Sức sống đồ chơi dân gian trong Tết Trung thu
- Giải trí
- 12:30 - 18/09/2022
Gìn giữ và truyền lại niềm đam mê đồ chơi dân gian
Bà Nguyễn Thị Tuyến được mệnh danh là nghệ nhân "thắp sáng" cho những chiếc đèn ông sao truyền thống. Bà Tuyến là người duy nhất ở làng Hậu Ái (Vân Canh, Hoài Ðức, Hà Nội) còn gìn giữ nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống, đặc biệt là đèn ông sao. Bằng đôi bàn tay tài hoa, khéo léo cùng óc sáng tạo, bà đã biến cây nứa, tờ giấy màu thành những món đồ chơi đẹp, ý nghĩa. Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến kể về sự tích của các loại đèn Trung thu: Ðèn ông sao vừa là biểu tượng cho ngôi sao năm cánh trên quốc kỳ, vừa thể hiện cho ước muốn hòa bình của người Việt Nam. Ðèn con thỏ là dựa vào truyện Thỏ Ngọc cứu bạn trong đêm rằm tháng 8. Người làm phải hiểu được câu chuyện, ý nghĩa của từng loại đèn thì chiếc đèn mới thật sự đẹp và có hồn.
Không chỉ làm đèn ông sao, bà Tuyến còn được mẹ truyền dạy cách làm ông tiến sĩ, ông đánh gậy từ nhỏ. Bà nhớ hồi nhỏ, vào dịp Tết Trung thu, bên cạnh mâm cỗ, các gia đình thường mua ông tiến sĩ giấy. Nhiều gia đình còn bày ông tiến sĩ giấy lên bàn thờ, thắp hương gia tiên, với mong muốn con cháu học hành thành đạt. Lúc phá cỗ, ông tiến sĩ giấy mới được hạ xuống, đặt gọn gàng cạnh bàn học của trẻ. Nếu ông tiến sĩ giấy thể hiện ước mơ về học thức thì ông đánh gậy là món đồ chơi Trung thu ý nghĩa, tượng trưng cho lời chúc và mong muốn của cha ông về một thế hệ khỏe mạnh thể chất, có thể góp sức giúp nước, giúp dân.
Say mê với nghề truyền thống, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến không ngừng tìm tòi, sáng tạo để làm nên các sản phẩm đẹp mắt và tiện lợi hơn. "Khi thấy các cháu nhỏ thích thú, hào hứng tự tay làm ra những chiếc đèn Trung thu, tôi vô cùng vui mừng. Tôi vui vì các cháu trân trọng những giá trị truyền thống, yêu thích và tỉ mỉ với sản phẩm của mình. Trải qua nhiều thăng trầm, những người làm đồ chơi truyền thống dần bỏ nghề, tìm nghề khác mưu sinh. Nhưng với tôi, đây không chỉ là nghề truyền thống gia đình mà đó là sự đam mê, yêu thích. Tôi mong muốn những chiếc đèn truyền thống của Việt Nam được gìn giữ, mang lại giá trị giáo dục về văn hóa dân tộc cho trẻ nhỏ” - bà Tuyến trải lòng.
Gặp Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Quyền (xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội) khi ông đang tất bật hướng dẫn các bạn trẻ làm đèn kéo quân ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ông Quyền thổ lộ, từ nhỏ ông đã được chơi và làm đồ chơi dân gian theo hướng dẫn của người lớn. Mỗi món đồ chơi đều gắn với một sự tích, truyền tải thông điệp sâu sắc về truyền thống của người Việt xưa. Trong đó, cây đèn kéo quân gắn với sự tích người con hiếu thảo. Trước đây, cứ mỗi dịp Tết Trung thu gần kề, trẻ em trong làng ông lại háo hức chuẩn bị đèn, chờ đêm Rằm khoe với chúng bạn trước khi phá cỗ. Sau này, đồ chơi công nghiệp bán sẵn nhiều, người làng không còn mặn mà với đồ chơi dân gian. Buồn và tiếc, ông vận động những người biết nghề duy trì làm diều, đèn kéo quân, đèn ông sao, tiến sĩ giấy… để vui chơi cùng con cháu.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền chia sẻ thêm, ngoài kế mưu sinh, đây còn là tâm nguyện của ông muốn thế hệ trẻ có cơ hội tiếp cận với đồ chơi dân gian và giữ nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một. Ông Quyền rất vui khi thời gian gần đây số lượng người tìm đến đặt mua đèn kéo quân đông hơn. Ðó là niềm vui, hạnh phúc của ông vì thế hệ trẻ không quay lưng lại với đồ chơi dân gian, cũng là động lực để ông tiếp tục gìn giữ và truyền lại niềm đam mê làm đèn kéo quân cho con trẻ.
Ông Quyền cho rằng, để đồ chơi dân gian được trẻ em biết đến nhiều hơn cần có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Ở nhà, các ông bố, bà mẹ hãy cùng học và làm đồ chơi dân gian, tìm hiểu ý nghĩa của từng loại đồ chơi để giáo dục, hướng dẫn các con. Nếu tất cả chung tay, góp sức cùng với các nghệ nhân, chắc chắn đồ chơi dân gian sẽ được khôi phục và phát huy.
Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống
Trong những năm qua, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam luôn là địa chỉ tin cậy của các em thiếu nhi Thủ đô. Nhờ có sự kết nối giữa bảo tàng và các nghệ nhân dân gian, nên việc bảo tồn, hướng dẫn các em làm đồ chơi truyền thống tại đây đã khơi dậy niềm yêu thích đồ chơi dân gian.
Vừa qua, chương trình “Trung thu 2022: Sức sống đồ chơi dân gian” tại Bảo tàng Dân tộc đã tạo ra một không gian vui chơi “vừa xưa vừa mới” dành cho các bạn nhỏ. Các em được giao lưu với các nghệ nhân, trải nghiệm thử làm đồ chơi truyền thống, lồng ghép và quảng bá văn hóa dân tộc.
Chị Thúy Anh (Hà Nội) cho biết, chương trình “Trung thu 2022: Sức sống đồ chơi dân gian” là hoạt động trải nghiệm rất bổ ích cho trẻ nhỏ. Ðây là một mô hình khá hay giúp các con tôi trải nghiệm các đồ chơi dân gian từ thời xưa. Thêm nữa, các con hiểu kiến thức thông qua việc được chứng kiến tận mắt thay vì chỉ xem trên tivi, sách vở. Bé Mai (con gái chị Thúy Anh) vô cùng hào hứng tham gia chương trình: “Em rất háo hức khi được làm đồ chơi Trung thu cùng mẹ. Em thích nhất được tô mặt nạ, vì em được thỏa thích sáng tạo cũng như trải nghiệm cảm giác được tự tay tạo ra món đồ chơi của riêng mình”.
Theo đại diện Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hơn 20 năm qua, nhiều nghệ nhân đã cùng Bảo tàng kiên trì duy trì, bảo tồn và phát huy các giá trị của đồ chơi dân gian. Bảo tàng luôn tìm tòi, thuyết phục, kết nối, tạo không gian để các nghệ nhân có cơ hội trình diễn, giới thiệu đồ chơi truyền thống đến du khách trong và ngoài nước. Ðiều này đã góp phần quan trọng trong việc phục hồi, phát triển của các món đồ chơi có nguy cơ thất truyền như ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, đèn kéo quân, tàu thủy sắt Tây, trống bỏi…