Tập huấn báo chí về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc
- Diễn đàn dân sinh
- 05:54 - 17/09/2022
Tại buổi tập huấn, ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, khái niệm quấy rối tình dục được đề cập đến lần đầu tiên trong Bộ luật lao động năm 2012. Để cụ thể hóa các quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 về vấn đề này, năm 2015, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nghiên cứu, xây dựng và ban hành Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc; tuy nhiên, các quy định này còn rất sơ sài. Bộ luật Lao động năm 2019 đã có nhiều sửa đổi căn bản, đưa ra nhiều quy định mới liên quan đến chủ đề phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 145/2020/NĐ-CP để quy định cụ thể hơn về vấn đề này.
Về cơ bản, Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định 145 đã đưa ra những quy định quan trọng, như: định nghĩa thế nào là quấy rối tình dục tại nơi làm việc, thế nào là nơi làm việc, xác định rõ trách nhiệm của các bên, đặc biệt là của người sử dụng lao động trong việc xây dựng và thực hiện các giải pháp phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc...
Thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp cùng các đơn vị xây dựng dự thảo Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc mới dựa trên Bộ quy tắc cũ năm 2015, dự thảo lần này cập nhật, điều chỉnh một số quy định mới để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Việc xây dựng và triển khai Bộ quy tắc mới có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Việt Nam ngày càng tham gia sâu, rộng vào các hiệp định thương mại quốc tế. Ông Nguyễn Văn Bình khẳng định, môi trường làm việc an toàn, không quấy rối tình dục là một môi trường làm việc hiệu quả, giúp tăng năng suất làm việc, khẳng định uy tín và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp…
Ông Hazelton Philip, Giám đốc Dự án NIRF, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế ILO tại Hà Nội cho biết, việc xóa bỏ bạo lực, quấy rối tình dục là một trong những ưu tiên của ILO vì quấy rối tình dục là mối nguy hiểm, tạo ra môi trường làm việc không an toàn và là hành vi vi phạm quyền con người. Cũng theo đại diện của ILO, Bộ quy tắc này sẽ giúp người sử dụng lao động và người lao động cùng xây dựng, lồng ghép các quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc vào nội quy, quy chế của đơn vị, làm cơ sở cho việc phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, nhằm mục đích phát triển quan hệ lao động hài hòa, tạo môi trường làm việc lành mạnh, an toàn, năng suất và chất lượng cao.
“Báo chí có vai trò quan trọng trong việc truyền thông điệp và thực hiện phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc”, ông Hazelton Philip nhấn mạnh.
Chia sẻ tại buổi tập huấn, chuyên gia đến từ Đại học Luật Hà Nội, TS. Đoàn Xuân Trường đã giúp các phóng viên nhận diện đúng các hành vi liên quan đến quấy rối tình dục nơi làm việc thông qua các bài tập tình huống cụ thể. Đồng thời, làm rõ các quy định về quấy rối tình dục tại nơi làm việc trong Nghị định 145/2020/NĐ-CP năm 2020 cũng như quy định của Bộ luật Lao động năm 2019. Theo TS. Đoàn Xuân Trường, việc nhận diện thế nào là hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc phải dựa vào 3 yếu tố sau, một là xác định hành vi có tính chất tình dục, ngụ ý tình dục; hai là dấu hiệu thể hiện sự quấy rối; ba là xác định nơi làm việc.
Ông Lương Thế Huy, thạc sĩ luật và tính dục đến từ Viện iSEE cũng đã đưa ra một số lưu ý cho các nhà báo khi đưa tin, viết bài về các vụ quấy rối tình dục nơi làm việc như: cân nhắc nhiều nguồn tin khác nhau, chú ý tới vấn đề bảo vệ quyền riêng tư cho các nạn nhân, gia đình nạn nhân hay nghi can dưới 18 tuổi, chú ý tới các sang chấn tâm lý nạn nhân có thể gặp phải, cân nhắc việc dùng các từ ngữ sao cho đúng chuẩn mực báo chí cũng như pháp luật...
Tại Hội thảo, nhà báo Nguyễn Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển nội dung số VTV cũng đã có bài tham luận nêu rõ vai trò của báo chí trong việc phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Các nhà báo tham dự buổi tập huấn đã cùng nhau thảo luận và đưa ra các thông điệp truyền thông quan trọng về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Kết luận buổi tập huấn, ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết thêm, dự thảo Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc đã được trình lên Ủy ban Quan hệ lao động quốc gia để chờ xét duyệt. Bộ quy tắc ứng xử quấy rối tình dục tại nơi làm việc nếu được ban hành và đi vào thực tế sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người: từ doanh nghiệp cho đến người lao động cũng như cả quốc gia. Ông Nguyễn Văn Bình cũng mong rằng, các cơ quan báo chí sẽ tích cực tuyên truyền nhiều hơn nữa về các quy tắc ứng xử quấy rối tình dục tại nơi làm việc để hạn chế các vụ quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể xảy ra.