa hệ thống chăm sóc y tế của nước này. Từ ngày 28/11, Hà Lan bắt buộc đeo khẩu trang tại các trường trung học cơ sở. Quán bar, nhà hàng và phần lớn cửa hàng tại nước này sẽ phải đóng cửa từ 17h tới 5h sáng hôm sau. Đây là một phần các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng số ca mắc COVID-19 gia tăng khiến các bệnh viện quá tải.

Lo ngại trước khả năng lây lan của biến thể mới Omicron, hàng loạt quốc gia ở các châu lục khác đã ngay lập tức ban bố lệnh cấm đi lại với một số nước châu Phi. Các quốc gia tại châu Mỹ như Mỹ, Canada, Brazil tuyên bố sẽ hạn chế đi lại đối với 7 quốc gia châu Phi. Australia cũng đưa ra quyết định tương tự nhằm bảo vệ người dân.

Biến thể Omicron, được phát hiện lần đầu tiên ở châu Phi, đã lan ra một số quốc gia, vùng lãnh thổ. (Ảnh: AP)

Biến thể Omicron, được phát hiện lần đầu tiên ở châu Phi, đã lan ra một số quốc gia, vùng lãnh thổ. (Ảnh: AP)

 

Tại khu vực châu Á, bắt đầu từ ngày 27/11, Nhật Bản thắt chặt kiểm soát biên giới với du khách đến từ 6 nước châu Phi. Từ ngày 28/11, Singapore sẽ tạm ngừng nhập cảnh đối với những người không phải công dân Singapore đến từ Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe. Philippines đình chỉ các chuyến bay từ các nước này cho đến ngày 15/12.

Chính phủ Ấn Độ yêu cầu tất cả các bang kiểm soát chặt toàn bộ người từ Nam Phi và các quốc gia bị ảnh hưởng bởi biến chủng mới. Iran, Ai Cập, cũng sẽ siết chặt hạn chế đi lại đối với Nam Phi và các nước lân cận.

Các quốc gia Đông Nam Á cần cảnh giác, tăng cường các biện pháp y tế và xã hội, cũng như tăng tỉ lệ tiêm chủng trong bối cảnh biến thể mới xuất hiện. Đây là cảnh báo của Giám đốc WHO phụ trách khu vực Đông Nam Á đưa ra vào ngày 27/11. Theo WHO, các nước Đông Nam Á nên đánh giá rủi ro virus lây truyền vào nội địa thông qua khách quốc tế và thực hiện các biện pháp phù hợp để đối phó biến thể Omicron.

Giám đốc khu vực Đông Nam Á của WHO nhấn mạnh, các quốc gia khu vực không được hạ thấp cảnh giác, nguy cơ vẫn luôn tồn tại và các nước cần tiếp tục làm hết sức để bảo vệ khỏi virus và ngăn chặn lây lan. Hiện 31% dân số khu vực Đông Nam Á đã tiêm chủng đầy đủ và một nửa dân số đã tiêm một mũi. WHO cảnh báo, ngay cả khi đã tiêm chủng đủ 2 mũi, các biện pháp phòng tránh lây lan vẫn phải duy trì như đeo khẩu trang, khử khuẩn, tránh tập trung đông người và tăng tỷ lệ tiêm chủng.

Bộ Y tế Malaysia sẽ đẩy nhanh việc tiêm vaccine mũi tăng cường và tăng cường giám sát xét nghiệm bộ gene của biến thể mới để bảo vệ người dân. Đây là các biện pháp bổ sung được chính phủ Malaysia đưa ra cùng với việc tạm thời cấm nhập cảnh công dân nước ngoài có lịch sử đi lại đến 7 quốc gia miền Nam châu Phi trong 14 ngày qua. Công dân Malaysia và những người có visa dài hạn sẽ được phép quay trở lại và nhập cảnh. Tuy nhiên, họ sẽ phải trải qua 14 ngày cách ly bắt buộc dù đã tiêm chủng đầy đủ.

Thái Lan sẽ cấm nhập cảnh đối với những người đến từ 8 quốc gia châu Phi mà nước này đưa vào danh sách có nguy cơ cao do biến thể Omicron. Từ ngày 1/12 tới, Thái Lan sẽ đóng cửa với các hành khách đến từ các quốc gia Châu Phi là Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zimbabwe, Botswana, Eswatini, Lesotho và Malawi.

Bắt đầu từ ngày 27/11, những người đã ở Thái Lan đến từ 8 quốc gia châu Phi này sẽ phải cách ly 14 ngày. Thủ tướng Thái Lan cũng đã lệnh cho các cơ quan chức năng tăng cường cảnh giác với biến thể mới. Hiện Thái Lan chưa phát hiện ca nhiễm biến thể mới Omicron.

Để sớm mở cửa lại trường học, hướng tới mở cửa trở lại đất nước, Lào tiếp tục triển khai chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em 12-17 tuổi tại thủ đô Vientiane. Dự kiến, mũi vaccine thứ nhất sẽ hoàn thành vào ngày 5/12 và đạt mục tiêu tiêm đủ hai mũi trước ngày 26/12 để đảm bảo điều kiện mở lại trường học trên địa bàn trong điều kiện bình thường mới.

Bộ Y tế Lào cho biết, trẻ trong độ tuổi từ 12-17 chiếm tỷ lệ khá cao trong dân số, riêng ở thủ đô Viientiane đã có hơn 83.000 người trong nhóm đối tượng này. Vì vậy, lãnh đạo thành phố kêu gọi các bậc phụ huynh đưa con em đến các điểm y tế để tiêm vaccine kịp thời nhằm tạo đề kháng cho cơ thể, giảm nguy cơ nhiễm bệnh và biến chứng nguy hiểm cũng như tử vong.

Theo Bộ Y tế Lào, ngày 27/11, nước này ghi nhận tổng cộng 68.832 ca mắc COVID-19 và 147 trường hợp tử vong.

Tại Hàn Quốc, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khi số ca nhiễm mới COVID-19 cũng như số ca tử vong và bệnh nhân phải điều trị tích cực đều tăng lên các mức cao chưa từng thấy. Theo số liệu của Cơ quan Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc, nước này ghi nhận 4.067 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Đây là số ca nhiễm theo ngày cao nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở nước này. Trong khi đó, số ca phải điều trị tích cực là 634 ca, cũng ở mức cao nhất từ trước tới nay.

Số ca nhiễm và phải điều trị tích cực tăng gây lo ngại về nguy cơ thiếu giường bệnh, đặc biệt tại vùng thủ đô Seoul, nơi khoảng một nửa dân số Hàn Quốc sinh sống. Hiện gần 80% dân số dân số Hàn Quốc đã tiêm đầy đủ vaccine COVID-19.

BP (tổng hợp)

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh