Phóng tránh ngã cho trẻ nhỏ khi ở nhà
- Đông Y
- 11:35 - 28/02/2020
Trẻ thường ngã do đâu?
Ngã ở trẻ em phần lớn là do sự vô ý hoặc bất cẩn của người lớn hoặc do sự tò mò, hiếu động, nghịch ngợm của chính trẻ. Ở lứa tuổi còn nhỏ, trẻ thường chưa nhận thức được hết những nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích do ngã.
Nếu người trông trẻ không cẩn thận, có thể khiến cho trẻ bị ngã từ trên giường, võng, ghế, xe đẩy xuống dưới đất hoặc do trẻ đứng trên các đồ vật kê không vững, thậm chí trẻ có thể bị tuột khỏi tay người lớn.
Trẻ cũng có thể bị ngã do chạy nhảy, đi lại ở những nơi ẩm ướt, trơn trượt như nhà tắm, sàn nước, sàn nhà mới lau hoặc bị đổ nước, sân chơi ướt... Ngay cả khi địa hình bằng phẳng, an toàn, trẻ vẫn có thể bị ngã do nô đùa, xô đẩy nhau.
Trẻ em nghịch ngợm trèo cây, trèo tường, trèo cột điện, cầu thang, ban công cũng đều có thể dẫn đến ngã và gây nguy hiểm đến tính mạng.
Phòng ngừa ngã ở trẻ em như thế nào?
Để phòng ngừa ngã ở trẻ em cũng như hạn chế tối đa các thương tích có thể xảy ra do ngã, cha mẹ và những người chăm sóc trẻ cần lưu ý:
- Đối với trẻ nhỏ, phải luôn có người lớn chăm sóc bên cạnh khi ăn, ngủ, chơi.
- Sử dụng “cũi”, đặc biệt có tác dụng với trẻ nhỏ trong trường hợp không thể trông trẻ được.
- Có rào chắn hoặc thanh bảo vệ ở những nơi như đầu, cuối cầu thang, cửa sổ, ban công với độ cao tối thiểu 75cm, chấn song dọc, khoảng cách giữa các song không vượt quá 15cm.
- Đảm bảo bậc thềm, cầu thang đủ ánh sáng, dễ đi.
- Dạy trẻ không xô đẩy nhau, không leo trèo cây cối, cột điện hay mái nhà, chỉ cho trẻ thấy những hậu quả có thể xảy ra nếu trẻ cố tình leo trèo và không may bị ngã.
- Dạy cho trẻ các kỹ năng phòng tránh ngã khi đi cầu thang, sàn nhà ướt, nhà tắm, những nơi trơn trượt, giáo dục trẻ tránh các trò chơi nguy hiểm như nhảy từ trên cao xuống đất, thả diều trên sân thượng, đá bóng dưới lòng đường…
- Cố định chắc chắn các đồ nội thất tại vị trí đặt, để cũng như treo tivi lên cao thay vì để trên bàn chênh vênh.
- Đồng thời, cha mẹ và những người chăm sóc trẻ cũng cần học các kiến thức cơ bản về sơ cứu và phòng ngừa các tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em, trong đó có ngã.
Không để trẻ bò cầu thang một mình vì trẻ có thể ngã.
Trẻ ngã như thế nào thì phải đi viện?
Nếu trẻ bị ngã bất tỉnh, dù chỉ vài giây, bạn nên đưa con đến trung tâm y tế gần nhất để được kiểm tra vì rất có thể cú ngã đã gây khối máu tụ. Nếu trẻ khóc thét ngay sau khi ngã thì cha mẹ có thể yên tâm là con mình vẫn tỉnh táo.
Sau ngã, bé vẫn tỉnh táo nhưng sau đó một thời gian lại có những dấu hiệu bất thường như tinh thần bị kích động, lơ mơ, tiếp xúc kém (bé không thể tập trung chú ý vào bạn, không nhìn vào mắt bạn, không làm theo yêu cầu của bạn, không nhận ra người thân trong gia đình…). Những dấu hiệu này rất có thể là dấu hiệu bé bị rối loạn tri giác, hãy đưa con tới ngay bệnh viện để được thăm khám và kiểm tra sức khỏe. Nếu sau khi ngã, bé chống cự không cho bạn chườm lạnh thì bạn có thể yên tâm là bé vẫn tiếp xúc tốt.
Sau khi bị ngã, nếu bé nôn từ 3 lần trở lên, bạn cũng cần đưa con đi khám bác sĩ ngay. Thông thường, sau khi ngã, ngay cả khi không có chấn thương sọ não, nhiều bé vẫn có thể nôn 1 hay 2 lần, do khóc, ho hoặc đơn giản là do sự va đập của hộp sọ. Đề phòng trường hợp bé nôn, trong vòng vài giờ đầu sau khi bị ngã, chỉ nên cho bé uống nước trong hoặc bú sữa mẹ, không nên cho bé dùng thức ăn đặc.
Sau khi ngã, nhiều bé có thể kêu chóng mặt. Điều này không có gì nguy hiểm. Nhưng nếu bé bị mất thăng bằng và ngã lên ngã xuống khi đi thì cha mẹ cần đưa con đi khám bác sĩ ngay. Khi bé chơi, hãy theo dõi xem bé có làm được mọi chuyện như trước không (ngồi thẳng, đi lại vững vàng, di chuyển tay chân bình thường) hay bé loạng choạng, kéo lê chân, mất phương hướng… Nếu bé chưa biết đi thì để ý xem có gì bất thường khi bé ngồi, bò hoặc dùng tay không.
Trong vòng 24 giờ sau ngã, nếu trẻ xuất hiện các dấu hiệu như mắt lác, đồng tử hai bên không đều, đi vấp ngã hoặc lao vào các đồ vật như thể không nhìn thấy chúng. Trẻ lớn có thể nhìn mờ, nhìn đôi (nhìn một hóa hai), chảy máu hoặc chảy nước từ lỗ mũi hoặc lỗ tai, ngay lập tức bạn phải đưa con nhập viện để được theo dõi và chữa trị.
Sau khi ngã, nếu trẻ quấy khóc nhiều bất thường, không thể dỗ, kêu đau đầu liên tục, tay hoặc chân có cảm giác bị liệt, ngủ quá nhiều, ngủ li bì, cha mẹ cũng nên đưa con đi thăm khám ngay lập tức.
Đặc biệt, ngay sau ngã, nếu bé có các biểu hiện sau: màu da chuyển từ hồng sang nhợt nhạt, tím tái; nhịp thở không đều, có những đợt thở rất nông hoặc cơn ngừng thở 10-20 giây; co giật; hãy đưa bé đi khám bác sĩ ngay.
Cho trẻ chơi trong cũi nếu bạn không thể trông chừng con.
Những điều không nên làm:
- Không cho trẻ biết lật, bò, đi ngồi hoặc nằm trên võng, giường lúc không có người lớn bên cạnh.- Không cho trẻ đứng trên ghế, vật dụng không vững.- Không để sàn nhà ẩm ướt, trơn trượt.- Không để đồ vật của trẻ ngoài tầm với.- Không thực hiện các động tác dễ gây ngã cho trẻ nhỏ như xốc ngược, tung trẻ.- Không để trẻ dưới 10 tuổi trông trẻ dưới 3 tuổi.
Bình Yên/GĐTE
CÙNG CHUYÊN MỤC
Lạm Dụng Thuốc Ngủ: Hiểm Họa Tiềm Ẩn Của Cuộc Sống Hiện Đại
Thuốc ngủ, một giải pháp tạm thời cho chứng mất ngủ, đang bị lạm dụng một cách đáng báo động, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe thể chất và tinh thần.
3 tháng trước