THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:53

Quá nhiều học sinh giỏi và nỗi khổ tuyển sinh vào lớp 6

 

Với tỷ lệ trên 90% học sinh bậc tiểu học đạt giỏi, xuất sắc, những tưởng đó là thành tích đáng khích lệ của ngành giáo dục. Thế nhưng, đến hôm nay thành tích ấy đang trở thành nỗi ngán ngẩm của các trường Trung học cơ sở, cụ thể là của chính những người làm công tác tuyển sinh đầu cấp.

Năm nay, không còn cảnh các bậc phụ huynh xếp hàng chờ con thi vào lớp 6 nhưng sẽ có cảnh cha mẹ nhiều em là học sinh giỏi nhiều năm liền “mất ăn, mất ngủ” vì không biết con mình có được vào trường đã chọn hay không?

 

 

Hãy khoan nói về niềm đau đáu của các bậc cha mẹ mà hãy nhìn vào nỗi khổ của những người làm tuyển sinh. Theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và để tránh từ “thi”, nhiều trường năm nay chỉ xét tuyển hồ sơ. Tưởng rằng đây là cách làm an toàn, thuận lòng cha mẹ và dễ cho các trường, nhưng tình huống “khóc dở, mếu dở” đã xảy ra.

Cụ thể, tại trường Lương Thế Vinh (Hà Nội), lãnh đạo nhà trường đã thực sự bối rối vì chỉ tuyển 600 chỉ tiêu nhưng có hơn 1.000 hồ sơ trong số 4.000 suất đăng ký xét tuyển vào lớp 6 đạt 100/100 điểm (tính 2 môn Toán-Văn trong 5 năm tiểu học).

Một vị giáo sư đầu ngành giáo dục như ông Văn Như Cương đã phải thốt lên rằng: “Chưa nói đến chuyện chất lượng có đều không, mà chỉ cần nói đến số lượng học sinh giỏi nhiều đến mức đấy đã là không bình thường. Ngoài việc cả nghìn hồ sơ đạt 100 điểm, số lượng hồ sơ đạt 99 điểm cũng rất nhiều. Số hồ sơ có 2 điểm 9 còn nhiều nữa. Tôi thấy rằng hiện tượng này hết sức bất thường”.

Có đúng con cái chúng ta giỏi thật hay chỉ là sản phẩm của bệnh thành tích của chính thầy cô và các bậc làm cha mẹ? Mặc dù, cơ quan quản lý giáo dục cũng đã tìm đủ biện pháp để kiểm tra nọ kia, để tránh “bệnh thành tích” nhưng kết quả thì ai cũng thấy. Điểm của các con vẫn cao ngất ngưởng. Điểm số mà nhiều bậc phụ huynh thời còn đi học có mơ cũng không bao giờ nhìn thấy.

Khi tìm mọi cách để trò của mình phải đạt giỏi, liệu những nhà giáo kia có nghĩ tới hậu quả sau này đồng nghiệp và chính học sinh của mình phải gánh ngày hôm nay? Bởi lẽ, các trường, nếu tuyển không đúng học sinh đạt chuẩn đã đề ra sẽ ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo, không công  bằng với các em có tài năng thực sự. Còn với các em, nếu bị đánh giá “ảo”, khi vào môi trường học tập khắt khe liệu có đủ tự tin theo học, các em có tìm thấy niềm vui trong học tập hay mãi đuối sức trong cuộc đua của người lớn?

Qua tìm hiểu riêng của phóng viên các báo, Hà Nội sẽ chấp hành nghiêm phương án tuyển sinh mà Sở GD&ĐT đã trình Thành phố. Theo đó, sẽ không có bất kỳ đặc cách hay ngoại lệ nào. Với trường hợp như trường Lương Thế Vinh, nhà trường có thể ưu tiên cho các em có giải thưởng ở các kỳ thi học sinh giỏi, tìm kiếm tài năng, tiếp đến là xem xét hộ khẩu… Nhưng nếu số này chưa đủ chỉ tiêu tuyển sinh thì sao? Một chuyên gia giáo dục của Thủ đô cho rằng: “Kiểu gì các trường cũng tìm ra phương án tối ưu”.

Hiện nay, chúng ta đang phải giải quyết cái sự đã rồi. Vẫn biết tham vọng đổi mới căn bản giáo dục nước nhà cũng là vì tương lai con em chúng ta. Nhưng (lại là nhưng), có lẽ tốt hơn nếu chúng ta có lộ trình, đừng nóng vội. Cụ thể, nếu bỏ thi tuyển sinh vào lớp 6 thì phải làm nghiêm việc theo dõi, nhận xét ở bậc tiểu học. Với cách khen, thưởng, chấm điểm, nhận xét… dàn hàng ngang như hiện nay thì năm nào tuyển sinh vào lớp 6 cũng sẽ “rối như tơ vò” và người thiệt thòi nhất vẫn là các em. Hãy để con trẻ phát triển đúng với năng lực của mình, đừng để các em thành vật thí nghiệm để người lớn nhào nặn, tô vẽ cho thành tích của mình. Về lâu dài, chúng ta cần có chiến lược giáo dục đúng đắn chứ không thể cứ mãi “bồng bế” nhau như hiện nay.

Một năm học nữa đã kết thúc và chúng ta đang chuẩn bị cho một năm học mới. Năm học vừa qua, khác với mọi năm là các trường áp dụng cách đánh giá mới đối với học sinh theo Thông tư 30. Sau 1 năm học, nhiều trường, kể cả các phụ huynh học sinh, đang rất muốn Bộ GD&ĐT sửa lại thông tư này. Bởi chưa nói đến tính ưu việt, nhưng những rắc rối, đảo lộn do áp dụng Thông tư này khiến nhiều thầy cô thấy “sợ” năm học mới. Hồi giữa năm học vừa qua, sự im lặng của 700 hiệu trưởng tại Hội nghị sơ kết trực tuyến học kỳ I và triển khai nhiệm vụ học kỳ II cấp Giáo dục Tiểu học năm học 2014-2015 của Hà Nội là một điều đáng suy nghĩ. Họ im lặng không có nghĩa họ đồng ý, tán thành với cách đánh giá của Thông tư này. Hơn ai hết, họ mới là người hiểu phải sửa những gì từ Thông tư 30.

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII đang diễn ra, vào ngày 12/6, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận sẽ đăng đàn trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội, trong đó có nội dung về vấn đề thi cử ở bậc phổ thông. Cũng giống như nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ, cử tri cũng cho rằng, việc trả lời chất vấn không quan trọng bằng việc thực tế Bộ trưởng sẽ làm gì và làm  như thế nào để chấn hưng giáo dục nước nhà!

theo vov.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh