CHỦ NHẬT, NGÀY 03 THÁNG 11 NĂM 2024 12:18

Nỗi lo trẻ em ở những khu nhà trọ bị xâm hại

Trẻ em sống ở những khu trọ chật chội, đông đúc phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Ảnh minh họa

Trẻ em sống ở những khu trọ chật chội, đông đúc phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Ảnh minh họa

Trẻ em đối mặt với nguy cơ bị bạo lực và xâm hại

Cùng với sự phát triển của các khu công nghiệp, khu chế xuất đã kéo theo sự gia tăng về số lượng, qui mô các khu nhà trọ cho công nhân, người nhập cư thu nhập thấp, đồng thời cũng làm gia tăng nguy cơ trẻ em ở những khu nhà trọ bị xâm hại.

Chị Thu Trang là công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) tâm sự: Do hai vợ chồng đều ở tỉnh xa đến đây làm việc nên phải thuê nhà trong một khu trọ đông đúc. Mỗi khi cả hai vợ chồng cùng phải tăng ca đêm, anh chị không có lựa chọn nào khác là để các con (1 bé gái 10 tuổi và 1 bé trai 7 tuổi) tự trông nhau. Ðể các con ở nhà mà bố mẹ đi làm cứ thấp thỏm, lo lắng đủ thứ: lo trộm cắp, lo tai nạn thương tích, đặc biệt lo các con bị xâm hại, bởi khu trọ rất đông đúc, đối tượng ở trọ phức tạp. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát, ít việc làm nên đám thanh niên trong khu trọ suốt ngày tụ tập, vì vậy vợ chồng chị Trang rất lo lắng cho sự an toàn của các con. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tính toán, cuối cùng anh chị đã quyết định gửi các con về quê ở với ông bà ngoại, hàng tháng tranh thủ ngày nghỉ hoặc đổi được ca thì bố mẹ về thăm.  

Nguy cơ trẻ em bị xâm hại, bạo lực đang là một thực trạng đáng lo ngại ở các vùng có mật độ cao khu công nghiệp và phần lớn các em là con các gia đình nhập cư, công nhân lao động. Vì điều kiện mưu sinh, không ít người lao động trong các khu công nghiệp khi đi làm, tăng ca phải thường xuyên để con một mình trong những căn nhà không an toàn tại các khu trọ. Sự tạm bợ của chỗ ở và xao nhãng của chính bố mẹ đã dẫn tới việc các em nhỏ đối mặt với nguy cơ bị bạo lực và xâm hại. Ở một số địa phương, đã có nhiều vụ trẻ em bị xâm hại là con em người nhập cư và địa điểm xảy ra là trong nhà trọ.

Ðối với trẻ em ở các khu phòng trọ, hoàn cảnh kinh tế gia đình thường khó khăn, cha mẹ lo việc mưu sinh nên thường không quan tâm đến giáo dục giới tính cho con trẻ. Thậm chí, một số cha mẹ còn chủ quan, vô tư gửi con nhờ hàng xóm trông nom, để con tự do vào chơi các phòng trong khu trọ mà không kiểm soát; hoặc một số cha mẹ cho rằng, để con chơi với người già, chơi với người cùng giới, người quen sẽ an toàn… Có thể nói, những chủ quan này là điều kiện thuận lợi để kẻ xấu thực hiện hành vi xâm hại trẻ em.

Thêm nữa, đặc điểm chung của các khu phòng trọ là chủ nhà thường tận dụng tối đa diện tích để xây phòng cho thuê, dẫn tới điều kiện sinh hoạt nghèo nàn, chật chội, thiếu chỗ chơi cho trẻ em. Không gian hạn chế, bí bách, điều kiện kinh tế khó khăn, trẻ em lại thường tò mò, hiếu động nên một số trẻ dễ bị kẻ xấu dụ dỗ, thậm chí mua chuộc để thực hiện hành vi xâm hại.

Quy tắc 5 ngón tay

Cần trang bị cho trẻ kỹ năng tự bảo vệ

Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều vụ việc xâm hại tình dục trẻ em ở các khu nhà trọ gần các khu công nghiệp, khu chế xuất có tính chất khá phức tạp. Nạn nhân bị xâm hại phần lớn là đối tượng trẻ em tạm trú. Ða số trẻ em sống ở các khu trọ điều kiện sống thường không đảm bảo, có nhiều nguy cơ bị xâm hại.

Ðể đẩy lùi nạn xâm hại tình dục trẻ em ở các khu nhà trọ cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, nhà trường, các chủ trọ, người dân sống xung quanh và đặc biệt là vai trò của cha mẹ các em.

Ðối với chính quyền địa phương, khi phê duyệt giấy phép xây dựng cần phải tính toán bảo đảm khu vực vui chơi, giải trí cho trẻ em. Cần bắt buộc các chủ khu trọ đưa nội dung phòng chống xâm hại tình dục trẻ em vào nội qui của khu phòng trọ.

Với các nhà trường ở khu vực có đông học sinh là con công nhân, người lao động thuê trọ, cần đẩy mạnh trang bị kỹ năng sống cho học sinh, đặc biệt là kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Các thầy cô giáo cần quan tâm đến đời sống, tâm tư, biểu hiện của học sinh để phát hiện những bất thường, từ đó kịp thời có phương án can thiệp, giúp đỡ các em.

Chủ nhà trọ cần phải có trách nhiệm quản lý chặt chẽ người đến thuê ở trọ. Nên trang bị camera an ninh ở khu nhà trọ để phòng chống các tệ nạn xã hội, trong đó có xâm hại trẻ em. Ðồng thời, nghiên cứu xây dựng nội qui khu nhà trọ của mình  có nội dung ứng xử, giao tiếp trong khu trọ, đặc biệt với trẻ em.

Những người dân ở khu phòng trọ cần quan tâm, phát hiện, lên án, tố cáo hành vi xâm hại tình dục của kẻ xâm hại ở khu nhà trọ, kịp thời báo với các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm hành vi xâm hại trẻ em.

Ngoài trách nhiệm của cơ quan chức năng và nhà trường thì vai trò của cha mẹ trong phòng chống xâm hại trẻ em đặc biệt quan trọng. Khi gia đình tạm trú trong các khu trọ, cha mẹ cần thường xuyên quan tâm, quản lý chặt chẽ con em mình. Cha mẹ cần dạy cho trẻ những kiến thức cơ bản về giới tính, cách nhận diện các tình huống nguy hiểm, kỹ năng thoát thân, kỹ năng tự bảo vệ mình. Nếu cha mẹ giáo dục cho trẻ những kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục cơ bản ngay từ khi còn nhỏ sẽ giúp trẻ tránh được nguy cơ xâm hại tình dục. Trẻ cần nhận biết được những bộ phận trên cơ thể mà người khác, kể cả cha mẹ cũng không được chạm vào (trừ lúc tắm cho con), không đi với người khác kể cả cùng giới hay khác giới, già hay trẻ, quen hay lạ khi không được cha mẹ cho phép…

Ðặc biệt, khi phát hiện con bị xâm hại, cha mẹ không nên im lặng mà cần mạnh dạn trình báo ngay với các cơ quan chức năng ở địa phương hoặc tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em số 111 và đưa trẻ đến các địa chỉ tin cậy để trẻ được tư vấn, bảo vệ khẩn cấp và trị liệu tâm lý. Việc gia đình hợp tác, tố cáo sớm sẽ giúp các cơ quan chức năng có biện pháp điều tra, xác minh, thu thập đầy đủ chứng cứ để xử lý tội phạm, từ đó ngăn chặn kẻ phạm tội tiếp tục thực hiện hành vi trong cộng đồng.

Hương Giang

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
UNICEF đánh giá cao về hướng dẫn ưu tiên chăm sóc trẻ em mồ côi do Covid-19 của Việt Nam

UNICEF đánh giá cao về hướng dẫn ưu tiên chăm sóc trẻ em mồ côi do Covid-19 của Việt Nam

Ngày 26-9, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam đã ra thông cáo báo chí cho biết bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam bày tỏ sự đánh giá cao trước việc mới...
3 năm trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh