CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:17

Những vòng tay xoa dịu nỗi đau da cam…

Xem nạn nhân như con, như người thân trong gia đình

Công tác tại Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, lại phụ trách công việc trực tiếp chăm sóc các đối tượng ở đây, anh Toàn thuộc từng tên, tuổi, hoàn cảnh, bệnh án, sở thích... của từng người. "Có những nạn nhân của chất độc da cam là thế hệ thứ 2, có người là thế hệ thứ 3. Nhìn họ đau đớn, lòng mình quặn thắt. Chỉ có tình thương mới có thể xoa dịu phần nào nỗi đau mà những nạn nhân, những người thân của họ phải gánh chịu", anh Toàn nói.

Những vòng tay xoa dịu nỗi đau da cam… - Ảnh 1.

Chị Lê Bích Liên khám cho các bệnh nhân.

Có bệnh nhân không thể tự ăn cơm, có bệnh nhân không phục vụ được bản thân. Thậm chí, có người nằm co quắp một chỗ, mọi sinh hoạt đều gói gọn trên chiếc giường. Anh Toàn bảo: "Nếu làm việc chỉ ở mức hết trách nhiệm thôi chưa đủ và không thể gắn bó được với công việc. Ở đây, chúng tôi luôn coi những bệnh nhân đang được chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị tại Trung tâm như con, như người thân trong gia đình. Họ là nạn nhân của chất độc da cam, cuộc sống của họ vốn đã chịu nhiều thiệt thòi, nhiều tổn thương nên rất cần chúng ta bù đắp".

11 giờ trưa, anh Toàn thoăn thoắt vừa chia cơm cho một số người có thể tự xúc cơm, rồi lại tiếp tục chia phần cơm và thức ăn để đồng nghiệp kịp bón cho những người không thể tự phục vụ. Lấy đủ phần cơm, rồi anh xúc từng thìa bón cho các đối tượng. Thậm chí, hàng ngày anh còn hỗ trợ các đối tượng nam tắm gội, vệ sinh cơ thể. Công việc hàng ngày cứ thế cuốn đi. Những hôm trái gió trở trời, nhiều người lên cơn đau, anh cùng đồng nghiệp tận tình chăm sóc… "Chứng kiến những lúc trái gió trở trời, những cơn đau hành hạ bệnh nhân, không ai có thể cầm lòng. Chúng tôi luôn cố gắng hết sức để giúp họ xoa dịu những cơn đau…", anh Toàn chia sẻ.

Chị Đào Thị Thủy (Phòng Nuôi dưỡng và phục hồi chức năng) luôn tận tụy với công việc của mình. Hết giờ tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân, chị lại tất bật cùng các đồng nghiệp chuẩn bị bữa ăn cho họ. Đối với những bệnh nhân nặng, chị bón từng thìa cơm, thìa cháo. Có những bệnh nhân đặc biệt nặng, các chị phải thay tã, tắm rửa thường xuyên. Chị Thủy cho biết: "Chăm sóc những nạn nhân chất độc da cam là trách nhiệm của toàn xã hội, chúng tôi luôn cố gắng làm việc trách nhiệm và tình thương. Mỗi người đến Trung tâm đều có hoàn cảnh khác nhau, di chứng khác nhau nhưng tất cả đều đáng thương và cần sự quan tâm, chăm sóc và sẻ chia".

Những vòng tay xoa dịu nỗi đau da cam… - Ảnh 2.

Chị Đào Thị Thủy bón từng thìa cơm cho các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam đang được chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị tại Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin Hà Nội.

Chuyên môn thôi chưa đủ mà cần sự tâm huyết với nghề

Ông Trần Đăng Khoa, Giám đốc Trung tâm cho biết: Trung tâm Chăm sóc nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội có chức năng chăm sóc nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng và tẩy độc cho cựu chiến binh và con của cựu chiến binh do bị hậu quả bị nhiễm chất độc da cam/dioxin trong cuộc chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam hiện gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Hiện Trung tâm đang quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị cho 92 nạn nhân, trong đó 7 nạn nhân bị liệt toàn thân, 9 nạn nhân liệt chân, 3 nạn nhân liệt cả chân và tay, 55 nạn nhân không tự phục vụ được; đặc biệt có 69/92 là nạn nhân tâm thần, không thể làm chủ được bản thân, luôn có những hành vi bất thường, như: Hoang tưởng, tăng động mạch, đi lại tự do, có nguy cơ gây nguy hại cho bản thân và những người xung quanh.

Có những trường hợp đặc biệt, Trung tâm phải dùng biện pháp khống chế (bằng dây cố định) tại giường hoặc trong không gian nhất định. Trung tâm duy trì công tác kiểm tra, lập hồ sơ bệnh án, đánh giá tình trạng sức khỏe, bệnh tật, khuyết tật của nạn nhân, từ đó làm cơ sở cho việc theo dõi, điều trị nạn nhân lâu dài. Trung tâm chủ động phối hợp với Bệnh viên Đa khoa Sơn Tây, Bệnh viện 105, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội trong việc khám, chuyển tuyến, khám sàng lọc, cấp phát thuốc cho từng nạn nhân.

Những vòng tay xoa dịu nỗi đau da cam… - Ảnh 3.

Hướng dẫn các nạn nhân đang được nuôi dưỡng và chăm sóc Trung tâm vệ sinh cá nhân để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Hai vợ chồng chị Lê Bích Liên (Phòng Y tế) đều gắn bó với công tác chăm sóc người có công với cách mạng. Chồng chị Liên là bác sĩ công tác tại một trung tâm nuôi dưỡng và chăm sóc người có công ở Hà Nội. Còn chị Liên công tác tại Phòng Y tế đã mười mấy năm. Chị bảo: "Cùng công tác ngành y lại chăm sóc cho những bệnh nhân đặc biệt nên hai vợ chồng hiểu đặc thù công việc và luôn giúp đỡ, chia sẻ cùng nhau. Chúng tôi hiểu rằng, đối tượng được chăm sóc rất đặc biệt, do đó nếu chỉ chuyên môn chưa đủ, mà cần cả lòng nhiệt huyết và tình thương".

Chị Liên cho biết, chăm sóc và thăm khám cho người bệnh ở đây không giống với các bệnh nhân bình thường trong các bệnh viên. Rất nhiều người liệt nằm một chỗ, không thể giao tiếp. Có những khi khám bệnh phải dựa vào bệnh án để suy đoán. "Chăm sóc những người yếu thế bên cạnh trình độ chuyên môn thì cần nhất là lòng nhiệt huyết, tận tâm với nghề. Với bệnh nhân chỉ bị những di chứng vận động vẫn có thể giao tiếp, khi có thời gian rỗi, tôi lại chuyện trò cùng để họ vơi đi nỗi cô đơn. Dù tận tụy đến mấy mình vẫn chưa đền đáp hết những đóng góp, hy sinh, mất mát của gia đình họ để đất nước có được nền hòa bình như ngày hôm nay", chị Liên nói.

Những vòng tay xoa dịu nỗi đau da cam… - Ảnh 4.

Các nạn nhân chất độc da cam tranh thủ sưởi nắng.

Trong số những người được chăm, sóc nuôi dưỡng tại Trung tâm có nhiều hoàn cảnh rất đáng thương. Đó là trường hợp của Nguyễn Bá Kiên quê  Hoài Đức (Hà Nội). Gia đình Kiên có 6 chị em, Kiên là út, trong đó 3 người bị nhiễm chất độc hóa học (Kiên và 1 chị gái đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm). Bố của em không may mất sớm, mẹ lại bị mất trí nhớ và liệt nằm một chỗ. Kiên và chị gái được gia đình gửi vào Trung tâm Bảo trợ xã hội II Hà Nội từ năm 2014. Năm 2019, gia đình xin chuyển 2 chị em lên Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam. Chị Liên cho biết, Kiên đi lại được nhưng không nghe, không nói được lại bị tâm thần phân liệt, không làm chủ được hành vi. Đôi khi em lên cơn co giật, hoặc tăng động có nguy cơ gây sát thương cho những người xung quanh. Vì thế, nhân viên của Trung tâm phải thường xuyên giám sát em.

Hay trường hợp của Ngô Thị Thường ở Mê Linh (Hà Nội) bị liệt, nằm một chỗ, không có khả năng tự phục vụ bản thân, hoàn cảnh gia đình lại hết sức khó khăn. Thường là con lớn trong gia đình có 3 chị em. Mẹ của Thường đã mất, 2 em trai đã lập gia đình ở riêng, Thường sống cùng bố đã già yếu. Vì thế, khi Thường vào Trung tâm, các nhân viên phải hỗ trợ từ vệ sinh đến tắm giặt.

Một trường hợp khác cũng rất đáng thương là Nguyễn Thị Hiền, ở huyện Ba Vì (Hà Nội). Gia đình Hiền có 4 chị em và Hiền là con thứ 2, trong đó 3/4 người bị nhiễm chất độc da cam. Bố mất sớm, 1 chị gái đã lập gia đình và sống ở miền Nam; mẹ tuổi đã cao, hiện đang sống cùng bà nội đã 105 tuổi và em gái nạn của Hiền cũng bị nhiễm chất độc hóa học, em trai của Hiền bị nhiễm chất độc hóa học và đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm. Hiền đi lại được; nhưng bị tâm thần, nói nhảm, chửi bới người xung quanh, không biết tự chăm sóc, phục vụ bản thân.

Những vòng tay xoa dịu nỗi đau da cam… - Ảnh 5.

Chăm sóc các nạn nhân nặng nằm liệt giường.

Những nạn nhân chất độc da cam vẫn đang phải ngày đêm gánh chịu nỗi đau. Và chỉ có tình yêu thương mới có thể giúp họ vơi đi phần nào những đau đớn đang phải gánh chịu. Ngay trong đợt cách ly xã hội để phòng chống Covid-19 hồi tháng 4 vừa qua, cán bộ, nhân viên của Trung tâm đã tình nguyện ở lại Trung tâm 15 ngày để đảm bảo an toàn cho các nạn nhân.

Bởi theo chị Liên, hầu hết các đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị tại Trung tâm có bệnh lý nền nên rất cần được bảo vệ nghiêm ngặt để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Khi có chủ trương phân công kíp trực 15 ngày, chị là một trong những người tình nguyện xung phong đầu tiên. "Các bệnh nhân của chúng tôi không thể thiếu nhân viên y tế. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, chúng tôi càng cần phải kề vai sát cánh đồng hành cùng bệnh nhân để làm tấm lá chắn kiên quyết bảo vệ không để dịch bệnh có cơ hội lây nhiễm vào Trung tâm", chị Liên chia sẻ.

Ông Trần Đăng Khoa cho biết, Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin có chức năng tổ chức tiếp nhận, nuôi dưỡng thường xuyên, chăm sóc giáo dục, dạy chữ, dạy nghề, điều trị, phục hồi chức năng có thời hạn, tạo điều kiện hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tổ chức thường xuyên và liên tục các đợt tẩy độc cho nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin trên địa bàn thành phố Hà Nội. Kết hợp với tẩy độc, tổ chức phục hồi chức năng, hướng nghiệp dạy nghề (cho người có điều kiện và khả năng lao động), hoạt động văn hóa, thể dục thể thao nhằm nâng cao sức khỏe và ổn định tinh thần cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tư vấn và tập huấn cho gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin về phương pháp chăm sóc, trợ giúp, hỗ trợ.

Với anh Toàn: "Các bệnh nhân được chăm sóc ở Trung tâm rất đặc biệt. Họ cần được bảo vệ, chăm sóc đặc biệt hơn với người bình thường. Vì thế, khi cả nước chung tay chống dịch Covid-19, việc bảo vệ những đối tượng yếu thế càng cần được ưu tiên đặt lên hàng đầu. Tôi tình nguyện ở lại Trung tâm chăm sóc bệnh nhân để đảm bảo an toàn tuyệt đối".

Chiến tranh đã lùi xa, thế hệ hôm nay được sống trong hòa bình nhưng không được phép quên những hy sinh, mất mát của các thế hệ cha ông để đổi lấy nền độc lập của ngày hôm nay. Nạn nhân chất độc da cam là những nhân chứng sống về sự tàn khốc của chiến tranh. Việc chăm sóc, sẻ chia với họ cũng là cách thể hiện sự biết ơn đối với những hy sinh của các thế hệ cha ông.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh