'Thắt lưng buộc bụng' hàng chục năm để con du học
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 17:57 - 28/12/2015
Với mong muốn con được hưởng nền giáo dục tốt, gia đình chị Thu Minh (quận 5, TP HCM) đã lên kế hoạch và tiết kiệm trong 15 năm để con du học. Chị làm công việc văn phòng, chồng làm kỹ sư nên thu nhập chỉ ở mức khá. Sau khi tính toán mức học phí của một số nước nhắm tới cho con theo học đại học, chị Minh ước chừng khoản tiền cần tiết kiệm rồi cùng chồng thực hiện.
Khi đứa lớn 5 tuổi, đứa nhỏ 3 tuổi, chị Minh ra ngân hàng mở tài khoản tiết kiệm. Để rạch ròi, chị mở hai tài khoản, mỗi tháng chị dùng tiền lương của mình để chi tiêu gia đình, còn phần lớn thu nhập của chồng được chia làm hai phần, phần lớn hơn nộp vào tài khoản tiết kiệm cho đứa đầu, phần ít hơn nộp cho đứa sau.
Để đảm bảo nguồn chi tiêu, chị Minh mở thêm một cửa hàng kinh doanh nhỏ. "Từ việc quen tay với cách tiêu tiền khá dư giả, bỗng dưng phải thắt lưng buộc bụng lại thật sự là khó khăn. Mấy tháng đầu, vợ chồng chưa quen nên cứ thiếu trước hụt sau", chị Minh nhớ lại.
Học sinh ở trường THPT Houghton (Mỹ). Để có tiền cho con được hưởng nền giáo dục tốt nhiều gia đình phải chuẩn bị ròng rã trong một thời gian dài. Ảnh: NVCC
Khó khăn nhất là lúc xây nhà, mặc dù đã được hai bên nội ngoại hỗ trợ, nhưng vẫn còn thiếu một khoản. Trong khi sổ tiết kiệm có tiền nên nhiều lần vợ chồng chị Minh đã nghĩ tới việc rút một ít để bù vào. Tuy nhiên, vì sợ 'vỡ kế hoạch' nên sau đó họ quyết vay mượn bên ngoài.
Sau khoảng 5 năm kiên trì tiết kiệm, thấy không hiệu quả, gia đình chị Minh quyết định rút toàn bộ tiền để dồn vào việc đầu tư mở rộng cửa hàng kinh doanh. Sau hai năm đầu tư cửa hàng cho lợi nhuận lớn cùng việc chồng được thăng chức, gia đình chị Minh để dành được gần 10 tỷ đồng sau 15 năm.
Sau đó nhờ thành tích tốt, con trai đầu của chị được một trường đại học ở Phần Lan nhận vào (đất nước không thu tiền học phí). Con gái sau khi tốt nghiệp phổ thông cũng quyết định chọn Mỹ du học. Để tiết kiệm thay vì học đại học với mức học phí 35.000-40.000 USD/năm, nữ sinh này chọn học ngành Truyền thông ở hệ thống trường Kingsborough Community College - CUNY (cao đẳng cộng đồng). Mức học phí ở các trường này chỉ 20.000-25.000 USD/năm.
Cũng có kế hoạch cho con "chạy trốn" khỏi nền giáo dục Việt Nam, chị Anh Thi (quận Bình Thạnh, TP HCM) có cả quá trình chuẩn bị từ vấn đế kinh tế đến các kỹ năng cần thiết để con có thể hội nhập được môi trường mới.
Với mức chi phí khoảng 35.000-40.000 USD/năm, chị Thi cho biết sẽ mất ít nhất 7-8 tỷ cho việc du học của con (3 năm trung học và 4 năm đại học), chưa kể các khoản chi phí thủ tục, ăn ở, đi lại. Không có cùng lúc khoản tiền lớn, gia đình chị Thi lập hẳn một tài khoản tiết kiệm riêng để tích cóp, chị cũng tích cực kinh doanh nhằm cải thiện nguồn thu nhập của gia đình.
"Nói thật, nếu không có tiền thì đừng nghĩ tới việc cho con du học. Không thể có việc cứ cho con sang nước khác rồi cha mẹ mới ở nhà cày tiền để gửi hàng tháng hay hàng năm", chị Thi chia sẻ và cho biết, để con được cấp visa đi học, bố mẹ được cấp visa sang thăm con thì ngoài khoản tiền mặt gia đình cần làm các thủ tục kê khai chứng minh khả năng tài chính.
"May mắn là sau đó con tôi nhận được học bổng một phần nên đã giảm được rất nhiều chi phí", chị Anh Thi nói và đưa ra lời khuyên nếu con có điểm học và các kỹ năng khác tốt thì cha mẹ nên động viên xin học bổng để giảm bớt chi phí.
Mức học phí ở một số nước được hotcourses.vn thống kê, chưa kể chi phí khác (trong đó DH là đại học, CH là cao học).
Không thuộc hàng giàu có, nhưng để hai con được du học ngoài việc tiết kiệm tiền, gia đình chị Ngọc Thu (quận Gò Vấp, TP HCM) còn phải bán căn nhà được ông bà để lại ở mặt đường Quang Trung với giá 8 tỷ, sau đó mua căn hộ chung cư nhỏ để ở.
"Thật sự việc đi du học rất tốn kém nhưng vì tương lai của con mình phải hy sinh thôi", chị Thu tâm sự. Bản thân là nhân viên văn phòng còn chồng là một doanh nhân nhỏ, nhưng để xoay xở đủ tiền cả gia đình chị đều phải tiết kiệm. Chị Thu cho biết, nhiều bạn bè sẵn sàng vay ngân hàng, cầm cố tài sản để con được du học. Trong đó nhà chị Thu cũng chấp nhận vay mượn ngân hàng, người thân để con mình hoàn thành việc học ở nước ngoài.
Chia sẻ về vấn đề này, Trung tâm tư vấn du học Toàn Cầu cho biết thường khi đến trung tâm nếu con nhà giàu hoặc giỏi thì sẽ chọn trường top. Những nước có mức học phí cao và thường được du học sinh chọn nhiều nhất là Mỹ, Canada, Australia và Anh. Trong đó mức học phí của Australia dao động 21.000-25.000 USD/năm; trường trung bình ở Canada 14.000-25.000 USD/năm đối với bậc đại học. Còn bậc phổ thông thì học sinh thường chọn theo học ở các trường công lập với mức học phí rẻ hơn, tầm khoảng 13.000 USD/năm.
Đối với học sinh có học lực trung bình, nhà chỉ ở mức khá giả thì thường chọn trường công lập ở những nước có mức học phí nhẹ nhàng, hoặc có thể học ở châu Á. Một số bạn khác thì làm hồ sơ xin học ở những nước được miễn phí học phí như Na Uy, Phần Lan, Đức… Tuy nhiên, để xin được vào những nước này thì học lực phải tốt và tiếng Anh phải đạt từ 6.0 IELTS trở lên.
Trong khi đó một số học sinh chọn du học ở những nước gần Việt Nam để giảm chi phí, như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia…, nhưng con số này ít hơn.