Nỗi niềm người trồng quất Tết ở Nhật Tân
- Huyệt vị
- 04:00 - 27/12/2020
Chăm quất như chăm con mọn
Về vườn quất Nhật Tân một chiều cuối năm, dưới tia nắng hanh hao của mùa đông, không khí Tết như đang tràn ngập nơi đây với những bận rộn của việc cắt tỉa cành, đưa cây vào chậu, vào bình, những cây quất xum xuê quả đang dần đổi sang màu vàng, chuẩn bị khoe sắc khi Tết đến xuân về.
Bước chân vào vườn quất rộng mênh mông với đủ các bình quất lớn, nhỏ của cụ Chính, 87 tuổi, ở Tây Hồ, khi cụ cặm cụi nhổ từng khóm cỏ cho quất, rồi lại tỉ mẩn vạch lá bắt sâu. Như đoán được ý tôi, cụ chậm rãi: "Trồng quất cũng như trồng đào, phải vất vả chăm sóc quanh năm, từ những ngày đầu ươm cây, rồi tạo thế. Vất lắm, chăm quất như chăm con mọn ấy. Cả năm trông cây, giờ đến ngày hái quả nên càng phải để ý đến cây nhiều hơn".
Cụ Chính cho biết, gia đình cụ có thâm niên trồng quất cảnh ngót nghét hai mươi năm. Ngoài chuyện kinh tế, nghề trồng quất còn là thú vui, niềm say mê với cụ. Trước kia, gia đình cụ chủ yếu trồng quất khóm, quất chậu nhưng khoảng chục năm trở lại đây theo nhu cầu ngày càng cao của người dân nên gia đình cụ trồng quất vào bình gốm. "Để có được bình quất cảnh có thế đẹp, bắt mắt người tiêu dùng, ngoài kỹ thuật chăm sóc, người trồng phải có mắt thẩm mỹ để tạo dáng cho cây. Giờ chủ yếu trồng quất vào bình nên khó hơn trồng ở chậu, do vậy càng đòi hỏi phải có kỹ thuật và chăm sóc rất công phu. Từ khi cho đất vào bình, đến khi quất bén rễ, phát triển phải tỉa bớt cành lộc, quả non. Khoảng tháng 5, 6 âm lịch bắt đầu công đoạn gò cành, tạo dáng… đều phải làm rất cẩn thận, tỉ mẩn. Ngoài ra còn phải cho cây… "uống thuốc" để phòng, tránh bệnh. "Chăm quất như chăm con mọn" là thế", cụ Chính chia sẻ.
Hướng mắt ra phía vườn quất mênh mông hơn 1.000 m2 đất với hơn 1.000 cây quất, trong đó khoảng 100 gốc trồng chậu, còn lại trồng vào bình gốm với đủ kích thước, cụ Chính nói, khách đặt mua quất chủ yếu ở Hà Nội, Thanh Hóa, Hà Nam đến tận vườn mua buôn với số lượng lớn, bán lẻ rất ít. Hầu như năm nào vườn quất của cụ Chính cũng đắt hàng, nhưng năm nay do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên thời điểm này lượng khách đến đặt mua so với mọi năm chậm, chiếm khoảng 10 - 15%.
Cụ Chính chia sẻ: Chăm quất như chăm con mọn. Để có được bình quất cảnh có thế đẹp, bắt mắt người tiêu dùng, ngoài kỹ thuật chăm sóc, người trồng phải có mắt thẩm mỹ để tạo dáng cho cây.
Rời vườn quất nhà cụ Chính, tôi bị cuốn hút bởi những cây quất trĩu quả được trồng trong những chiếc bình có hình dáng là những chú trâu ngộ nghĩnh của nhà vườn Chung Ý cách đó không xa. Đang là giờ "tắm mát" cho quất nên vừa tranh thủ tưới tắm, chị Ý vừa nói: Chắc em cũng thích ngắm những chú… trâu quất đó à? 2021 là năm Tân Sửu nên ngay từ đầu năm anh chị đã đặt một số chậu sứ hình con trâu về trồng. Vì giá thành cao, hơn nữa lượng đất cho vào trâu để trồng được rất ít, sợ không đủ dinh dưỡng nuôi quất nên chỉ dám đặt vài chục con trâu loại nhỏ. Như đoán được ý tôi muốn hỏi, chị Ý cho biết: Mọi năm, thời điểm này có thể định giá được cho mỗi bình quất, nhưng năm nay mọi thứ đều "án binh" vì đại dịch Covid-19". Do vậy phải xem lượng khách đến đặt hàng nhiều hay ít, khi ấy các nhà vườn mới tùy cơ ứng biến để ra giá. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa cũng cố co kéo để đủ tiền cây giống, bình gốm và phân bón. "Ví như chú trâu trông nhỏ này nhưng cũng phải tiền triệu trở lên", chị Ý quả quyết.
Theo chị Ý, nhìn chung năm nay quất của các nhà vườn đều đẹp, cũng có một số cây bị hỏng nhưng không đáng kể. Thời điểm này quất đang bắt đầu chuyển màu, đến Tết trưng là vừa và rất đẹp, nhưng với điều kiện phải chăm sóc tốt và tưới đủ nước, vì thời tiết hanh khô, lơ là một chút là uổng cả năm chăm sóc.
Trong chốc lát, cả vườn quất với hơn 1.000 cây của chị Ý đã ướt đẫm nước như vừa có trận mưa rào, những tán quất khẽ đung đưa theo làn gió, những quả quất tròn căng như cố níu lại những giọt nước mát. Chị Ý vội thu dọn đồ đạc vào trong lán rồi đôi tay lại thoăn thoắt nâng niu, uốn nắn từng cành quất lòa xòa nơi mặt đất.
Nhiều nhà vườn cho biết, thời tiết hanh khô nên thường xuyên tưới nước, giữ ẩm cho quất.
Trồng quất cũng như đánh bạc
Bóng chiều đang dần về, trời lạnh hơn, nhưng tại nhà vườn của anh Sản vẫn lách cách tiếng cắt tỉa cành khiến tôi dừng bước. Trước mặt tôi là ông chủ vườn quất với dáng người nhỏ nhắn nhưng rất nhanh nhẹn, tay luôn cầm chiếc kéo với cuộn dây thép vòng qua vai, chỉ tay về phía những bình quất đầy quả và lộc non, anh Sản hài hước: Thời điểm này anh rất bận, cao điểm phải thuê tới 30 người để… trang điểm cho "con gái về nhà chồng", kẻo xấu lại bị mẹ chồng "cá trê" sẽ tủi thân lắm!
Anh Sản cho biết, tạm biệt quê chè Thái Nguyên, gia đình về Thủ đô lập nghiệp và vui buồn cùng với vườn quất Nhật Tân hơn 10 năm. Đến nay khu vườn của anh xấp xỉ 2.000 m2 đất, mỗi vụ anh trồng hơn 1.000 gốc quất, trong đó hơn 100 gốc trồng trong chậu với độ cao gần 2m. Khách mua quất chủ yếu là khách quen ở Hà Nội, Thanh Hóa, Hải Phòng và chở cả vào miền Nam, quất trồng vào bình nên việc vận chuyển đi xa cũng thuận tiện.
"Thời điểm hiện tại chỉ khoảng 20% lượng khách đến tham quan và chủ yếu là khách quen nên chưa đặt tiền trước. Giá cả rất khó nói vì còn phụ thuộc vào dân chơi. Trồng quất cảnh cũng như đánh bạc, hơn nữa năm nay đại dịch Covid-19 bùng phát, khó khăn chung nên gia đình đã xác định chủ và khách cùng thương lượng, mỗi bên chịu thiệt một chút. Mình làm ăn lâu dài nên luôn lấy chữ tín làm đầu", anh Sản chia sẻ.
Những sợi dây thép mảnh được anh Sản dùng để tạo dáng cho quất.
Trời xâm xẩm tối, cái lạnh mỗi lúc một sâu hơn, nhưng anh Sản vẫn thoăn thoắt cắt dây nhựa buộc từ trước trên tán quất, thay vào đó là những sợi dây thép mảnh để tạo dáng cho quất, đồng thời với những cành quất nhỏ và quả xấu đều được anh tỉa bớt. "Công việc tỉ mẩn lắm, nếu không có tình yêu với cây cảnh thì khó lòng có được những tác phẩm để chiều lòng "thượng đế", anh Sản nói.
Những khóm quất được trồng ở đất nhưng với số lượng rất ít.
Chia tay người trồng quất khi phố đã lên đèn, mang theo nỗi niềm của người làng hoa Nhật Tân về một năm đầy biến động bởi dịch bệnh Covid-19, tâm tư của họ cũng là nỗi lòng của người lao động khi bị ngừng việc vì đại dịch trong năm 2020.
Nhiều chủ vườn cho biết, giá cả của mỗi bình quất năm nay còn phụ thuộc vào số lượng khách đến đặt mua.
video-1608974337