THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:10

Thi THPT quốc gia 2017: Đảm bảo mỗi thí sinh trong phòng có mã đề riêng

 

Thứ trưởng Bùi Văn Ga (bên trái) chủ trì cuộc họp báo.

Chiều 24/3, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo thường kỳ quý I/2017 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bùi Văn Ga, những thông tin về một số thông tin mới nhất của kỳ thi THPT quốc gia năm nay, việc Sở GD&ĐT Hà Nội để xảy ra sai sót trong quá trình in sao đề Toán và Hóa học trong kỳ thi khảo sát chất lượng học sinh lớp 12 vừa qua, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, điều chuyển giáo viên THCS xuống dạy mầm non ở một số địa phương, tiếp tục giảm chỉ tiêu vào các trường sư phạm…được Bộ GD&ĐT thông tin tới báo chí.

 955.000 thí sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia 2017

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, theo đăng kí của các Sở GD&ĐT trên cả nước, năm 2017 sẽ có 955.000 thí sinh dự thi kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, kể cả các thí sinh tự do.

Đến thời điểm này, mọi công việc chuẩn bị cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2017, xét tuyển vào đại học, cao đẳng đang diễn ra đúng tiến độ đề ra, trong đó bao gồm chuẩn bị ngân hàng đề thi, tập huấn cho cán bộ, chuẩn bị phần mềm tuyển sinh…

Từ ngày 1/4/2017 các thí sinh bắt đầu làm thủ tục đăng kí dự thi và đăng kí xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Hiện nay, trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT ( http://moet.gov.vn ) đã đưa phần mềm đăng kí dự thi để các Sở tập huấn cho cán bộ chạy thử phần mềm này, trong những ngày qua phần mềm chạy ổn định, chưa có vấn đề phát sinh.

Dù không còn trực tiếp chủ trì một cụm thi như năm trước song vai trò của các trường đại học vẫn thể hiện rõ nét trong kỳ thi thông qua việc cử cán bộ, giảng viên tham gia coi thi trực tiếp tại các địa phương theo tỉ lệ 1 - 1 ( 1 địa phương, 1 trường đại học).

Tổng số cán bộ đăng kí tham gia công tác tổ chức thi, tuyển sinh năm 2017 là 42.000 người, so với năm ngoái đã giảm khoảng 18.000 người.

Các trường đại học, cao đẳng cùng tham gia công tác tổ chức thi sẽ làm cho kỳ thi tốt hơn, an toàn hơn, kết quả đảm bảo hơn. Việc phân bổ các cán bộ, giảng viên về địa phương tham gia công tác tổ chức thi sẽ đảm bảo đủ nhân lực, tiết kiệm chi phí.

 Rút kinh nghiệm từ sai sót đề thi của Sở GD&ĐT Hà Nội

Vừa qua, việc Sở GD&ĐT Hà Nội để xảy ra sai sót trong quá trình in sao đề Toán và Hóa học trong kỳ thi khảo sát chất lượng học sinh lớp 12 cũng khiến nhiều người lo ngại về tính chính xác của công tác chuẩn bị đề cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.

 

Ông Mai Văn Trinh trả lời phóng viên tại buổi họp báo.

Ông Mai Văn Trinh cho rằng sai sót này rất đáng tiếc. Đây cũng là sự cảnh báo để người ra đề sau rút kinh nghiệm. Bộ GD&ĐT, trường đại học và sở cùng chia sẻ trách nhiệm sẽ giúp kỳ thi diễn ra an toàn hơn.

“Về kỳ thi THPT quốc gia, để đảm bảo mỗi thí sinh trong phòng có mã đề riêng, Bộ GD&ĐT đã có quy trình chuẩn bị đề thi chặt chẽ, chuẩn hóa để tránh sai sót. Bộ sẽ giao các sở làm công tác in sao đề, trình kế hoạch trước để bộ kiểm tra. Với quy trình đề thi chuẩn hóa như vậy, hiện tại, mọi việc diễn ra đúng tiến độ, lượng câu hỏi thô lớn, đủ để đáp ứng yêu cầu. Đề sẽ được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó, nhằm đáp ứng hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học”, ông Mai Văn Trinh thông tin.

Ông Mai Văn Trinh cho biết, năm nay, bộ vẫn công bố đề thi và đáp án. Riêng hai môn thi trước trong bài tổ hợp, bộ sẽ thu đề thi và giấy nháp nhằm đảm bảo công bằng, bảo mật và công bố đề sau. Đến nay, các khâu chuẩn bị cho kỳ thi diễn ra đúng tiến độ và cơ bản thuận lợi.

Theo ông Mai Văn Trinh, với các bài thi tổ hợp sẽ tiến hành thu đề môn thi đầu tiên và môn thi thứ 2. Điều này để tạo sự công bằng, giúp đảm bảo thí sinh làm mỗi phân môn trong đúng 50 phút theo quy định. Sau khi thi xong, Bộ GD&ĐT sẽ công khai đề thi. Tất cả hướng đến một kỳ thi nền nếp, an toàn, nghiêm túc - mục tiêu cao nhất của kỳ thi.

 Tiếp tục giảm mạnh chỉ tiêu các trường sư phạm

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, đến nay, tổng chỉ tiêu của các trường ĐH, các trường CĐSP gửi lên Bộ đế công bố vào khoảng 400.000, giảm khoảng 30.000 so với năm trước. Trong đó, khối sư phạm giảm 20%.

Về việc tiếp tục giảm chỉ tiêu vào các trường sư phạm, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga là do số học sinh giảm nên nếu tiếp tục đào tạo với chỉ tiêu như cũ sẽ dẫn tới dư giáo viên. Chờ quy hoạch lại mạng lưới các trường sẽ có con số chính xác mỗi năm đào tạo bao nhiêu chỉ tiêu sư phạm.

“Số thí sinh năm nay vào khoảng gần 1 triệu. Tổng chỉ tiêu các trường ĐH, trường CĐSP khoảng 392 nghìn, trong đó 52.000 chỉ tiêu sư phạm và 340.000 chỉ tiêu các ngành khác”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga thông tin.

 Sắp công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, sau một thời gian chuẩn bị, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã hoàn thành và dự kiến cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 sẽ công bố rộng rãi để lấy ‎ kiến dư luận trước khi được ban hành chính thức vào tháng 9/2017.
Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông, các môn học bắt buộc ở cấp tiểu học gồm: Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Kỹ thuật và Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số.

 GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, điểm mới nổi bật của dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là việc chia thành giai đoạn dự hướng, giúp học sinh có được sự chuẩn bị nhất định để chọn hướng nghề nghiệp (lớp 10) và giai đoạn giáo dục định hướng nghiệp (lớp 11, 12).

GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định, chương trình mới có thể triển khai từ năm 2018. Tuy nhiên, trước khi triển khai, chính phủ cần làm việc với các địa phương, đảm bảo cơ sở vật chất vì đảm bảo chất lượng mới là điều quan trọng nhất.

Chương trình sẽ được triển khai theo hình thức "cuốn chiếu", từ các lớp đầu cấp, có thể là từ lớp 1, 6, 10 hoặc lớp 1, 6 tùy tình hình cụ thể.

Bên cạnh đó, giáo viên cũng là yếu tố cần được quan tâm. Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Bộ GD&ĐT đã có chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, đồng thời ban phát triển chương trình viết tài liệu, xây dựng trang web bồi dưỡng giáo viên.

“Trong chương trình mới, nội dung giáo dục giới tính, bảo vệ trẻ em được quan tâm và được thể hiện thông qua môn Giáo dục giới tính, Sinh học hay trong môn tích hợp. Tuy nhiên, việc bảo vệ trẻ em không chỉ nằm ở chương trình giáo dục tốt mà còn cần sự phối hợp từ gia đình, xã hội, pháp luật”, GS Nguyễn Minh Thuyết thông tin thêm.

 Thừa giáo viên do tuyển dụng chưa hợp lý

Bộ GD&ĐT cho biết, thời gian qua tại một số địa phương xuất hiện tình trạng điều chuyển giáo viên phổ thông dôi dư chỉ được bồi dưỡng trong thời gian ngắn xuống dạy bậc học mầm non.

Ông Nguyễn Bá Minh, vụ trưởng Vụ Mầm non. 

Trước thực trạng này, Bộ đã yêu cầu các địa phương dừng ngay việc điều chuyển giáo viên phổ thông dôi dư xuống dạy bậc mầm non khi chưa qua đào tạo. Cụ thể như trường hợp tỉnh Thanh Hóa.
“Tình trạng thừa giáo viên cục bộ ở một số địa phương trước hết là do các địa phương này tuyển dụng chưa hợp lý”, Bộ GD&ĐT khẳng định.

Ông Nguyễn Bá Minh, vụ trưởng Vụ Mầm non, khẳng định: Giáo viên mầm non có những yêu cầu chuyên biệt mà giáo viên phổ thông không có. Do đó nếu muốn luân chuyển, trước hết giáo viên đó phải tự nguyện. Sau nữa, những giáo viên này cần được đào tạo lại những kỹ năng cần thiết cho công việc.

HOA HẠ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh