“Ông khuyến học” ở đỉnh núi mù sương…
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 15:00 - 17/05/2015
Thoát nghèo bằng đường học
Vượt hơn 70km từ thành phố Quảng Ngãi, chúng tôi vòng qua các ngọn đồi heo hút, trên đỉnh núi mù sương, thấp thoáng vài ngôi nhà. Chúng tôi đặt chân đến vùng đất Sơn Long, hỏi thăm vài người dân nhà già Đôn. Một người bảo chúng tôi: “Ông già bị cụt mà vẫn chống nạng đi từng nhà bảo trẻ con đến lớp ạ, để tôi dẫn đường”.
Thế là sau một ngọn núi nữa, chúng tôi đến thôn Tà Vay. Căn nhà ông Đôn đang sống nằm ở lưng chừng núi, ông đón chúng tôi bằng nụ cười niềm nở. Ông đi từng bước khó khăn qua chiếc cầu thang gỗ. Ông bảo: “Bọn trẻ bây giờ không còn bỏ học nữa, đi học cả rồi, ở dưới xã ấy”. Ông mừng ra mặt xem cái học cũng bằng đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Mất một chân do chiến tranh, già Đôn vẫn tiếp tục làm công tác khuyến học.ảnh:H.T
Sinh ra và lớn lên ở Sơn Tây, rồi khi quê hương gặp binh biến, cụ lại hăng hái tham gia cách mạng, đến chiến trường Campuchia năm 1970. Ông bị thương khi đang hành quân thì giẫm phải mìn, dù được cấp cứu nhưng cụ vĩnh viễn mất đi chân trái của mình. Trở về quê hương, ông được phân làm Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh thôn Ra Pân, xã Sơn Dung, đến khi tách xã năm 2009, ông lại nhận chức Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Tà Vay. Già Đôn tâm sự: “Nhìn thấy bà con mình nghèo nàn, trong khi ở các xã khác, người ta rất khá giả, họ có ăn, có việc làm, thanh niên làng mình đôi khi ngồi nhà trông ra…nản chí lắm!. Ông Đôn phân tích, học sinh miền núi bỏ học phần lớn là vì hoàn cảnh gia đình, các em đều muốn ở nhà phụ ba mẹ làm rẫy, nương. Biết được điều đó, ông đến từng nhà phân tích cho đồng bào hiểu, học sẽ có công việc, đi làm lao động, làm kinh tế giỏi mới có tiền để lo cho gia đình.
Những năm đầu, chưa có điện, phải đốt đuốc đi, đường xá không có, ông tự mình lặn lội đi từng bước khó nhọc đến tận nhà dân, vận động học sinh đến trường. Có những khi muốn đi xuống xã Sơn Long, phải đi từ 2 giờ sáng, “cuốc” bộ trên đôi nạn đến. Nhưng nhờ ông mà nhiều người tiếp tục đến trường, học tập và thành đạt.
Cầu nối cho tương lai
Bao năm qua, ông Đôn đã đi tận từng buôn, làng, ông tâm niệm: “Muốn các cháu ở làng đi học thì trước hết con cái, cháu trong dòng họ mình phải đên trường và thành đạt. Như thế, mình đi vận động, mọi người mới tin”. Ông Đôn có 3 người con, anh Đinh Minh Thảo, làm trong ban tuyên giáo xã Sơn Long, anh Đinh Văn Thúc, công an viên xã Sơn Long và Đinh Văn Thành, hiện đang đi nghĩa vụ quân sự.
Cuộc sống của ông đã thoát khỏi cái nghèo, ổn định kinh tế. Hiểu được cái khó của đồng bào mình, ông vẫn tích cực vận động con cháu làng, bản đến trường. Nếu gia đình nào khó khăn, ông lại đi xin tài trợ, ông bảo: “Một đứa đi học sẽ làm sáng danh cả dòng họ, do vậy, tôi khuyên các cô, chú của nó cho nó tiền để tiếp tục học”.
Vùng đất Sơn Long mới tách ra từ xã Sơn Dung, cơ sở vật chất còn khó khăn, tỷ lệ học sinh bỏ học và học giã gạo còn cao. Nhưng nhờ có công tác vận động mà tỷ lệ học sinh đến trường ngày càng cao. Thầy Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng THCS Sơn Long, cho biết: “Đến nay, tỷ lệ ra lớp tăng trên 95%, học sinh dù ở xa đến mấy vẫn tích cực đến trường. Kết quả này cũng nhờ có chú Đôn giúp đỡ”. Theo thầy Tuấn, tại thôn Tà Vay, có đến 19 em đang học tại trường.
Già Đôn đến từng nhà vận động học sinh đến trường.ảnh:H.T
Gia đình em Đinh Văn Trên, hiện học tại thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, nhà có hoàn cảnh khó khăn, một mình mẹ tự nuôi 3 đứa con, đứa lớn nhất đi nghĩa vụ quân sự, con thứ là em Trên, còn đứa con gái út chuẩn bị học mẫu giáo. Mẹ em, bà Đinh Thị Thi cho biết: “Lúc trước thấy khổ quá, định cho 2 đứa lớn nghỉ học để có người đi rẫy, đi hái củi bán kiếm tiền, nhưng già Đôn bảo muốn thoát nghèo phải cho con đi học, tôi thấy nhà già ai cũng được đi học, có cái chữ, có công việc. Tôi bây giờ nhìn con chữ thật không biết đọc, chẳng muốn con mình như vậy. Tôi đi vay, đi mượn cho nó được đến trường”.
Hơn 15 năm qua, ông Đôn đã vận động không biết bao thế hệ đến trường và thành đạt. Ông Đôn cho biết: “Còn một chân, tôi còn đi tiếp. Nhất định phải làm cho ngôi làng của mình rạng rỡ, mọi người thoát nghèo, ai cũng có công việc, có tiền”.
HUYỀN TRANG