THỨ BẨY, NGÀY 14 THÁNG 09 NĂM 2024 02:31

Phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em khi học trực tuyến

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Phụ huynh giật mình lo lắng

Sáng 10/9/2021, một học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) bị điện giật tử vong khi đang học trực tuyến tại nhà. Nguyên nhân là do học sinh này dùng que bằng sắt chọc vào một đầu dây nguồn của máy tính xách tay rồi cầm cắm vào ổ điện.

Sau khi sự cố xảy ra, không ít phụ huynh có con ở lứa tuổi tiểu học đang học trực tuyến tại nhà giật mình lo lắng. Chị Minh Nguyệt có 2 con học tiểu học ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cho hay, ngay sau khi đọc được thông tin về vụ tai nạn của cháu bé ở quận Đống Đa, gia đình đã lập tức dặn dò kỹ lưỡng 2 con về cách sử dụng điện, đặc biệt là trong quá trình học.

"Trong tuần vẫn có những hôm chúng tôi đi làm cả ngày, 2 con ở nhà tự học trực tuyến. Sự việc nghiêm trọng xảy ra với học sinh xấu số kia khiến bản thân tôi cũng giật mình nên đã hướng dẫn cho các con việc sử dụng các thiết bị điện tử. Tôi căn dặn các con tuyệt đối không dùng các vật kim loại để chọc vào ổ điện", chị Nguyệt cho biết.         

Hiện trường xảy ra vụ việc khiến em học sinh lớp 5 bị điện giật tử vong vào sáng ngày 10/9.

Hiện trường xảy ra vụ việc khiến em học sinh lớp 5 bị điện giật tử vong vào sáng ngày 10/9.

Trong khi đó, anh Anh Tuấn, quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ, ngay trong chiều cùng ngày, anh đã gọi điện về cho bố mẹ ở Phú Thọ để căn dặn, bởi cậu con trai học lớp 3 của anh đang ở cùng ông bà nội và học online tại đó.

Anh Tuấn cho hay, từ khi giãn cách đến nay, con trai anh bị kẹt lại ở quê chưa ra Hà Nội được. Năm học mới bắt đầu, anh chị phải nhờ ông bà ở quê kèm cặp cháu học trực tuyến. Ngày nào anh cũng kết nối về để theo dõi tình hình học tập của con. Sau sự việc cháu bé tử vong do bị điện giật xảy ra mới đây ở Hà Nội càng khiến anh lo lắng nhiều hơn. "Vợ chồng tôi phải căn dặn kỹ và nhờ ông bà nhắc nhở con liên tục về kỹ năng sử dụng điện, quản lý chặt chẽ hơn việc học của con. Ở xa đã lo lắng đủ bề, giờ xảy ra sự việc, tôi càng nóng ruột vô cùng”, anh Tuấn lo lắng.

Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, nhà lại không có ai trông con giúp nên anh Huy Cường (Minh Khai, Hà Nội) đã hướng dẫn cho con gái lớp 4 cách mở máy tính tự học trực tuyến cũng như cách dùng một số thiết bị điện trong những lúc bố mẹ không có nhà. Tuy nhiên, sau vụ học sinh tử vong vì điện giật thì vợ chồng anh Cường cũng rất bất an khi để con ở nhà một mình.

Theo chia sẻ của nhiều phụ huynh, họ mong muốn đầu năm học, các trường nên dành thời gian để hướng dẫn cụ thể cho học sinh về việc sử dụng các thiết bị điện tử, đặc biệt là cách tránh xa các nguồn điện nguy hiểm, bởi không phải lúc nào người thân cũng ở bên cạnh để nhắc nhở các con.

Theo ghi nhận, sau khi vụ việc đau lòng xảy ra, nhiều nhà trường đã đăng trên trang web hướng dẫn học sinh cách phòng tránh tai nạn thương tích khi ở nhà mùa dịch. Trên nhóm lớp, nhiều giáo viên chủ nhiệm cũng gửi thông điệp cảnh báo, nhắc nhở phụ huynh kiểm tra các thiết bị điện tử con đang sử dụng để học trực tuyến. Nhiều phụ huynh cũng tìm những thông tin về phòng tránh tai nạn thương tích trẻ để gửi cho nhau cùng thực hiện.

Cần lưu tâm trong việc phòng ngừa, bảo vệ con trẻ

Sau sự việc, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ, những tai nạn thương tích xảy ra ở trong hay ngoài nhà trường với học sinh đều hết sức đau lòng và một lần nữa nhắc nhở mỗi gia đình, nhà trường cần lưu tâm trong việc phòng ngừa, bảo vệ con trẻ.

Cũng theo ông Tiến, trong thời gian học sinh và trẻ mầm non tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19, việc phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ và học sinh cần có sự quan tâm phối hợp chặt chẽ từ phía nhà trường và gia đình học sinh, đặc biệt là từng giáo viên chủ nhiệm đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn phụ huynh, học sinh các kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích có thể xảy ra như: điện giật, đuối nước, cháy nổ.

Thông tin từ phía Bộ GD&ĐT cho biết, các đơn vị chức năng hiện đang khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn học tập trực tuyến an toàn tại nhà.

Theo chuyên gia tâm lý giáo dục Nguyễn Phương Anh, cha mẹ không nên để trẻ tiểu học ở nhà một mình hoặc trẻ tự trông nhau mà không có sự để mắt của người lớn. Bởi khi trẻ phải ở một mình thì rất nhiều tình huống có thể xảy ra khiến đứa trẻ mất kiểm soát hành vi, gây ra những việc mất an toàn và làm mình bị thương.

Tiếp đến là độ an toàn các thiết bị kết nối như máy tính, điện thoại khi sử dụng để học online. Thực tế, đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra đối với người dùng khi vừa sạc điện, vừa kết nối mạng, chơi game. Cùng với đó là các loại điện thoại cũ không an toàn, nguy cơ cháy nổ rất cao. Trong khi học sinh học online sẽ phải sử dụng các thiết bị đó trong nhiều giờ. Nếu thiết bị điện tử không tốt phải sạc điện liên tục khi học thì nguy cơ tai nạn lại càng cao hơn.

“Để đảm bảo an toàn cho trẻ, mỗi gia đình phải luôn có người lớn ở nhà và giúp con xử lý các tình huống bất ngờ. Ngoài ra, bố mẹ phải đồng hành, giúp con kết nối tri thức với cuộc sống để hình thành trong ý thức của con những kỹ năng an toàn cơ bản về an toàn, kỹ năng sinh tồn”, chuyên gia tâm lý giáo dục Nguyễn Phương Anh nói. 

Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành tiêu chí ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Trong đó, có tiêu chí về đảm bảo an toàn về điện như sau: Dây dẫn điện phải được đi ngầm trong tường hoặc có vỏ bọc chắc chắn nếu đi bên ngoài; Các công tắc điều khiển, cầu chì, ổ cắm được lắp đặt ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi và phải có hộp hay lưới bảo vệ hoặc có nắp đậy an toàn; Phải sử dụng các loại đèn có phần vỏ ngoài bằng vật liệu cách điện tại các phòng trong ngôi nhà; Không đặt ổ cắm điện trong phòng vệ sinh, nhà tắm, nếu có phải đặt sau cầu chì/Ap-to-mat và ở vị trí an toàn ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi.

Cù Hòa

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
UNICEF đánh giá cao về hướng dẫn ưu tiên chăm sóc trẻ em mồ côi do Covid-19 của Việt Nam

UNICEF đánh giá cao về hướng dẫn ưu tiên chăm sóc trẻ em mồ côi do Covid-19 của Việt Nam

Ngày 26-9, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam đã ra thông cáo báo chí cho biết bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam bày tỏ sự đánh giá cao trước việc mới...
2 năm trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh