Phí dịch vụ 30%: Nhà mạng đang “cho vay nặng lãi”
- Các loại bệnh
- 18:35 - 01/10/2015
Lãi suất cao hơn vay ngân hàng
Anh Nguyễn Thái Dũng (TP. Vinh, Nghệ An) cho biết, chỉ cần tài khoản điện thoại của anh còn dưới 5.000 đồng là MobiFone gửi tin nhắn nhắc nhở. Đồng thời, nhà mạng gửi thêm tin nhắn mời chào dịch vụ ứng tiền lên đến 50.000 đồng. Anh Dũng chia sẻ: “Sử dụng dịch vụ ứng tiền thấy cũng thuận tiện, nhưng khi nạp thẻ mới thấy mức phí phải trả cho nhà mạng cao hơn cả lãi suất ngân hàng. Cụ thể, tôi ứng 37.500 đồng thì phải trả phí 11.250 đồng, trừ vào lần nạp tiền sau đó”.
Cũng ức chế khi ứng tiền của nhà mạng VinaPhone, Hồng Vân, sinh viên ĐH kinh doanh và công nghệ Hà Nội cho hay, cô ứng 10.000 đồng nhưng phải chịu mức phí 2.500 đồng. Như vậy khi nạp thẻ điện thoại, số tiền Vân phải trả nợ lên đến 12.500 đồng. Nếu chỉ nạp thẻ 20.000 đồng thì sau khi bị trừ tiền ứng chỉ còn lại 7.500 đồng. Chỉ gọi 1-2 cuộc lại hết tiền, lại ứng, lại chịu mức phí cao...
Khách hàng cùng 1 lúc nhận được 2 gợi ý ứng tiền của 1 tổng đài với mức phí khác nhau .
Anh Đào Văn Hiến (Hà Nội) cho hay, khi tài khoản của anh còn dưới 1.000 đồng, nhà mạng tự động ứng 10.000 đồng vào tài khoản mà không cần biết khách hàng có nhu cầu hay không, đó là cách “quan tâm thái quá”. Thời kỳ trước khi sử dụng mạng Viettel, anh Hiến chỉ được ứng 3.000 đồng cho mỗi đợt với cú pháp *911# và không mất phí. Gần đây khi điện thoại hết tiền, anh luôn được nhà mạng này thông báo tài khoản đã hết và gợi ý vay tiền dịch vụ với kiểu soạn cú pháp DK gửi 9118, mức phí 10%. “Khi đăng ký dịch vụ, đơn vị này lại gửi tin nhắn, trong đó, cho biết sẽ tự động ứng tiền cho tôi khi tài khoản của tôi còn dưới 1.000 đồng. Đặc biệt, thay vì mức phí 10% như thông báo trước đó, thông báo này chỉ rõ phí dịch vụ từ 10% đến 30%. Hình thức ứng tiền trước đây chỉ là hỗ trợ khách hàng trong lúc cần gấp, nhưng nay các nhà mạng tận dụng để cho vay với mức phí cao hơn 2-3 lần so với lãi suất ngân hàng là 8-10%/năm”, anh Hiến tính toán.
Quyền lợi người tiêu dùng cần được bảo vệ
Cùng sử dụng dịch vụ của nhà mạng Viettel, chị Nguyễn Xuân Mai (Hà Tĩnh) thắc mắc, lúc điện thoại hết tiền, cần cuộc gọi quan trọng, việc cho sử dụng dịch vụ ứng tiền trước là tạo điều kiện cho khách hàng, nhưng phí dịch vụ của nhà mạng lại không đồng đều. Khi tài khoản còn dưới 1.000 đồng, chị Mai nhận được cùng lúc 2 tin nhắn của nhà mạng. Ngay sau khi nhận được tin nhắn: “Tài khoản của quý khách sắp hết. Để không bị gián đoạn liên lạc, soạn UT gửi 9118 để được vay từ 5.000-50.000 đồng vào tài khoản chính. Phí dịch vụ 10%” từ tổng đài 9118, chị lại nhận được thêm tin nhắn từ tổng đài này: “Tài khoản của quý khách sắp hết. Soạn UT gửi 9118 để xác nhận vay ngay 5.000 đồng vào tài khoản, phí lúc đưa ra 2 mức phí khác nhau. Một người bạn của chị Mai mách nước, cũng sử dụng dịch vụ ứng tiền trước của Viettel nhưng với cú pháp *911# thì sẽ ứng được 5.000 đồng với phí dịch vụ chỉ 500 đồng.
Để đảm bảo an toàn đối với khoản tiền cho khách hàng vay, điều kiện đưa ra của các nhà mạng là số điện thoại hoạt động trên 18 tháng mới được sử dụng dịch vụ ứng tiền. Có thể hiểu, chủ thuê bao khi đã sử dụng số điện thoại trên 18 tháng thì việc thay đổi số là rất hiếm, do vậy việc đổi số chỉ vì “khoản nợ” 5.000 đồng lại càng khó xảy ra. Vì thế, nhà mạng khá an toàn khi cho khách hàng vay, nhưng dù là những khách hàng thân thiết nhưng họ vẫn bị bạc đãi bằng cách tận thu phí dịch vụ giá cao.
Theo nhiều khách hàng, đây là một hình thức cho vay và vay tiền giữa khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông với nhà mạng. Theo đó, nhà mạng sẽ cho khách hàng "nạp tiền chịu" để sử dụng dịch vụ và sẽ thanh toán cho nhà mạng khi nạp tiền vào lần tiếp sau. Hợp đồng được giao kết giữa các bên được xem là hợp đồng miệng, bằng chứng để chứng minh có sự giao kết giữa hai bên là tin nhắn sử dụng dịch vụ ứng trước của khách hàng. Đáng lưu ý ở đây là nhà mạng thay vì chăm sóc khách hàng bằng cách tạo điều kiện tốt nhất thì họ lại đòi chi phí quá cao. Ban đầu, khi khách hàng ứng tiền họ không hề quan tâm quá nhiều đến mức phí. Số tiền được ứng không quá cao, nhưng hàng nghìn người ứng tiền thì đây là một con số lớn. Cơ quan chức năng cần sớm can thiệp để bảo vệ quyền lợi người dùng.