Quy mô đại học: Thả nổi rồi lại siết!
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 13:03 - 26/12/2015
Theo Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT vừa ban hành, từ ngày 1/2/2016, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh tối đa của cơ sở giáo dục đại học (ĐH) dựa trên 3 tiêu chí thay vì 2 như hiện nay. Cụ thể, các trường sẽ phải xác định chỉ tiêu trên số sinh viên/giảng viên; diện tích sàn xây dựng/sinh viên và tiêu chí mới được bổ sung quy mô sinh viên tối đa.
Thay đổi cách xác định chỉ tiêu tuyển sinh
Bộ GD&ĐT quy định rõ quy mô sinh viên chính quy tối đa không quá 8.000 người đối với cơ sở giáo dục ĐH thuộc khối ngành VI (liên quan sức khỏe); không quá 5.000 sinh viên đối với cơ sở giáo dục ĐH thuộc khối ngành II (nghệ thuật); không quá 15.000 sinh viên đối với cơ sở giáo dục ĐH thuộc khối ngành còn lại.
Đối với ĐH Quốc gia và các ĐH vùng, quy mô sinh viên chính quy tối đa được xác định theo các trường thành viên. Những trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng GD&ĐT sẽ xem xét và quyết định. Bộ GD&ĐT nêu rõ, để được xác định chỉ tiêu tuyển sinh tối đa hằng năm, các cơ sở giáo dục ĐH phải thỏa mãn đồng thời 3 tiêu chí trên.
Học sinh tìm hiểu thông tin vào Trường ĐH Bách khoa TP HCM Ảnh : TẤN THẠNH.
Nếu như trước đây, Bộ GD&ĐT chỉ yêu cầu các trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên đội ngũ giảng viên chung của toàn trường, không phân chia theo ngành đào tạo thì Thông tư 32 thay đổi cách xác định chỉ tiêu theo tiêu chí tỉ lệ sinh viên chính quy trên giảng viên quy đổi theo mỗi khối ngành. Cụ thể, có 7 khối ngành gồm y, dược; khoa học sự sống và khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; nghệ thuật; khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên; kinh tế, văn hóa, xã hội; kinh doanh, tài chính ngân hàng, kế toán, luật với mức quy đổi từ 10-25 sinh viên/giảng viên tùy theo từng khối ngành.
Làm khó các trường!
Nhiều trường dù tỉ lệ giảng viên/sinh viên bảo đảm quy định chung nhưng nếu áp dụng quy định mới xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo khối ngành thì có những tỉ lệ sinh viên/giảng viên rất cao. Theo lãnh đạo bộ, việc các trường áp dụng quy định mới về xác định chỉ tiêu theo khối ngành đồng nghĩa với các trường tự điều chỉnh, hạ quy mô để bảo đảm chất lượng đào tạo.
Trên thực tế, số trường đang có quy mô tuyển sinh vượt 15.000 sinh viên không phải ít và nếu để tuân thủ quy định này, họ sẽ phải giảm một lượng sinh viên không nhỏ của mình. Đối với những trường ĐH trọng điểm, như Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (hiện đào tạo khoảng 45.000 sinh viên), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (quy mô đào tạo hệ chính quy khoảng 25.000 sinh viên)…, nếu thực hiện theo thông tư này, từ năm học tới, trường sẽ phải giải trình để được bộ trưởng cho phép tuyển sinh theo năng lực.
Lãnh đạo một trường ĐH lớn của Hà Nội nhận xét dường như Bộ GD&ĐT đang làm khó các trường bởi sẽ lại nảy sinh cơ chế xin - cho, vốn là điều mà các trường rất ngại và sợ. Theo đánh giá của nhiều trường, rõ ràng thông tư của Bộ GD&ĐT còn nhiều thiếu sót khi chưa đề cập tới quy mô sinh viên chính quy tối đa của các trường ĐH trọng điểm.
Chưa hết, yêu cầu cắt giảm nhanh chỉ tiêu tuyển sinh trong các năm sắp tới (để đưa quy mô sinh viên về mức quy định) được các chuyên gia dự báo là sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển đội ngũ giảng viên về quy mô và chất lượng. “Trên thực tế tiêu chí quy định về số lượng sinh viên/giảng viên và diện tích sàn sử dụng/sinh viên đã là một cách để hạn chế quy mô đào tạo của các trường rồi” - hiệu trưởng một trường ĐH cho biết.
Một chuyên gia tuyển sinh cho rằng quy hoạch mạng lưới các trường ĐH và CĐ giai đoạn 2006 -2020 đã quy định rõ quy mô của từng nhóm trường. Vì Bộ GD&ĐT trước đây không “siết” nên các trường đều bị phình quy mô so với quy định. “Tất nhiên là các trường sẽ không thích khi bị cắt chỉ tiêu vì thực tế mà nói, học phí sinh viên đang là khoản thu lớn của nhiều trường nhưng tôi cho rằng chỉ có thể quản lý tốt trên cơ sở quy định rõ về quy mô năng lực tối đa” - chuyên gia này nhận định.
Cứu các trường CĐ?
Theo Thông tư 32, các cơ sở giáo dục ĐH đang đào tạo CĐ mỗi năm phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo CĐ ít nhất 30% so với chỉ tiêu năm 2015 để dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2020. Các trường ĐH đang đào tạo trung cấp phải dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2017. “Tôi cho quyết định này không chỉ giúp các trường ĐH mới thành lập nỗ lực hơn trong việc đạt chuẩn, nâng cao chất lượng đào tạo mà còn giúp các trường CĐ sống được. Nếu bị “hớt” hết sinh viên như thời gian qua thì liệu các trường CĐ, TCCN có tồn tại hay không?” - một chuyên gia phân tích.