Phòng chống cận thị học đường
- Sức khỏe
- 09:39 - 03/05/2023
Cận thị ngày càng có xu hướng trẻ hóa
Nhiều lần thấy con trai M.N (9 tuổi) nháy mắt và kêu mỏi mắt, chị Thu Hương cũng không để ý lắm. Nhưng đến khi thấy con tiến sát màn hình mới đọc được chữ trên tivi thì chị mới nghi ngờ mắt con có vấn đề. Và tới hôm khám sức khỏe ở trường, các bác sĩ cho biết thị lực của bé M.N rất kém, dấu hiệu cận thị và yêu cầu gia đình cho con đi khám chuyên khoa. Chị Hương kể, ngoài thời gian đến trường, con chị hầu như chỉ ở trong nhà. Ði học về là con xem điện thoại hoặc tivi, xen kẽ là những buổi học thêm online trên máy vi tính... Thỉnh thoảng, vào cuối tuần chị mới đưa con đi chơi nhưng cũng chủ yếu đến các trung tâm mua sắm, chứ con ít được hoạt động ở ngoài trời. Ðây cũng là những nguyên nhân khiến trẻ có nguy cơ mắc cận thị.
Theo các số liệu trên thế giới, sau dịch Covid-19, số trẻ em bị cận thị tăng cao đáng kể. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự đoán 50% dân số trên thế giới sẽ bị cận vào năm 2050, riêng ở châu Á cận thị nhiều hơn do yếu tố chủng tộc, với 80-90% trẻ em ở khu vực này sẽ bị cận thị.
Tại Việt Nam, cận thị đang có xu hướng trẻ hóa, đặc biệt đối với học sinh độ tuổi từ 10 - 15 tuổi. Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương, có khoảng 3 triệu trẻ em nước ta trong độ tuổi từ 0 - 15 mắc các tật khúc xạ (chiếm khoảng 40%).
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cận thị học đường là di truyền và lối sống.
Về di truyền: Một số nghiên cứu đã chứng minh có khoảng 24 gen liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển cận thị.
Về lối sống thì việc lạm dụng công nghệ cũng làm gia tăng số trẻ mắc cận thị. Khi sử dụng các thiết bị điện tử, mắt luôn trong trạng thái điều tiết. Lâu ngày, thể thủy tinh không thể xẹp xuống như hình dạng ban đầu, dẫn đến tật cận thị. Ánh sáng xanh từ điện thoại, iPad, máy tính… chính là tác nhân trực tiếp làm suy giảm thị lực của trẻ. Ngoài ra, sử dụng thiết bị điện tử làm giảm tần số chớp mắt khiến mắt dễ bị khô.
Bên cạnh đó là áp lực học hành. Trẻ em hiện tại dành quá nhiều thời gian cho học tập, ít tham gia các hoạt động ngoài trời. Ðiều này làm tăng thời gian nhìn gần, giảm thời gian nhìn xa, khiến mắt luôn phải điều tiết, dễ dẫn đến cận thị.
Hơn nữa, việc trẻ em ngồi học không đúng tư thế, không đủ ánh sáng là một trong số các nguyên nhân gây cận thị.
Cận thị không có những dấu hiệu rõ rệt, vì thế rất khó phát hiện. Thường trẻ em không hiểu rõ được tật cận thị là gì, nên không thể nói rõ với người lớn. Ðến khi cha mẹ phát hiện thì trẻ đã bị cận nặng. Do đó, cha mẹ phải thường xuyên chú ý đến biểu hiện của con để phát hiện kịp thời tật cận thị: Ðối với trẻ nhỏ, khi xem tivi trẻ tiến lại gần màn hình hơn hoặc khi đọc sách, học bài trẻ thường cúi sát mặt xuống. Nhiều trẻ có biểu hiện nheo mắt hoặc nghiêng đầu khi học bài hoặc xem tivi, nhiều trẻ có thể đọc nhầm dòng, sai dòng, viết không chính xác. Ðối với trẻ lớn, khi bị cận thị trẻ thường có dấu hiệu của mỏi điều tiết, nhức mắt, chảy nước mắt...
Cận thị nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến học tập, sinh hoạt. Ngoài ra, cận thị còn khiến trẻ ngại tham gia các hoạt động cần nhìn xa. Nếu cận thị cao mà không phát hiện kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng nhược thị. Ðây là tình trạng trẻ có đeo kính nhưng thị lực cũng không lên được tối đa và kèm theo nhiều biến chứng như: bong võng mạc, thoái hoá dịch kính, hóa lỏng dịch kính, bệnh lý glocom…
Về việc điều trị cận thị học đường, với trẻ dưới 18 tuổi thì chưa đủ tuổi phẫu thuật tật khúc xạ, phương pháp điều trị tối ưu nhất là đeo kính. Phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện mắt uy tín để bác sĩ khám và chẩn đoán tật khúc xạ. Sau 6 tháng, trẻ nên được khám mắt lại để kiểm tra tiến triển của tật cận thị có thể thay kính kịp thời giúp trẻ nhìn rõ hơn. Việc không thay kính định kỳ sẽ khiến thị lực của trẻ bị giảm sút, đeo kính sai độ khiến mắt phải điều tiết nhiều hơn, dẫn đến độ cận tăng nhanh hơn.
Phương pháp phòng tránh cận thị học đường
Phương pháp phòng tránh cận thị học đường tốt nhất là hướng dẫn tư thế ngồi học đúng chuẩn cho trẻ và cách chăm sóc mắt.
Tư thế ngồi chuẩn: Ngồi thẳng lưng, vuông góc với ghế, ngực không tỳ vào cạnh bàn, đầu cách vở khoảng 25-30cm. Hai đùi song song, chân vuông góc với mặt đất, không co, duỗi chân. Tay trái đặt vuông góc với cạnh bàn, giữ vở, tay phải tạo một góc 45 độ với cạnh bàn.
Tay cầm bút: Dùng ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa dùng để cầm bút. Ngón cái và ngón trỏ cầm phía trên bút, ngón giữa đỡ dưới thân bút. Ngòi bút cách đầu ngón trỏ khoảng 2,5cm. Bút nghiêng một góc khoảng 45 độ so với mặt giấy. Vở để nghiêng, mép vở tạo một góc 15 độ so với mép bàn.
Chiều cao của bàn, ghế: Tiêu chuẩn bàn học sinh là không thấp hơn 22cm và không cao hơn 27cm. Khi ngồi mép bàn phải chạm ngực dưới của trẻ. Nếu ghế quá cao sẽ khiến trẻ bị còng lưng. Ghế quá thấp mắt trẻ sẽ gần với mặt bàn dễ gây cận thị.
Cách chăm sóc mắt: Cận thị hoàn toàn có thể phòng được nếu có sự phối hợp tích cực giữa học sinh, gia đình và nhà trường. Theo lời khuyên của bác sĩ Hoàng Thị Luyến - Khoa Mắt, Bệnh viện Bãi Cháy, các bậc phụ huynh cần cho trẻ thăm khám định kỳ mắt 6 tháng/lần, nếu bị cận thị cần điều trị sớm để có kết quả tốt nhất. Trẻ bị cận thị cần lưu ý sử dụng kính trong quá trình học tập. Sau tiết học 45 phút cần có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi bằng cách: nhắm mắt 20 giây, bỏ kính và đưa mắt ra ngoài phòng học, nhìn ra ngoài để mắt thư giãn, nghỉ ngơi.
Ngồi học đủ ánh sáng và đúng tư thế, không nằm đọc sách hoặc viết bài ảnh hưởng nhiều đến độ tiến triển của cận thị. Hạn chế thời gian nhìn gần không cần thiết như chơi game, xem tivi, chơi điện thoại, máy tính... Tăng thời gian hoạt động ngoài trời để mắt được nhìn xa. Thực hiện quy tắc 20/20/20, tức là nhìn gần 20 phút để mắt nghỉ ngơi 20 giây bằng cách nhìn xa 20 feet (khoảng 6 mét).
về chế độ dinh dưỡng, cần tăng cường ăn rau xanh, hoa quả có màu vàng như gấc, cà rốt, thịt, cá; bổ sung các vi chất như vitamin A, E, C, chất khoáng.