Tết xưa, Tết nay
- Văn hóa - Giải trí
- 15:42 - 11/02/2021
Bao năm xa quê, nhưng mỗi dịp Tết đến xuân về, tôi lại tạm biệt Thủ đô, trở về nơi chôn nhau cắt rốn, cùng gia đình sum họp và cảm nhận không khí ấm áp của những ngày đầu năm mới. Về quê giữa lúc những nụ đào đang khoe sắc, không khí Tết đã tưng bừng đường làng ngõ xóm. Cảm giác trong tôi thật sự bồi hồi khi chứng kiến sự đổi thay từng ngày trên quê hương. Những ngôi nhà lợp mái lá cọ ngày xưa giờ được thay bằng nhà xây khang trang, mái ngói đỏ tươi, đường làng ngõ xóm đều được đổ bê tông sạch sẽ; đặc biệt, mỗi nẻo đường làng đều có tiếng động cơ của xe máy, ô tô qua lại khiến cho miền quê êm ả trở nên nhộn nhịp.
Dưới tiết trời se lạnh của không khí Tết hòa quyện với mùi thơm của bánh chưng bên bếp lửa hồng sôi ùng ục, cụ Vân năm nay đã 80 tuổi rút bớt lửa cho đỡ khói, bồi hồi nhớ lại: "Ngày nay dù quanh năm có bánh chưng và được bán rất nhiều ở ngoài chợ, nhưng gia đình tôi vẫn duy trì việc gói bánh để con cháu cảm nhận được không khí Tết. Trẻ con ngày ấy cả năm mới được ăn bánh chưng nên bao giờ cũng được gói vài chiếc bánh nhỏ cho trẻ con ăn trước. Khi chiếc bánh chưng con đầu tiên được vớt lên là khi cảm nhận được hương vị của Tết và trở thành ký ức không thể phai mờ đối với tuổi thơ tôi cùng những người dân quê".
Tết xưa thật bồi hồi, sâu lắng trong nỗi niềm của người lớn. Tết xưa tuy giản dị nhưng thật ấm cúng, ấm lòng. Cụ Thanh còn nhớ như in những cái Tết của thời bao cấp, những năm cuối của thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, thời kỳ đất nước bắt đầu đổi mới. Xe đạp hồi đó là phương tiện duy nhất để một gia đình nhỏ cùng nhau về quê ăn Tết. Tết đến, gia đình cụ lại cùng nhau về quê ăn Tết. Chồng cụ đạp xe chở vợ con từ Việt Trì về quê, trên ghi đông xe treo lủng lẳng các túi đồ của cả nhà và những gói bánh, hạt dưa hiếm hoi mang về dâng lên bàn thờ gia tiên. Với gia đình cụ, về quê ăn Tết không đơn giản là quá trình đi - về, mà là cả quá trình hành hương về cội nguồn, về với tuổi thơ.
Đưa tay vuốt mái tóc lòa xòa bạc trắng, mắt nhìn ra khóm đào nơi góc sân nở đầy nụ, cụ Thanh chậm rãi: "Tết đoàn viên, Tết sum họp đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt chúng ta, mỗi khi năm hết, Tết đến dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu nhưng vẫn mong được về sum họp dưới mái ấm của gia đình trong 3 ngày Tết, để được sống với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương nơi chúng ta cất tiếng khóc chào đời. Đó cũng là niềm mong mỏi lớn nhất của tôi và gia đình, nên việc về quê đón năm mới của gia đình tôi trong suốt thời gian dài khi còn công tác hết sức ý nghĩa…".
Gió xuân thoảng qua, hương thơm của rơm rạ từ đồng lúa len lỏi quanh nhà, vừa chặt tàu lá chuối ngoài vườn vào thui qua lửa để gói giò lụa, ông Thành tươi cười nói: Tết ngày nay cứ ra chợ là khuôn về đủ thứ, nhưng người dân quê lại muốn…"làm khổ mình" nên vẫn tự tay mổ lợn để gói giò, cho dù bận rộn hơn chút nhưng đấy mới thực sự là sắm Tết, ăn Tết theo đúng nghĩa của người dân quê.
Đặt tàu lá chuối xuống sân, im lặng trong giây lát, dường như ký ức Tết xưa đang ùa về, rót chén trà nóng mời tôi, ông Thành kể: Có tuổi nên mỗi khi Tết đến lại hay nghĩ nhiều về Tết của một thời gian khó nhưng đầm ấm tình thân. Ngày ấy, đối với người dân quê, Tết không chỉ để được nghỉ ngơi mà quan trọng vì quanh năm vất vả, bận rộn, ăn uống đơn giản, chỉ có ngày Tết mới được ăn những món ngon. Do đó, việc chuẩn bị ăn Tết được các gia đình rất chú trọng. Đầu tiên là nuôi lợn. Giống lợn quê cho ăn cám nấu với cây chuối, dọc khoai, bèo tấm, lợn mỗi tháng chỉ lớn được 4 - 6kg, nên để đạt trọng lượng 50 - 60kg thịt cho ngày Tết phải nuôi từ đầu năm. Còn việc gói bánh chưng cũng được chuẩn bị từ rất sớm. Ngay từ đầu tháng Chạp, mọi nhà đã lo mua gạo nếp, đậu xanh để sẵn, thậm chí lá dong, lạt buộc… cũng phải lo liệu trước chứ không đợi cận Tết mới đi sắm.
Ở nông thôn, ngày Tết nếu gia đình nào không có nồi bánh chưng thì coi như chưa ăn Tết. Bởi, cảm giác thức đêm để… trông nồi bánh sôi ùng ục bên bếp lửa hồng, cùng với đó là vài xiên thịt nướng trên bếp than củi rực hồng, thi thoảng vài giọt mỡ rơi xèo xèo bếp than, bốc khói thơm phức mới cảm nhận được không khí ngày Tết và đó thực sự là Tết quê.
Nếu Tết xưa ở quê tôi, người già cũng như trẻ con đều mong ngóng để được may quần áo mới, được ăn uống đầy đủ hơn ngày thường, thì nay cuộc sống sung túc hơn, "người nhà quê" không còn coi trọng chuyện ăn Tết mà chủ yếu là chơi Tết. Việc chuẩn bị Tết cũng không phải cầu kỳ, vất vả như trước. Mọi mặt hàng từ hoa quả, bánh trái, thực phẩm, đồ uống… đều sẵn, nhoằng một cái ra chợ là sắm đủ. Thậm chí, nhiều mặt hàng không cần ra chợ, ngồi nhà gọi điện thoại đặt hàng là có ngay mọi thứ được mang đến tận nhà.
"Tết bây giờ cái gì cũng có, không thiếu thốn như ngày xưa, song, những nét đẹp truyền thống về Tết cổ truyền vẫn được người quê mình duy trì. Với gia đình bác, Tết đến là dịp sum vầy bên nhau để ôn lại Tết xưa một thời gian khó nhưng luôn đầy ắp sự yêu thương; đồng thời cũng để nhắc nhớ con, cháu biết trân trọng, gìn giữ những nét đẹp văn hóa về ngày Tết của quê hương…", bác Oanh nói khi vừa rửa xong những tàu lá dong xanh ngắt, xếp ngay ngắn vào rổ cho ráo nước để chuẩn bị gói bánh chưng.
Chợ quê ngày Tết.
Còn nhớ ở quê tôi trước đây, khi đến chơi, chúc Tết, câu đầu tiên khách thường hỏi gia chủ: "Nhà ta năm nay ăn Tết có to không?". Ngày nay, chữ "ăn Tết" không đơn thuần là việc ăn những món gì, mà được hiểu chung là công tác chuẩn bị mọi thứ cho Tết như thế nào, từ việc gói bánh chưng, mua thực phẩm, trang hoàng nhà cửa đến việc chơi đào quất, cây cảnh… Giờ đây, tuy cuộc sống có phần đủ đầy hơn trước nhưng nét văn hóa mang tính cộng đồng của người dân vùng nông thôn vẫn được duy trì và phát huy như mổ lợn đụng, gói bánh chưng, các thành viên trong gia đình cùng làm cỗ… Đối với trẻ con, mặc dù ngày thường đã có quần áo đẹp nhưng vẫn mong muốn bố mẹ mua quần áo mới để diện Tết.
Chế độ ăn, món ăn trong ngày Tết cũng được thay đổi theo hướng có lợi cho sức khỏe. "Xưa kia ít người biết đến việc ăn lẩu, nhưng hiện nay, hầu như nhà nào cũng có nồi lẩu, sẵn rau xanh ngoài vườn, quây quần bên nhau ấm cúng, lại có thời gian để hỏi thăm, chuyện trò…", bác Hảo nói khi vừa cắt đầy rổ rau cải xanh ở vườn chuẩn bị bữa tối.
Một mùa xuân mới nữa lại về, không khí Tết đang gõ cửa từng nhà. Trong tôi vẫn là những ký ức tuổi thơ về Tết: Tết thì vẫn vậy, nhưng cách đón và cách tận hưởng ngày Tết của làng quê đã có nhiều thay đổi, có những thay đổi tốt mang hướng tích cực, nhưng cũng có những điều khiến chúng ta phải ngẫm lại và "nhớ nhung" về Tết xưa.