Tiền Giang: Sở GD&ĐT lên tiếng về chương trình Công nghệ giáo dục
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 01:17 - 13/09/2018
Theo đó, lý do sẽ có hội nghị giáo dục bởi vì gần đây có khoảng 20 phụ huynh có con đang học tiểu học tại tỉnh Tiền Giang đã gửi đơn đến Sở GD&ĐT tỉnh này kiến nghị không áp dụng chương trình CNGD.
Theo nội dung đơn kiến nghị, phụ huynh bày tỏ, họ không chấp nhận con mình theo học phương pháp này bởi các lý do: Phụ huynh không dạy và kiểm tra được con mình đã học và tiếp thu đến đâu. Phụ huynh cũng cho rằng, theo chương trình giáo dục công nghệ, họ không hỗ trợ được con mình vì phụ huynh không hề biết gì về phương pháp này.
“Đến cuối năm phụ huynh mới biết thực lực con mình đến đâu. Các cháu không theo kịp cùng bạn sẽ nản ở năm học đầu đời. Phụ huynh phải chạy đôn chạy đáo phổ cập cho con mình” - một đoạn trong đơn kiến nghị viết.
Phụ huynh cũng cho biết, họ trăn trở về nội dung trong sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục có quá nhiều điểm không phù hợp cho lứa tuổi cấp 1. Các trường tiểu học phải lấy ý kiến của phụ huynh để lựa chọn chương trình học cho con mình và áp dụng ngay vào năm học này.
Ông Nguyễn Hồng Oanh - Giám đốc sở GD&ĐT (áo trắng) trao đổi với nhóm phụ huynh phản đối việc dạy chương trình Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục.
Ngày 11/9, ông Nguyễn Hồng Oanh (Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang) cho biết, chương trình dạy theo sách Tiếng Việt 1 (CNGD) đã được 100% trường trong tỉnh áp dụng giảng dạy một tháng nay.
“Trong tuần này Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang sẽ có hội nghị hiệu trưởng các trường tiểu học. Các hiệu trưởng sẽ giải thích rõ quá trình dạy sách này tại Tiền Giang và phân tích cho phụ huynh thấy việc áp dụng giảng dạy sách Tiếng Việt 1 - CNGD đã được thí điểm nhiều năm và rất có hiệu quả. Nếu có nhiều phụ huynh không đồng ý với cách giảng dạy mới này thì Sở sẽ nắm danh sách, số lượng rồi có hướng tính toán cụ thể.”. Ông Oanh cho hay.
“Đích thân tôi đã tiếp các phụ huynh và yêu cầu các phụ huynh này ghi rõ họ tên con em mình học ở trường nào và số lượng học sinh để Sở sắp xếp và có hưởng giải quyết, tuy nhiên không phụ huynh nào đồng ý ghi tên” - ông Oanh cho biết.
Cũng theo ông Oanh: “Qua áp dụng giảng dạy thí điểm chương trình Công nghệ giáo dục tiểu học, trong sách có một số từ ngữ không phù hợp với từ ngữ miền Nam thì qua quá trình giảng dạy các trường cũng sẽ có chọn lọc. Nếu các từ ngữ nào không phù hợp chúng tôi sẽ loại ra, chứ không nhất thiết phải theo y như trong sách. Khi áp dụng phương pháp này thì học sinh nhanh biết đọc, biết viết".
Người đứng đầu ngành GD&ĐT Tiền Giang cũng cho biết, trong vài ngày tới, khi họp hội nghị hiệu trưởng, ông sẽ yêu cầu tất các hiệu trưởng khi họp phụ huynh đầu năm phải giải thích cặn kẽ cho phụ huynh hiểu rõ chương trình Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục. Đồng thời, giáo viên phải ghi nhận ý kiến của phụ huynh sau đó báo cáo về Sở để có hướng giải quyết.
Được biết, từ năm học 2013-2014 Tiền Giang đã triển khai thí điểm chương trình Công nghệ giáo dục tại 13/226 trường; năm học 2014 - 2015 triển khai thí điểm tại 18/224 trường. Từ năm 2016 đến nay thực hiện đại trà 224/224 trường tiểu học tỉ lệ 100%.
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT Tiền Giang, sau 5 năm học thực hiện (từ năm 2013 – 2014) đến nay kết quả thực tế cho thấy bộ tài liệu Tiếng Việt 1 CNGD vẫn đảm bảo mục tiêu dạy học Tiếng Việt 1 của bộ GD&ĐT.