THỨ NĂM, NGÀY 24 THÁNG 10 NĂM 2024 05:48

Phụ huynh Việt Nam ngày càng đầu tư cho giáo dục

Cô và trò Trường Tiểu học & THCS FPT Cầu Giấy, Hà Nội.

Cô và trò Trường Tiểu học & THCS FPT Cầu Giấy, Hà Nội.

Học phí cao ngất ngưởng, các trường quốc tế và tư thục có tiếng vẫn “hút” học sinh

Nếu như trước đây, người dân chỉ biết đến những trường quốc tế như: Trường quốc tế Liên hợp quốc UNIS, Trường quốc tế Anh - Việt BVIS Hà Nội (quận Thanh Xuân), Trường quốc tế Pháp: Lycée français Alexandre Yersin ở Hà Nội và Marguerite Duras tại TP. Hồ Chí Minh, Trường quốc tế Hàn Quốc, Trường quốc tế Singapore SIS, Trường quốc tế Anh BIS Hà Nội (quận Long Biên), Trường quốc tế Hà Nội HIS (quận Ba Ðình)… Học sinh ở các trường này đa phần là con em các nhân viên đại sứ quán, con của các chuyên gia và nhà đầu tư nước ngoài khi tới làm việc tại Việt Nam và chỉ một bộ phận nhỏ người nổi tiếng và giới siêu giàu ở Việt Nam cho con theo học.

Ngày nay, đã có thêm nhiều trường quốc tế mới được thành lập như: Trường quốc tế Nhật Bản JIS, Trường quốc tế ParkCity Hanoi ISPH, Trường quốc tế Concordia Hà Nội, Trường liên cấp quốc tế Korea…

Các trường này thu học phí hàng trăm triệu đồng một năm, tăng dần từ bậc mầm non đến cấp trung học. Học phí nhiều trường tăng đều đặn mỗi năm, có khi tăng tới vài chục triệu đồng. Mức học phí cao nhất hiện thuộc về Trường quốc tế Anh BIS Hà Nội (quận Long Biên, Hà Nội) với chi phí lên tới hơn 860 triệu đồng/ năm.

Bên cạnh sức “nóng” của các trường quốc tế trong thời gian gần đây đối với các bậc phụ huynh Việt Nam thì các trường tư thục thuộc các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam như: Trường phổ thông liên cấp song ngữ quốc tế Wellspring Hà Nội, Hệ thống giáo dục Vinschool, Hệ thống trường phổ thông FPT, Hệ thống giáo dục Archimedes… cũng ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều bậc phụ huynh.

Theo dữ liệu của Hội đồng khoa học quốc tế (ISC Research), số lượng trường quốc tế ở Việt Nam ước tính có khoảng hơn 120 trường từ mầm non đến trung học phổ thông, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM.

Khảo sát của Ngân hàng HSBC cung cấp một số liệu đáng chú ý, đó là cha mẹ Việt Nam sẵn sàng dành tới gần 50% chi tiêu của gia đình để đầu tư việc học cho các con. Còn theo khảo sát năm 2020 từ Tổng cục Thống kê, các hộ gia đình thuộc nhóm thu nhập cao có xu hướng cho con học tại các trường tư thục, quốc tế với mức chi trung bình từ 17,8 - 25,3 triệu đồng/ tháng.

Trong khi đó, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Theo báo cáo của Bộ LÐ-TB&XH, tầng lớp trung lưu đang hình thành hiện chiếm 13% dân số và dự kiến sẽ tăng lên 26% vào năm 2026. Trong thập kỷ qua, Việt Nam ở nhóm các nước tăng số người thuộc tầng lớp trung lưu nhanh nhất thế giới.

Nghiên cứu mới công bố của World Data Lab (Anh) cho biết, Việt Nam sẽ có thêm 23,2 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu vào năm 2030. Theo tiêu chuẩn của tổ chức này, tầng lớp trung lưu là những hộ gia đình có mức chi tiêu bình quân đầu người từ 11 đến 110 USD một ngày.

Còn theo một báo cáo được công bố hồi tháng 3/2021 của Công ty Nghiên cứu thị trường Statista (Ðức) thì tốc độ tăng trưởng hàng năm của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam là 10,1% giai đoạn 2016-2021, cao nhất Ðông Nam Á.

Cùng với việc tăng lên của tầng lớp trung lưu, nhu cầu lựa chọn các trường học chất lượng cao cho con của các bậc phụ huynh Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới.

Một góc khuôn viên Trường quốc tế Liên hợp quốc UNIS.

Một góc khuôn viên Trường quốc tế Liên hợp quốc UNIS.

Vì sao nhiều bậc phụ huynh quyết định chi “mạnh tay” cho giáo dục?

Ðầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai và đầu tư cho giáo dục là đầu tư không bao giờ lỗ. Không chỉ những người giàu mới muốn cho con học trường tốt, ngay cả những bậc cha mẹ không giàu hoặc chưa giàu cũng muốn con theo học ở các trường quốc tế và tư thục danh tiếng vì những lợi ích khác biệt mà hệ thống này mang lại.

Ở các trường quốc tế, học sinh sẽ được học chương trình giáo dục tương tự nước ngoài (Mỹ, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Singapore…). Bên cạnh đó, các em còn có cơ hội được kết bạn với các học sinh đến từ nhiều quốc gia khác nhau, được tham dự các chương trình ngoại khóa hấp dẫn. Ở đây không có áp lực bài tập về nhà và hầu như không có bạo lực học đường, điều kiện cơ sở vật chất và chất lượng giáo viên đều đạt chuẩn quốc tế.

Các trường quốc tế tuyển sinh bằng một số hình thức như xét hồ sơ, bảng hỏi, phỏng vấn hay kiểm tra đầu vào, không kèm điều kiện về quốc tịch. Tuy nhiên, một số trường đặc thù có chính sách ưu tiên đối tượng. Ví dụ, Trường quốc tế Pháp Lycée français Alexandre Yersin ở Hà Nội và Marguerite Duras tại TP.HCM chịu sự quản lý trực tiếp của Cơ quan giáo dục Pháp ở nước ngoài (AEFE) nên ưu tiên học sinh quốc tịch Pháp hoặc đến từ một trường học ở Pháp.

Ðược biết, đa số các bậc phụ huynh quyết định cho con theo học tại các trường quốc tế thường định hướng cho con sau này đi du học.

Còn với hệ thống các trường học tư thục mới nổi lên ở Việt Nam hiện nay, chương trình đào tạo được thiết kế riêng, với nhiều điểm đổi mới và sáng tạo, trong đó, đặc biệt chú trọng môn tiếng Anh (có thể học song ngữ một số môn), tăng cường vận động thể chất cũng như các kỹ năng sống cho học sinh thông qua các hoạt động dã ngoại và sinh hoạt các câu lạc bộ. Mức học phí ở đây “khá mềm” so với các trường quốc tế, khoảng hơn 100 triệu đồng/ năm học. Tuy nhiên, ngoài học phí, phụ huynh còn phải đóng các khoản phí ghi danh, giữ chỗ, đồng phục, xe bus, ăn bán trú… Những khoản tiền này cũng không ít.

Bất chấp mức học phí cao ngất ngưởng, ngày càng có nhiều phụ huynh Việt Nam quyết định cho con theo học tại các trường quốc tế và tư thục danh tiếng, thậm chí nhiều người sẵn sàng vay tiền ngân hàng để đóng học cho con với mong muốn con được tiếp cận với chương trình giáo dục toàn cầu, phương thức học tập sáng tạo, cởi mở cũng như cơ sở vật chất hiện đại.

Phương Anh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh