THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 05:50

Khuyến nghị về đổi mới tài chính trong các trường đại học:

 

Việc trao quyền tự chủ tài chính cho các trường ĐH và thay đổi cách phân bổ ngân sách cho từng trường sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Ảnh: Minh Tùng.

 

Học phí cần tăng 2-3 lần

 Theo các chuyên gia của Nhóm Đối thoại giáo dục, các trường ĐH Việt Nam đang thiếu kinh phí một cách trầm trọng do GDP Việt Nam còn thấp nên đầu tư của Nhà nước không cao. Mức học phí mà các trường đặt ra đều ở dưới mức trần là 5,5-8 triệu đồng/sinh viên/năm học 2014-2015. Nếu chiếu theo mức học phí trung bình của các trường ĐH thuộc nhóm xếp hạng khá ở Mỹ, hay mức học phí của trường ĐH hàng đầu ở Trung Quốc, thì học phí của ĐH Việt Nam cần tăng lên khoảng 2-3 lần so với hiện tại. 

Việc giữ mức học phí thấp để người nghèo có thể học ĐH như hiện nay cũng được cho là cách tiếp cận sai và có thể dẫn đến bất bình đẳng. Học phí thấp làm cho các trường không có đủ nguồn thu để cấp học bổng cho sinh viên nghèo và đa số nguồn lực của trường phải dựa vào ngân sách nhà nước. Vì vậy, chỉ sinh viên từ gia đình khá giả mới đi học ĐH được và chi phí đào tạo các sinh viên này lại được Nhà nước bao cấp là chủ yếu.
Mặc dù vài năm gần đây, các trường ĐH đã được trao thêm nhiều quyền tự chủ nói chung và tự chủ trong tài chính nói riêng, nhưng vẫn chưa đủ mạnh và linh động để giúp các trường có khả năng tự điều chỉnh chính sách nhằm đáp ứng với yêu cầu phát triển và sự biến động nhanh chóng của thực tiễn quản lý. Ngay những trường được thí điểm có tự chủ về phần "thu" như ĐH Ngoại thương, ĐH Hà Nội vẫn bị hạn chế rất nhiều về phần "chi", ví dụ như quyền quyết định lương bổng cho giảng viên, cán bộ, quyền quyết định chi các hoạt động tái đầu tư, liên doanh, hợp tác, mua sắm tài sản, trang thiết bị…


Cơ chế thị trường là động lực để nâng cao chất lượng
Từ những phân tích trên, nghiên cứu của Nhóm Đối thoại giáo dục khuyến nghị việc cải cách tài chính các trường ĐH Việt Nam cần tập trung vào 3 lĩnh vực ưu tiên. Đó là tăng đầu tư toàn xã hội, bao gồm cả tài trợ từ ngân sách lẫn đóng góp của xã hội; tự chủ tài chính cho các trường ĐH và thay đổi cách phân bổ ngân sách cho từng trường. Tuy nhiên, việc tăng tự chủ không có nghĩa là Nhà nước giảm hỗ trợ cho GDĐH. Tăng tự chủ là một phương thức giúp Nhà nước phân bổ ngân sách hỗ trợ cho ĐH một cách hiệu quả hơn thay vì cào bằng.
Cơ chế thị trường cần được coi là động lực mạnh mẽ nhất để nâng cao chất lượng GDĐH, huy động nguồn thu và sử dụng nguồn lực hiệu quả. Các trường tự chủ có điều kiện cạnh tranh với nhau về chất lượng giáo dục, mức học phí và số lượng tuyển sinh, qua đó, phục vụ xã hội tốt hơn. Song song với sự tự chủ của các trường, Chính phủ sẽ đóng vai trò điều chỉnh những khiếm khuyết của cơ chế thị trường như: Chỉ người giàu mới đủ tiền đi học; thiếu thông tin về chất lượng của các trường để người học lựa chọn, các trường chỉ tập trung đào tạo theo nhu cầu thị trường mà xem nhẹ những ngành có lợi ích lâu dài cho xã hội.
Trong nghiên cứu gửi tới Bộ GD-ĐT, các chuyên gia đã đề xuất một mô hình dài hạn. Theo đó, các trường được toàn quyền quyết định các vấn đề như số lượng tuyển sinh, mức học phí, chương trình và chất lượng đào tạo, chi tiêu từ lương đến các khoản chi và đầu tư khác ở mức thị trường, tiền hỗ trợ từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ. Trong đó có quy định từng trường phải trích một phần nhất định từ doanh thu làm học bổng cho sinh viên nghèo và giỏi. Hỗ trợ của Nhà nước cần được chia theo 3 kênh chính: Hỗ trợ trực tiếp cho từng trường, hỗ trợ thông qua học bổng và tín dụng sinh viên và thông qua tài trợ nghiên cứu khoa học. Riêng với tín dụng sinh viên, theo các chuyên gia, cần xây dựng một chương trình tín dụng mới hiệu quả hơn thay thế cho Chương trình tín dụng 157 hiện nay, trong đó quy định nhiều định mức cho vay tương ứng với từng loại sinh viên thay vì một định mức chung. Mức cho vay cũng căn cứ trên đánh giá năng lực tài chính của sinh viên và kết quả học tập. Có thể áp dụng quy định chỉ cho sinh viên học tại các chương trình đã được kiểm định đăng ký vay học phí nhằm khuyến khích các trường tham gia kiểm định chất lượng.
Để tránh những thay đổi quá đột ngột, trong thời gian đầu, Chính phủ có thể vẫn khống chế mức học phí trần (ví dụ mỗi năm học phí được tăng tối đa 25%), đồng thời cho phép mức trần này tăng dần theo từng năm. Để điều tiết linh hoạt và phù hợp với tình hình kinh tế, mức trần ngắn hạn có thể gắn với GDP đầu người. Đặc biệt, các chuyên gia cũng nhấn mạnh lộ trình tăng học phí nhất thiết phải được song hành với yêu cầu tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình của các trường ĐH, vì chỉ như vậy thì Nhà nước, sinh viên, xã hội mới có điều kiện giám sát và bảo đảm nguồn tài chính tăng thêm được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.

theo hanoimoi.com.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh