Thế giới ghi nhận trên 433.000 ca mắc COVID-19 trong vòng 24 giờ qua
- Thế giới quanh ta
- 11:19 - 22/10/2021
Theo TTXVN, số liệu từ trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 433.000 ca mắc COVID-19 và trên 6.600 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 243 triệu ca, trong đó trên 4,94 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 65.000 ca), Anh (52.009 ca) và Nga (36.339 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.257 ca), Nga (1.036 ca) và Ukraine (546 ca).
Trong các khu vực, tình hình dịch bệnh ở châu Âu có diễn biến nghiêm trọng nhất. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), châu Âu trong tuần qua ghi nhận số ca nhiễm mới tăng 7% so với tuần trước đó và là khu vực duy nhất trên thế giới dịch bệnh đang có chiều hướng tăng.
Theo báo cáo tuần về tình hình dịch COVID-19 được WHO công bố ngày 20/10, trong tuần từ 11-17/10, toàn thế giới ghi nhận hơn 2,7 triệu ca mắc mới và 46.000 ca tử vong, giảm tương ứng 4% và 2% so với tuần trước đó.
Tính theo khu vực địa lý, châu Âu là trường hợp ngoại lệ khi số ca mắc mới trong tuần tăng 7% so với tuần trước, với tổng số 1,3 triệu ca mắc. Đây là tuần thứ ba liên tiếp châu Âu ghi nhận số ca mắc mới tăng. Hơn một nửa các quốc gia tại châu Âu có số ca mắc trong tuần tăng. Đặc biệt, diễn biến dịch bệnh xấu đi tại Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là nguyên nhân chủ yếu khiến số ca mắc ở châu Âu tăng.
Trong tuần, châu Phi là khu vực có số ca mắc mới giảm mạnh nhất (18%), kế đó là Tây Thái Bình Dương (giảm 16%). Châu Phi cũng là khu vực ghi nhận số ca tử vong giảm nhiều nhất trong tuần (giảm 25%), kế đến là Đông Nam Á (19%) và Đông Địa Trung Hải (8%). Số tử vong ở các khu vực còn lại không thay đổi so với tuần trước đó.
Tính theo từng quốc gia, Mỹ là nước có số ca nhiễm mới trong tuần cao nhất (582.707 ca, giảm 11% so với tuần trước), kế đến là Anh (283.756 ca, tăng 14%), Nga (217.322 ca, tăng 15%), Thổ Nhĩ Kỳ (213.981 ca, tương đương tuần trước) và Ấn Độ (114.244 ca, giảm 18%).
VTV cũng đưa tin, tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 21/10, nước này ghi nhận hơn 15.700 ca mắc mới COVID-19 và 232 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên triệu 34,1 người mắc COVID-19, bao gồm hơn 453.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Chín tháng sau khi phát động chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc, Ấn Độ đã vượt ngưỡng tiêm 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19. Tính đến 11h ngày 21/10, đã có 708,4 triệu người dân nước này tiêm một mũi vaccine ngừa COVID-19 và 292 triệu người tiêm mũi hai, tương đương khoảng 21% dân số được tiêm phòng đầy đủ. Chính phủ Ấn Độ đang đặt mục tiêu tiêm đủ liều cho toàn bộ dân số trưởng thành vào cuối năm 2021.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 604.300 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 21,68 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Từ ngày 22/10, thành phố Melbourne, thành phố lớn thứ hai tại Australia, sẽ kết thúc 262 ngày phong tỏa, quãng thời gian phong tỏa lâu nhất trên thế giới, khi tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ của bang Victoria đạt mục tiêu 70%. Theo truyền thông Australia, tính đến ngày 21/10, hơn 5 triệu người dân thành phố này đã thực hiện lệnh phong tỏa trong tổng cộng 262 ngày, tương đương gần 9 tháng kể từ tháng 3/2020. Đây là khoảng thời gian phong tỏa dài nhất thế giới, vượt qua thủ đô Buenos Aires của Argentina với thời gian 234 ngày.
Đến nay, Australia ghi nhận trên 152.000 ca mắc COVID-19 và 1.590 người thiệt mạng, con số tương đối thấp so với nhiều quốc gia khác.
Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã họp khẩn với giới chức y tế nước này ngay trong đêm để thảo luận về biến thể phụ AY4.2, còn gọi là Delta Plus, biến thể từ chủng Delta của virus SARS-CoV-2. Trong tuyên bố sau cuộc họp, Chính phủ Israel thông báo sẽ tiến hành mọi biện pháp nhằm bảo vệ thành quả trong cuộc chiến chống dịch bệnh.
Thủ tướng Bennett yêu cầu tăng cường điều tra dịch tễ đối với biến thể phụ, yêu cầu liên lạc chặt chẽ với các nước đã phát hiện biến thể phụ này. Theo ông Bennett, Israel sẽ cân nhắc thay đổi các yêu cầu nhập cảnh đối với du khách
Singapore sẽ kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội hiện nay thêm một tháng. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 18 ca tử vong do COVID-19, mức cao nhất từ trước tới nay, và hơn 3.800 ca mắc mới.
Thống kê từ cơ quan chức năng Singapore cho thấy, có tới 98,6% số ca mắc mới là ở thể nhẹ và không có triệu chứng. Chỉ có 1,1% số ca mắc cần bổ sung máy thở oxy và 0,1% cần chăm sóc tích cực. Tuy nhiên, với số ca mắc mới tiếp tục tăng, có lúc gần chạm mốc 4000 ca mỗi ngày, hệ thống y tế đang trở nên quá tải.
Lực lượng đặc nhiệm xử lý COVID-19 thuộc Chính phủ Indonesia đang chuẩn bị các chiến lược nhằm ngăn chặn đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ 3 được dự báo sẽ xảy ra trong dịp nghỉ lễ cuối năm sắp tới.
Một loạt biện pháp đang được tăng cường, trong đó có việc thực thi các quy định y tế nghiêm ngặt, cũng như nâng tỷ lệ tiêm chủng ở những người cao tuổi và trẻ em. Một động thái khác là tránh nguy cơ từ khách du lịch quốc tế. Theo đó, tất cả du khách nước ngoài đều phải đáp ứng các điều kiện như đã được tiêm phòng đầy đủ và trải qua thời gian cách ly bắt buộc. Mặt khác, Chính phủ Indonesia sẽ tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong việc giám sát các hoạt động cộng đồng và nâng cao ý thức của người dân trong việc thực hiện các quy định y tế như giữ khoảng cách, rửa tay sát khuẩn và đeo khẩu trang.
Trong thông cáo ngày 21/10, Bộ Y tế Campuchia ghi nhận 151 ca mắc mới COVID-19 ở nước này trong 24 giờ qua, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021, trong đó có 21 người nhập cảnh và 130 trường hợp lây nhiễm cộng đồng. Bộ trên cũng thông báo thêm 11 trường hợp tử vong do COVID-19, trong đó 7 người chưa tiêm phòng. Như vậy, tính đến nay Campuchia, đã ghi nhận tổng cộng 117.352 ca mắc COVID-19, trong đó 112.056 người đã khỏi bệnh và 2.704 người tử vong.
Các số liệu ca mắc mới mỗi ngày ở mức thấp, số ca tử vong giảm trong khi số người tiêm phòng COVID-19 tăng là những tín hiệu tích cực trong bối cảnh Campuchia đang tiến tới thời điểm mở cửa trở lại tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế vì đã qua 14 ngày kể từ sau Lễ Pchum Ben, số ca mắc mới ở nước này vẫn ổn định, thậm chí giảm so với trước dịp lễ này, đồng thời số ca tử vong giảm xuống dưới 20 ca/ngày.
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc đã công bố dữ liệu cho thấy, các ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng tiếp tục xuất hiện tại 8 thành phố và đơn vị hành chính nước này. Đây là diễn biến đáng báo động, khiến các nhà chức trách địa phương phải đẩy nhanh việc truy vết, xét nghiệm diện rộng, trong khi Chính phủ Trung Quốc vẫn kiên quyết với chính sách "Không COVID".
Các ca mắc mới tập trung chủ yếu ở vùng Bắc và Tây Bắc Trung Quốc, một số ca được báo cáo ở miền Nam và Tây Nam. Đáng chú ý có ca xuất hiện ở thủ đô Bắc Kinh, nơi hiện đang gấp rút chuẩn bị cho việc đăng cai Olympic mùa Đông 2022.
Trước tình hình trên, chính quyền Trung Quốc đã triển khai xét nghiệm hàng loạt, đóng cửa các danh lam thắng cảnh, địa điểm du lịch, trường học và địa điểm vui chơi giải trí tại những khu vực bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, Trung Quốc áp đặt lệnh phong tỏa trên phạm vi nhỏ đối với các khu nhà dân. Trong danh sách một số vùng có Lan Châu ở miền Tây Bắc Trung Quốc với khoảng 4 triệu dân. Chính quyền thành phố khuyến cáo người dân không rời khỏi địa phương nếu không có việc cấp thiết.
Trung Quốc đã duy trì cách tiếp cận chính sách "Không COVID" với các biện pháp đóng cửa biên giới nghiêm ngặt và phong tỏa trong phạm vi hẹp. Theo đó, Trung Quốc đã loại bỏ được phần lớn các đợt bùng phát dịch trong nước, nhưng các ca mắc mới COVID-19 đã xuất hiện ngày thứ 5 liên tiếp ở nước này. Theo thông báo của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, ngày 21/10, nước này ghi nhận thêm 21 ca mắc mới COVID-19.