THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 03:19

Thanh Hóa: Đưa thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng

* Ông có nhận xét, đánh giá như thế nào về hiện trạng vệ sinh ATTP trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay?

- Hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có những nhóm mặt hàng nổi cộm mà không đảm bảo vệ sinh ATTP chủ yếu là rau, thịt, hoa quả các loại, trong đó có cả hoa quả nhập khẩu. Trong số 19 mặt hàng, thì có 3 nhóm có nguy cơ mất ATTP là lương thực, thực phẩm và một số mặt hàng khác.

Ông Lữ Minh Thư, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa.

Thực tế, qua đánh giá của các cơ quan chức năng, địa phương thì nhóm lương thực có tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhưng trong ngưỡng an toàn, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Riêng bún, phở quá trình chế biến hầu hết đều sử dụng chất tẩy trắng, hàn the. Nhóm có nguy cơ mất ATTP cao nữa là rau, củ, quả, mà chủ yếu là dư lượng của thuốc bảo vệ thực vật quá quy định cho phép của ngành nông nghiệp vẫn diễn ra khá phổ biến. Ngoài ra, nhóm thịt, chủ yếu là thịt lợn có nguy cơ mất ATTP cao. Vừa qua, thông qua các đoàn thanh tra, kiểm tra đã phát hiện một số cơ sở, trang trại trên địa bàn trong quá trình chăn nuôi đã sử dụng chất cấm Salbutamol, chất vàng ô. Rồi tình trạng sử dụng chất phụ gia nhằm bảo quản thực phẩm được lâu hơn, cũng như dùng chất cấm để chế biến, tẩy rửa thực phẩm... làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

* Trước thực trạng mất vệ sinh ATTP, các ngành chức năng của Thanh Hóa đã có những giải pháp như thế nào, thưa ông?

- Để giải quyết “vấn nạn” mất vệ sinh ATTP, đòi hỏi các cấp, ngành, các địa phương trên địa bàn phải cùng chung tay, phối hợp chặt chẽ với nhau để giải quyết vấn đề. Việc quản lý nhà nước về ATTP đã được thể hiện rất rõ tại Thông tư liên tịch số 13 liên bộ gồm các Bộ: Y tế, NN&PTNT, Công Thương. Theo đó, một sản phẩm, một cơ sở sản xuất kinh doanh chỉ chịu trách nhiệm về quản lý nhà nước đối với một ngành cụ thể. Như vậy, công tác quản lý nhà nước về ATTP đã được quy định rất rõ, cụ thể cho từng cơ quan, để từ đó, các ngành tham mưu cho các cấp chính quyền thực hiện tốt công tác ATTP có hiệu quả nhất.

Một địa chỉ cung cấp thực phẩm sạch được Sở Công thương công bố cho người tiêu dùng.

Theo chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 13, ngày 9/5/2016 về “Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với ATTP”. Trong đó, nói rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp; các cơ quan chuyên môn; chủ tịch UBND các cấp phải là trưởng ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP, thay cho trưởng ban trước đây chỉ là phó chủ tịch UBND các cấp; xử lý nghiêm những cán bộ buông lỏng quản lý nhà nước về vệ sinh ATTP.

Vừa qua tháng ATTP (15/4 - 15/5/2016), Sở Công Thương đã phối hợp với ngành chức năng thành lập đoàn liên ngành số 3 để kiểm tra 9 huyện, thị xã là: Bỉm Sơn, Hà Trung, Nông Cống, Như Thanh, Như Xuân, Triệu Sơn, Đông Sơn, Cẩm Thủy và Bá Thước đối với công tác quản lý nhà nước về ATTP của các Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP và các cơ sở sản xuất kinh doanh tại 9 địa phương nói trên. Qua đó, đoàn liên ngành đã chỉ ra việc đã làm được, cũng như những hạn chế của các địa phương, từ đó giúp các địa phương thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước về vệ sinh ATTP.

Song song với đó, các cấp, ngành và địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, từ đó người dân phát hiện, tẩy chay; báo các cơ quan chức năng nhằm xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất thực phẩm không đảm bảo vệ sinh ATTP.

Để thực hiện mục tiêu đưa thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng, trước mắt cũng như lâu dài, Sở Công Thương đã và đang xây dựng các mô hình sản xuất và các điểm cung ứng; chợ cung cấp thực phẩm an toàn. Ngoài ra, Sở Công Thương đã trình UBND tỉnh phê duyệt 3 mô hình chợ đảm bảo vệ sinh ATTP trên địa bàn TP.Thanh Hóa là: chợ Tây Thành, chợ Quảng Thắng, chợ Nam Thành để công bố cho người dân biết các địa chỉ bán thực phẩm an toàn. Các điểm bán thực phẩm an toàn này phải cam kết đảm bảo tốt về chất lượng sản phẩm. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý thích đáng.

Mục tiêu trong năm 2016 của Sở Công Thương là sẽ phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, địa phương liên quan để công bố 5 địa điểm bán thực phẩm an toàn trên địa bàn TP.Thanh Hóa, sau đó sẽ mở rộng mô hình ra các địa phương khác trên địa bàn toàn tỉnh. Hiện nay, tại địa chỉ số 51F đường Mai An Tiêm (TP.Thanh Hóa) là địa chỉ cung ứng thực phẩm an toàn, đây cũng là mô hình thí điểm của Sở Công Thương cho đề tài nghiên cứu: “Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn”. Tất cả các điểm được công bố cung ứng thực phẩm an toàn sẽ được trang bị máy Test thử nhanh do ngành nông nghiệp trang bị. Phối hợp với Chi cục Nông lâm thủy sản tỉnh kiểm soát chặt chẽ các hợp đồng, hóa đơn của các đơn vị cung ứng thực phẩm sạch.

Hiện nay Sở NN&PTNT đang rất tích cực phối hợp với Sở Công Thương, Y tế xây dựng đề án “Quản lý ATTP” trình UBND tỉnh. Điều này đã thể hiện rất rõ quyết tâm của Thanh Hóa trong việc kiểm soát vệ sinh ATTP. 

HOÀNG MINH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh