THỨ BA, NGÀY 08 THÁNG 10 NĂM 2024 05:48

Tăng cường chất lượng giáo dục cho trẻ em thiệt thòi

Theo quan sát của giáo viên, ngoài việc không hoạt động nhóm với các bạn, Thiện còn không nhận biết được số và chữ cái, không biết đếm. Để hỗ trợ tốt hơn cho việc học tập của Thiện, cha mẹ cậu đã được mời tham gia câu lạc bộ người chăm sóc trong khuôn khổ dự án “Nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em nghèo ở Việt Nam”. Tuy nhiên, cả bố và mẹ em đều từ chối tham gia câu lạc bộ vì nó sẽ ảnh hưởng đến thời gian làm việc và thu nhập của gia đình. Tuy vậy, các cô giáo vẫn không bỏ cuộc và tiếp tục nỗ lực thuyết phục bố mẹ Thiện dành thời gian này để giúp Thiện học tập tốt hơn.

May mắn, vào một buổi chiều mẹ Thiện đến đón con sớm và chứng kiến một buổi sinh hoạt câu lạc bộ người chăm sóc đang diễn ra. Người mẹ rất ngạc nhiên trước cách hướng dẫn các trò chơi đơn giản, dễ thực hiện, tốn rất ít công sức và thời gian. Từ đó, chị cùng con thực hành tại nhà. Chị nhận ra, bất cứ đồ vật nào trong nhà có chữ cái đều có thể dùng để học và điều này đã tạo cho Thiện hứng thú học bảng chữ cái và tự đọc.

Nhận thấy những thay đổi tích cực ở con trai, cha Thiện khuyến khích vợ mình tham gia câu lạc bộ. Ngoài các trò chơi bảng chữ cái, cha mẹ đã học cách đọc sách tương tác, cũng như các trò chơi khác nhau để học số và đếm. Gia đình em rất vui với quyết định tham gia câu lạc bộ vì nhận thấy sự thay đổi tích cực từ con mình.

Theo các cô giáo, sự tham gia của cha mẹ và những người chăm sóc trong việc hỗ trợ trẻ em học tập và phát triển tại nhà là rất quan trọng, đặc biệt là khi các trường học đóng cửa trong thời gian bùng phát COVID-19. 

1

Thiện chỉ là một trong 9.668 trẻ em mẫu giáo được áp dụng phương pháp Hỗ trợ phát triển kỹ năng làm quen với Đọc viết và Toán cho trẻ mầm non (ELM) cũng như thúc đẩy thực hành vệ sinh cá nhân của Dự án “Nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em thiệt thòi tại Việt Nam – giai đoạn 2” được thực hiện từ năm 2020-2022 bởi Tổ chức Cứu trợ Trẻ em, cùng sự phối hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Bình, Hải Phòng, Tiền Giang, Đồng Tháp, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, dưới nguồn tài trợ của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Italia.

Chị Đỗ Vũ Lan Nhung, phụ huynh trường mầm non Hòa Ninh (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cho biết, chị và các phụ huynh đã được nhà trường cho tham gia câu lạc bộ cha mẹ trẻ. Câu lạc bộ sinh hoạt mỗi tháng giúp cha mẹ nhận thức rõ vai trò của mình về việc dạy trẻ làm quen với đọc viết và toán tại nhà. “Qua tham gia câu lạc bộ, giúp tôi có thêm kỹ năng, kiến thức trong việc chăm sóc giáo dục con. Đặc biệt đối với trẻ 5-6 tuổi. Tôi có nhiều kiến thức trong việc giúp con đọc sớm, viết và làm toán , để con có tiền đề cho việc lên lớp 1 dễ dàng”, chị Nhung cho biết. Trong thời gian nghỉ dịch covid, phụ huynh được các cô giáo nhà trường gửi các video và audio, con chị rất ham thích khi xem các sản phẩm này.

Bà Mai Thị Liên Giang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình chia sẻ: “Cùng với việc xây dựng câu lạc bộ cha mẹ, (dự án) đã mang đến cho các trường một mô hình sinh hoạt hay và thú vị trong việc kết nối phụ huynh với nhà trường để hỗ trợ giáo dục toàn diện cho học sinh. Bản thân tôi khá ấn tượng với mô hình trại đọc của dự án vì đã giúp các trường đổi mới hoạt động trại đọc và các tiết đọc thư viện đáp ứng yêu cầu đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Mô hình này đã được nhân rộng ra toàn tỉnh, giúp các tiết thư viện, các tiết đọc mở rộng có thêm nhiều màu sắc, thu hút học sinh đến với thư viện một cách hứng thú và làm giàu ngôn ngữ cho học sinh một cách tự nhiên.”

3

Nhằm góp phần tăng cường chất lượng giáo dục mầm non và tiểu học thông qua cải thiện mức độ sẵn sàng đến trường, kết quả học tập và thực hành vệ sinh trong trường học của trẻ em, bao gồm cả trẻ em thiệt thòi tại các tỉnh dự án. Dự án đã mang lại lợi ích cho 54 trường mầm non và tiểu học, tập huấn nâng cao năng lực cho hơn 4.000 cán bộ giáo viên, giúp hơn 6.000 cha mẹ tham gia sinh hoạt câu lạc bộ Cha mẹ. Hơn nữa, điểm trung bình khả năng sẵn sàng đi học của trẻ Mầm non đã tăng 15%, và khả năng đọc hiểu của học sinh tiểu học (Lớp 2) đã tăng hơn 2.5 lần trong 2 năm thực hiện dự án.

Qua gần 2 năm đối phó với dịch bệnh COVID, dự án đã nỗ lực hỗ trợ giáo viên nâng cao khả năng xây dựng giáo án với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và sử dụng các phần mềm hỗ trợ tương tác cho người học.

Kết quả trong việc cải thiện môi trường học tập: Tỷ lệ gia đình có ít nhất 3 loại tài liệu in cơ bản (sách truyện, SGK, tô màu): 11% ở đầu kỳ, tăng đến 56% ở cuối kỳ; Hơn 85% người chăm sóc trẻ tham gia học và chơi với trẻ tại nhà thông qua các hoạt động: dạy số, chữ cái, chơi trò chơi, gọi tên đồ vật, dạy trẻ những điều mới.

Tỷ lệ đọc hiểu tăng từ 27% ở đầu kỳ lên 73% ở cuối kỳ. Tốc độ đọc: ở đầu kỳ là 77.5 tiếng/phút, ở cuối kỳ là 85.7 tiếng/phút. Tỷ lệ các tiếng có vần khó mà học sinh đọc đúng: ở đầu kỳ là 84%, ở cuối kỳ là: 95%.

4

Đặc biệt, Dự án thực hiện dịch vụ tin nhắn cho người chăm sóc trẻ, cung cấp các thông tin cần thiết và là nguồn tài liệu hỗ trợ họ trong việc hướng dẫn trẻ học tại nhà về nội dung trẻ đang theo học tại trường và cách cha mẹ giúp củng cố các kiến thức mới mà trẻ vừa được học; các hoạt động cha mẹ có thể làm để tăng cường sự phát triển của trẻ theo 4 lĩnh vực phát triển của của trẻ như trong bộ công cụ ELM đã hướng dẫn. Với các bậc cha mẹ đang tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, hệ thống tin nhắn sẽ nhắc nhở và động viên cha mẹ áp dụng các kiến thức, kỹ năng mà cha mẹ được học trong CLB.

Ngoài ra, dự án đã tổ chức các sự kiện nhằm nâng cao nhận thức về việc đọc sách với sự tham gia đông đảo của giáo viên, cha mẹ học sinh và thành viên cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của cha mẹ và cộng đồng trong việc hỗ trợ trẻ em khi học đọc và nuôi dưỡng tình yêu đọc sách.

Vân Nhi

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh