Sách thiếu nhi "Mùa tiểu học cuối cùng" nhận giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam
- Giải trí
- 10:13 - 14/02/2022
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều vừa ký quyết định trao Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn năm 2021 cho các tác phẩm văn học xuất sắc thuộc các thể loại: Văn xuôi, Lý luận - phê bình, Văn học dịch và Văn học thiếu nhi. Lễ trao Giải thưởng sẽ diễn ra vào ngày 14/2/2022 tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, Hà Nội.Theo đó, Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021 được trao cho các 4 tác giả, tác phẩm xuất sắc.
Cụ thể: Ở thể loại văn xuôi, giải thưởng được trao cho cuốn tiểu thuyết "Một ví dụ xoàng" của tác giả Nguyễn Bình Phương. Giải thưởng về Lý luận phê bình được trao cho tập lý luận phê bình "Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa" của tác giả Trương Đăng Dung. Giải thưởng Văn học dịch thuộc về cuốn tiểu thuyết "Châu Phi nghìn trùng" của tác giả Isak Dinesen, bản dịch của Hà Thế Giang. Tác phẩm "Mùa tiểu học cuối cùng" của tác giả Lê Văn Nghĩa được trao giải thưởng thuộc thể loại Văn học thiếu nhi. Mỗi tác phẩm được giải sẽ được trao Bằng chứng nhận và số tiền thưởng là 20 triệu đồng.
Lễ trao Giải thưởng Văn học năm 2021 sẽ được kết hợp với lễ kết nạp Hội viên mới và được tổ chức vào sáng 14/2 tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hà Nội).
Trước đó, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đã thay mặt Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam gửi thư đến lãnh đạo và Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố về việc tổ chức Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 20 với chủ đề "Hãy sống và hy vọng".
Theo đó, 2021 là một năm vô cùng khó khăn, nhiều thách thức và cả mất mát đối với đất nước bởi đại dịch COVID-19. Nhưng trong khó khăn, thách thức và mất mát ấy, tinh thần Việt Nam lại một lần nữa hiện ra với vẻ đẹp văn hóa cao thượng và ý chí sống mãnh liệt như đã được chứng minh trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Đó là tình yêu thương đồng loại, là sự dâng hiến cho cộng đồng, là sự đồng lòng giữa chính quyền và người dân cho sự bình an của con người và sự phát triển của đất nước, đặc biệt là niềm hy vọng lớn lao của con người Việt Nam vào một tương lai tốt đẹp hơn. Chính vì những điều đó, Hội Nhà văn Việt Nam lấy chủ đề của Ngày Thơ lần thứ 20 là "Hãy sống và hy vọng".
Vì tình hình dịch bệnh có thể có những biến động khó lường và vì sự an toàn cho từng người dân và cả xã hội, Hội Nhà văn Việt Nam đề nghị Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Hội Văn học nghệ thuật của các tỉnh thành dựa trên tình hình dịch bệnh cụ thể ở địa phương mình để có cách tổ chức Ngày Thơ phù hợp và an toàn nhất. Tại Thủ đô Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam vẫn chưa thể tổ chức Ngày Thơ lần thứ 20 với hình thức tập trung tại Văn Miếu Quốc Tử Giám mà sẽ tổ chức bằng các hình thức khác trên các phương tiện cho phép.
Mùa tiểu học cuối cùng giống như một thước phim tư liệu về tình bạn, tình thầy trò và cuộc sống của người Sài Gòn những năm 60. Bằng những trải nghiệm và chất liệu sẵn có, là nhóm bạn cùng lớn lên trong xóm lao động nghèo, chuyện trẻ con ở trường tiểu học Bình Tây - nơi nhà văn từng theo học và những lời ăn tiếng nói ngày xưa, cuốn sách đã chạm đến tuổi thơ của rất nhiều người - những ký ức tưởng chừng đã bị phai nhạt bởi thời gian…
Nhà văn Lê Văn Nghĩa, sinh năm 1953 tại Sài Gòn. Sách đã in: Tào lao xịt bộp (tập truyện ngắn, 2010); Mùa hè năm Petrus (truyện dài, 2012); Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy (truyện dài, 2014); Sài Gòn Khâu Lại Mảnh Thời Gian (tạp bút, 2018); Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ (truyện dài, 2018)….