"Thủ khoa đầu ra" từng làm cửu vạn, lương 2 triệu một tháng
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 13:30 - 21/08/2016
Nguyễn Như Phúc (sinh năm 1994, Sóc Sơn, Hà Nội), học ngành Lưu trữ học, là thủ khoa đầu ra của ĐH Nội vụ. Phúc nằm trong top 100 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thủ đô năm 2016, được Thành đoàn Hà Nội tôn vinh.
Chật vật xin việc
Là lớp trưởng Lưu trữ 12B, Như Phúc đạt nhiều bằng khen, thành tích trong các hoạt động của trường. Chàng trai từng xếp loại khá trong nghiên cứu khoa học cấp trường năm 2014, nhận bằng khen của Đoàn Thanh niên, Bộ Nội vụ về những thành tích xuất sắc năm 2013, 2014; giấy khen của hiệu trưởng về các thành tích học tập và phong trào năm 2014, 2015. Năm 2016, Phúc tốt nghiệp với điểm học tập toàn khóa 8,25 và điểm rèn luyện xuất sắc.
Nguyễn Như Phúc (giữa) trong lễ bảo vệ khóa luận tốt nghiệp. Ảnh: NVC
Như Phúc nhận bảng điểm và bằng tốt nghiệp vào ngày ngày 22/8 tới. Sau gần 4 tháng kết thúc học tập, chàng trai chưa có công việc ổn định. Danh hiệu thủ khoa đầu ra vừa là niềm tự hào, vừa là áp lực với Phúc.
Anh cho biết đã nộp bốn bộ hồ sơ và đều… “bặt vô âm tín”. Sau hai tháng chờ đợi, chỉ một nơi trả lời với nội dung: “Vị trí lưu trữ đã tuyển đủ”.
Thủ khoa ĐH Nội vụ chia sẻ về lý do không được lựa chọn: “Thời gian đầu mới làm hồ sơ, em bị từ chối do phía tuyển dụng nghĩ sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm, họ đòi hỏi tân cử nhân 1 - 2 năm làm việc thực tế. Khi là sinh viên, em luôn đặt việc học tập hàng đầu, vì vậy thời gian bươn trải lấy vài năm kinh nghiệm rất khó”.
Chàng trai cho biết, từ năm thứ ba đại học, Phúc được giới thiệu đi làm chỉnh lý tài liệu lưu trữ trong một tháng. Thực tập và kiến tập, nam sinh làm văn thư, số hóa, bảo quản, chỉnh lý tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.
Ngoài ra, cậu cũng từng làm nhiều công việc như gia sư, phụ hồ, cửu vạn, trồng rau hữu cơ… Với suy nghĩ khi còn trẻ nên làm nhiều việc để có trải nghiệm thực tế, Phúc làm việc để lấy kinh nghiệm, thêm thu nhập và giúp đỡ gia đình.
Hiện tại, Phúc chưa tìm được công việc ổn định. Cậu đang làm hợp đồng thời vụ cho một dự án chỉnh lý tài liệu lưu trữ tại Hà Nội với mức lương mỗi tháng 2 triệu đồng.
Nỗi lo khi xin vào cơ quan nhà nước
Năm 2012, sau khi tốt nghiệp THPT, Phúc đỗ nguyện vọng 2 vào ĐH Nội vụ Hà Nội, theo học Lưu trữ - ngành nhiều người chỉ nghe tên sẽ không biết rõ công việc cụ thể là gì. Chàng trai kể, có người còn khinh thường, vì đây không phải ngành "hot".
“Các cơ quan, tổ chức hay doanh nghiệp đều có văn bản, tài liệu và cần lưu trữ. Tuy nhiên, mỗi nơi chỉ cần tuyển 1 - 2 cán bộ về văn thư - lưu trữ. Vì vậy, lượng sinh viên học ngành này xong không có việc làm chiếm tỷ lệ lớn”, tân cử nhân nói.
Thủ khoa đầu ra nhìn nhận, xin việc vào cơ quan nhà nước thường kèm nhiều yếu tố, trong đó có “mối quan hệ”, khiến nhiều cử nhân không đáp ứng được.
Ước mơ của Phúc là trở thành giảng viên của ĐH Nội vụ, công tác tại khoa Văn thư – Lưu trữ. Bởi trở thành người thầy đứng trên bục giảng là khát khao từ nhỏ của chàng trai này.
Có cùng nỗi lo khi xin việc vào các cơ quan nhà nước, Trương Bá Chính – thủ khoa Học viện Hành chính Quốc gia bày tỏ: “Thực tế là làm việc trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp nhà nước hiện nay rất khó. Hơn nữa, nhiều nơi đang thực hiện tinh giản biên chế”. Tốt nghiệp trong tháng 7, hiện tại, Chính chưa có việc làm. Thủ khoa đầu ra này đánh giá, kể cả với các công ty tư nhân, công việc cũng không dễ dàng cho sinh viên mới ra trường, bởi họ thường thiếu định hướng, kỹ năng mềm, kiến thức thực tế và không thích ứng được với môi trường làm việc. |
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, năm 2015, 15 bộ, ngành và 39 địa phương tinh giản biên chế với trên 5.300 người. Trong 6 tháng đầu năm 2016, 10 bộ, ngành và 35 địa phương đề nghị giải quyết tinh giản biên chế. Vì vậy, cơ hội xin việc vào cơ quan nhà nước của sinh viên sau khi ra trường, kể cả thủ khoa, rất hạn hẹp. Trong khi đó, bản tin thị trường lao động quý 2/2016 cho hay, cả nước có 1.088 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp. Trong số đó, 418.200 người có chuyên môn kỹ thuật. Số thất nghiệp nhiều nhất là nhóm có trình độ đại học trở lên: 191.300 người. |