Sinh động làng bích họa ngoại thành Hà Nội
- Văn hóa
- 22:34 - 29/11/2019
Chúng tôi về thôn Chử Xá, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm (Hà Nội) một ngày chớm đông, ngôi làng bình yên nằm cách trung tâm Hà Nội hơn 20km, vừa được khoác màu áo mới với 15 bức bích họa màu sắc rực rỡ, sinh động, rất đời thường với người dân địa phương được thể hiện trên tường nhà dọc đường trong thôn.
Gần 11 giờ trưa, vừa từ ruộng rau lên, trên tay là những dụng cụ nhà nông còn vương bùn đất, bác Chử Văn Thành, người dân thôn Chử Xá hào hứng: "Làng quê chúng tôi giờ vui lắm, trước kia yên ả là thế, giờ luôn đông vui, nhộn nhịp. Từ khi có những bức bích họa, cứ cuối tuần là từng đoàn khách du lịch đổ về tham quan chụp ảnh, trong đó nhiều đoàn là giáo viên, học sinh các trường học ở Hà Nội và các địa phương lân cận. Đặc biệt là những vị khách Tây, họ thích lắm, cứ ngắm nghía, chụp ảnh lia lịa và luôn miệng nói: Ok, Việt Nam tuyệt đẹp...".
Với mong muốn góp phần xây dựng nông thôn mới, quảng bá sản vật quê hương, UBND xã Văn Đức đã chỉ đạo Đoàn Thanh niên xã phối hợp với Tổ chức Nghệ thuật kiến tạo cộng đồng ABC thực hiện Dự án Nông nghiệp sạch - Thành phố xanh thông qua việc vẽ các bức tranh tường. Công việc này được thực hiện từ giữa tháng 7/2019, sau gần 3 tháng 15 bức tranh tường dần hoàn thiện, những mảng tường nhà cũ kỹ giờ được khoác "áo mới" của sắc đỏ cà chua chín mọng, màu xanh mơn mởn của cánh đồng rau hàng chục héc ta, hay màu vàng của ruộng hoa cải mùa trổ bông…
Những tác phẩm bích họa tuyệt đẹp được khắc lên mang đến vẻ đẹp mới về cảnh quan thôn quê. Hơn nữa, các tác phẩm đều lấy những hình ảnh của chính làng quê hay những sản vật mà họ tạo ra khiến người dân nơi đây thêm gần gũi và yêu thương quê hương, đưa Chử Xá trở thành làng bích họa mới ở ngoại thành Hà Nội.
HÌnh ảnh quen thuộc với người thôn quê.
Nông sản được mùa.
Bác Trần Thị Vân chỉ tay lên bức bích họa của ngôi nhà hai tầng gia đình bác đang ở, phấn khởi nói: "Từ khi có bức bích hoạ kia, tôi thấy ngôi nhà của mình trở nên có giá trị hơn. Cả gia đình tôi đã chụp ảnh lưu niệm trước bức vẽ này, ông nhà tôi luôn nhắc nhở con, cháu phải biết giữ gìn bức vẽ cho cẩn thận, không để vấy bẩn. Hôm rồi có hai ông bà người Tây ngoài 60 tuổi đã dừng lại rất lâu trước bức vẽ và ngắm nghía từng chi tiết, rồi chụp vài kiểu ảnh. Tôi chẳng hiểu họ nói gì, nhưng nét mặt ai cũng tươi vui tỏ vẻ thích thú".
Việc nhà nông.
Buổi trưa về thôn Chử Xá, gió ngoài cánh đồng không ngừng thổi, nước ao làng trong veo, lăn tăn gợn sóng, trầm ngâm bên tách trà nóng trước ngôi nhà 4 tầng khang trang, bác Tuấn Nghĩa, gần 40 năm sống ở thôn Chử Xá chỉ tay phía tường nhà có bích họa về cảnh đánh bắt cá của người dân, bác kể: "Từ khi có bức vẽ tới giờ, trưa nào tôi cũng ra ngồi uống trà để ngắm. Nhiều lúc nhìn bức vẽ mà tôi nghĩ đó là những hình ảnh thật ngoài đời, bởi nó giống và thật đến từng chi tiết.
Những sản phẩm nông nghiệp gần gũi với bà con như: Bí ngô, mướp đắng, cà chua, đến những công cụ nhà nông như nơm úp cá, gầu sòng tát nước… đều trở nên sống động và tinh tế. Thực sự, nếu như không có những bức vẽ này, có lẽ người dân chúng tôi không thấy hết được vẻ đẹp của các loại thực phẩm cũng như công cụ lao động hằng ngày của nhà nông".
Theo người dân làng Chử Xá, họ rất phấn khởi và vui mừng vì làng quê đã được thay da đổi thịt, hàng ngày có nhiều du khách về tham quan, chụp ảnh, qua đó người dân cũng được mở mang hơn về mọi mặt, họ mong muốn được vẽ thêm nhiều bức bích họa khác trong thôn.
Quá trưa, những tia nắng đông hắt dài trên mọi nẻo đường trong thôn, nắng óng ánh như nhảy múa trên những bức tranh bích họa, khiến cảnh vật càng trở nên lung linh huyền ảo. Các em học sinh trường THCS Văn Đức cũng vừa tan học nhưng chưa vội về nhà, chúng túm năm tụm ba bên bức bích họa, trầm trồ: Tranh đẹp quá, lớn lên tớ muốn trở thành họa sĩ để tô đẹp thêm cho những bức tranh quê thôn Chử Xá thân yêu này.
Nhìn vào bức vẽ khiến ta quên đi mọi nỗi mệt nhọc.
Bắt con tôm, con cá cải thiện bữa ăn.