THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:53

Sắp phá chợ truyền thống lớn nhất Đà Nẵng

 

Tiểu thương "chỉ nghe phong phanh" 

Theo một số thông tin đăng trên các báo đài, Đà Nẵng đã quyết định sẽ tiến hành giải tỏa chợ Cồn - chợ dân sinh lớn nhất thành phố Đà Nẵng để xây mới một khu phức hợp thương mại, kết hợp các trung tâm thương mại, du lịch và chợ truyền thống ngay trong tháng 7 này. 
  
Được biết, quyết định được đưa ra sau khi địa phương đã làm việc, lấy ý kiến các hộ nhân dân bị giải tỏa ở dự án chỉnh trang đầu tư chợ Cồn, chợ trung tâm thương mại chính của thành phố Đà Nẵng. 
  
Chính quyền cho biết đến nay, 96% hộ dân tại đây đã đồng ý với chủ trương giải tỏa, bố trí tái định cư để xây dựng mới chợ. 
  
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên VnMedia, hầu hết những tiểu thương buôn bán trong chợ đều cho biết, họ chưa hề được hỏi ý kiến hay thông báo về phương án, lộ trình… Thậm chí nhiều người vẫn khẳng định: Thành phố đã hủy bỏ quyết định phá chợ xây trung tâm thương mại. 

Tiểu thương lo lắng khi biết chợ Cồn có thể bị phá đi để xây Trung tâm thương mại

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, chủ tiệm vàng Kiều Anh Hạnh trong chợ Cồn cho biết, bà chỉ mới nghe phong phanh mọi người “nói qua nói lại” với nhau chứ chưa hề được hỏi ý kiến hoặc thông báo chính thức nào về việc này. Đặc biệt, bà Hạnh rất lo lắng về hiệu quả hoạt động kinh doanh của gia đình nếu chợ này xây thành trung tâm thương mại. 
  
 Tôi buôn bán ở chợ Cồn mấy chục năm rồi. Chợ bây giờ đã được sửa sang khang trang, sạch sẽ rất nhiều so với trước đây. Tôi không hiểu sao lại phải phá đi để xây lại thành trung tâm thương mại, bởi ngay đối diện đã có trung tâm BigC to đùng rồi. Thêm cái trung tâm nữa thì bán cho ai ?” - bà Hạnh lo lắng. 
  
Ông Dũng, chồng bà Hạnh cũng cho rằng, Đà Nẵng không thiếu đất để xây trung tâm thương mại mới, vì vậy không nên phá bỏ chợ Cồn. “ Trong Thành phố còn có nhiều dự án “treo”, đất bỏ hoang rất lãng phí. Nếu muốn xây thì Thành phố nên thu hồi lại các dự án đó để xây Trung tâm Thương mại chứ không nên phá bỏ chợ Cồn, một cái chợ truyền thống đã có từ cả trăm năm nay” - ông Dũng nói và đặt câu hỏi : “Chợ xây lại mấy chục tầng, ai tới? ai ở? Ai mua mà xây?” 

Theo các tiểu thương, Chợ Cồn đã được xây dựng lại khang trang và đang hoạt động tốt nên không cần phải xây lại

Tâm tư của vợ chồng bà Hạnh, ông Dũng cũng là tâm tư của rất nhiều tiểu thương buôn bán tại chợ Cồn. 
Chủ quầy quần áo Vinh Quy, một tiểu thương buôn bán ở chợ Cồn đã trên 30 năm cũng cho biết, bà chưa nghe ai chính thức nói đến việc phá bỏ chợ Cồn để xây mới thành trung tâm thương mại. “ Chợ Cồn có từ hơn 100 năm rồi. Người ta đến đây mua bán thoải mái, có trao đổi mặc cả, chọn hàng…, khách người ta thích như vậy, cả khách địa phương hay khách du lịch đều như thế. ” - bà Nguyễn Thị Kim Quy nói. 
  
Theo bà Kim Quy, chợ Cồn từ khi được cải tạo lại thành 3 tầng thì sạch sẽ, khang trang hơn, nhưng việc mua bán sầm uất cũng chỉ diễn ra ở tầng 1, còn tầng 2 rất ế ẩm. Vì vậy, nếu xây lại chợ thành trung tâm thương mại sẽ càng khó kinh doanh hơn. 

Chợ Cồn còn là nơi người dân Thành phố thưởng thức những món ăn dân dã với giá cả phải chăng, điều mà họ không thể tìm thấy trong các siêu thị hay trung tâm thương mại

Cũng giống như vợ chồng bà Hạnh, nhiều tiểu thương cho rằng, Đà Nẵng còn rất nhiều đất nếu muốn xây trung tâm thương mại hoành tráng. “ Bên cạnh sân vận động còn đất trống bỏ không, cây xăng trước mặt chợ Cồn cũng giải tỏa lấy đất 6-7 năm nay rồi bỏ đó. Hay như mảnh đất lớn ở góc đường Yên Bái, gần chợ Hàn cũng bỏ hoang nhiều năm. Nếu muốn, Thành phố có thể xây trung tâm thương mại ở đó chứ đừng phá bỏ chợ Cồn .” - một tiểu thương ở dãy vỉa hè 3 tầng nói và cho biết, hầu hết các tiểu thương đều mong muốn được giữ lại chợ này. 
  
Theo chia sẻ của các bà, các chị ở khu đình số 2 thì chợ Cồn Đà Nẵng là một chợ truyền thống từ lâu đời, được người dân Thành phố rất yêu thích. Người nghèo có thể đến đây mua mớ cá biển, có khi chỉ chục ngàn là đã lo được bữa cơm. Họ cũng có thể mua những mặt hàng tiêu dùng rẻ tiền, phù hợp với thu nhập của người lao động. Còn người khá giả cũng có thể mua hải sản đắt tiền với giá cả phải chăng. 

Chợ Cồn là nơi cung cấp hàng hóa cho các vùng ngoại ô Thành phố

Ngoài ra, từ mấy chục năm nay, chợ Cồn còn là chợ đầu mối, cung cấp hàng hóa cho những người buôn bán từ các huyện ngoại thành của Thành phố. Trước đây, bến xe Vĩnh Trung hoạt động tấp nập cũng là để phục vụ cho những người buôn bán này. Nay thì bến xe đã bị giải tỏa và thay vào đó là khu thương xá Vĩnh Trung Palaza đại siêu thị BigC. 
  
“ Chúng tôi hầu hết đều buôn bán ở đây từ mấy chục năm. Có những gia đình mấy đời truyền nhau buôn bán ở đây, bây giờ mà xây thành trung tâm thương mại thì chúng tôi chỉ có chết luôn " - một tiểu thương bán hàng ở khu vực ăn uống lo lắng nói. Theo bà, khi đã xây thành trung tâm thương mại thì sẽ không thể có chỗ cho những người bán các quầy hàng ăn uống nhỏ như bánh lọc, chè, cháo... bình dân. 

Du khách mất cơ hội mua sắm 
  
Đặc biệt, du khách đến Đà Nẵng rất thích đi dạo, mua sắm và ăn uống ở chợ Cồn. Ngày nay, thị trường thông thương, muốn mua món đồ đặc sản của bất cứ địa phương nào đều không khó, chỉ việc vào siêu thị là có. Tuy nhiên, mua một món đặc sản ngay tại chợ dân sinh của địa phương có một sự thích thú riêng của khách du lịch. Ngoài việc giá cả hợp lý thì đó còn là tâm lý, là văn hóa của người Việt. Còn đối với du khách nước ngoài, khi đến bất cứ một đất nước, một địa phương nào thì thăm quan chợ truyền thống là một hoạt động khám phá văn hóa không thể bỏ qua. 
  
Chị Chu Thị Hồng, phố Chùa Láng (Hà Nội) cho biết, bạn bè chị thường khuyên nhau khi đến Đà Nẵng thì nên mua sắm ở chợ Cồn vì hàng hóa phong phú, giá cả phải chăng, dễ mua. 

Thay vì vào các siêu thị, trung tâm thương mại, du khách rất thích mua những mặt hàng đặc sản của địa phương tại chợ Cồn

“ Khi nào đến Đà Nẵng tôi cũng đi mua sắm tại chợ Cồn. Còn nếu bảo cần có một siêu thị hay trung tâm thương mại hoành tráng phục vụ khách du lịch thì tôi cho là cần phải xem lại, bởi nếu vậy, tôi có thể mua ở bất cứ siêu thị nào ngay tại Hà Nội chứ không cần phải vào siêu thị của Đà Nẵng ” - chị Thu, một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ. Chị cũng cho rằng Đà Nẵng cần nhìn bài học chuyển đổi chợ của Hà Nội, khi đã để mất đi mấy chợ truyền thống quan trọng như Chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam, chợ Trung Hòa… 

Chia sẻ với VnMedia về việc thay thế chợ truyền thống bằng một trung tâm thương mại phức hợp, bà Trần Kiều Thanh Hà, tổ chức Nhịp cầu thế giới (HealthBridge Canada), cho rằng, các chợ truyền thống được coi là những tài sản quan trọng đóng vai trò chính trong bản sắc của các khu dân cư, được đánh giá rất cao bởi người dân và khách nước ngoài. Vì vây, kết quả của việc thay thế chợ truyền thống bằng siêu thị và đại siêu thị là “lấy đi một phần văn hóa của thành phố”. 
  
 Đã có nhiều thành phố trên thế giới không bảo vệ được mạng lưới chợ của họ trước sự xâm nhập của các chuỗi siêu thị toàn cầu, và giờ đây, họ đang phải mất nhiều công sức khôi phục lại chợ truyền thống. Đà Nẵng cũng như nhiều thành phố khác của Việt Nam vẫn là những thành phố đậm nét văn hóa chợ, và bài học cho chúng ta là: đừng lặp lại sai lầm của những thành phố khác trên thế giới .” - bà Thanh Hà nhấn mạnh. 
  
Có thể thấy, giữ chợ Cồn truyền thống hay phá bỏ để xây trung tâm thương mại “hoành tráng” như mong muốn của chính quyền Đà Nẵng rất cần thiết phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Đó không chỉ là vì đời sống và chuyện buôn bán của các tiểu thương, sự tiện lợi trong mua bán của người dân mà còn là cả vấn đề văn hóa cũng như bài toán kinh tế của chính Thành phố này.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh