Những thuận lợi và khó khăn trong phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em hiện nay
- Xe máy
- 20:30 - 20/10/2021
Theo ông Đặng Hoa Nam, công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em hiện nay đang có thuận lợi cơ bản là: Việc triển khai quy định pháp luật và các chương trình, kế hoạch về phòng, chống tai nạn, thương tích ở giai đoạn 2016- 2020 đã có kết quả nhất định. Tình hình tai nạn, thương tích nói chung ở trẻ em đang trên đà giảm. Ví dụ: so với 5 năm trước, mỗi năm trong giai đoạn 2016- 2020, trung bình nước ta giảm được khoảng 100 trường hợp trẻ em bị tử vong do đuối nước.
Chúng ta đã đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm, giải pháp, mô hình về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em từ Chương trình của giai đoạn 2016- 2020 cũng như một số dự án viện trợ quốc tế về phòng, chống tai nạn giao thông, tai nạn đuối nước ở trẻ em. Nổi bật là công tác phòng, chống đuối nước trẻ em đã được triển khai trên toàn quốc với sự tham gia phối hợp của các cấp, các ngành. Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Bộ VHTTDL, Bộ GD&ĐT và các chuyên gia chuẩn hóa và ban hành bộ tài liệu kỹ năng an toàn trong môi trường nước và tài liệu dạy bơi cho trẻ em. Xây dựng mạng lưới hướng dẫn viên dạy bơi an toàn trong toàn quốc. Thí điểm và mở rộng mô hình dạy bơi và dạy kỹ năng an toàn cho trẻ em. Hàng năm, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các bộ, ngành triển khai chiến dịch truyền thông, giáo dục, vận động phòng, chống đuối nước trẻ em vào mùa hè.
Nhiều địa phương đã bố trí kinh phí, vận động cộng đồng đóng góp để xây dựng bể bơi hoặc lắp đặt bể bơi thông minh tại các trường tiểu học triển khai tập huấn kỹ năng cứu đuối và dạy bơi cho trẻ em, chủ động triển khai thí điểm chương trình dạy bơi. Một số địa phương thực hiện “phổ cập bơi” cho học sinh. Việc xây dựng môi trường an toàn, phòng, chống đuối nước cho trẻ em được thực hiện thường xuyên và mở rộng hơn, ví dụ như: Huy động nguồn lực và hỗ trợ của các tổ chức xã hội xây dựng cầu cho trẻ em qua sông đi học, làm hàng rào quanh ao, cắm biển báo tại nơi nguy hiểm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cấp phép các bến bãi, tàu thuyền vận chuyển khách qua sông, kiểm tra việc chấp hành các quy định về toàn giao thông đường thủy; kiểm tra và loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước tại cộng đồng…
Những kết quả phòng, chống đuối nước trẻ em có được cũng là kết quả của sự phối hợp ngày càng cụ thể, đồng bộ của các bộ, ngành, tổ chức trong nước; sự hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm và tài chính của các tổ chức Liên hợp quốc, tổ chức phi chính phủ và các quỹ từ thiện quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Từ thiện Bloomberg và Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAI) của Hoa Kỳ, Tổ chức Huế Help, dự án Swim for Life…
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn một số khó khăn, thách thức. Trong đó, khó khăn chủ yếu vẫn là nhận thức, kiến thức, kỹ năng phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em của xã hội, của từng cộng đồng dân cư nói chung, của mỗi gia đình, các bậc cha, mẹ nói riêng vẫn hạn chế và nhiều bất cập. Khó khăn thứ hai là việc lập kế hoạch, đầu tư, phân bổ nguồn lực cho phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt tai nạn đuối nước, chưa được các cấp chính quyền các địa phương quan tâm. Mặc dù so với nhiều lĩnh vực xã hội khác thì việc chi tiêu, phân bổ nguồn lực cho phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em không thực sự quá tốn kém, nhưng hiệu quả lại rõ rệt và có tác động kinh tế- xã hội lớn vì đây là việc cứu sinh mạng và bảo vệ sức khỏe cho trẻ em.
Ngày 19/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 1248/QĐ-TTg) với các mục tiêu: Kiểm soát, giảm thiểu tình hình tai nạn, thương tích trẻ em trên tất cả các loại hình tai nạn, thương tích, nhất là tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông nhằm bảo đảm tính mạng và sức khỏe của trẻ em, hạnh phúc của gia đình và xã hội. Trong đó, có một số tiêu chí đáng chú ý: Giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích năm 2025 xuống còn 16/100.000 trẻ em và 15/100.000 trẻ em vào năm 2030; Giảm 10% số trẻ em bị tử vong do đuối nước năm 2025 và 20% vào năm 2030; 90% trẻ em, cha, mẹ và người chăm sóc trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em năm 2025 và 95% vào năm 2030; 60% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước năm 2025 và 70% vào năm 2030; 50% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn năm 2025 và 60% vào năm 2030…
Để đạt được các mục tiêu cụ thể nêu trên, Chương trình cũng chỉ rõ các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện cụ thể. Theo ông Đặng Hoa Nam, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 đã bao hàm ý nghĩa một tầm nhìn chiến lược và yêu cầu giải quyết một vấn đề xã hội khá nóng cả trước mắt cũng như lâu dài, cả đồng bộ nhưng cũng cần có những giải pháp, mô hình mang tính đột phá. Chương trình mang tính quốc gia này nhằm làm cho những quy định pháp lý về phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em được thực hiện trong đời sống, thể hiện ở hai phương thức tiếp cận chính: Thứ nhất là thực hiện bằng kế hoạch, nguồn lực cụ thể hằng năm và thứ hai là thực hiện bằng trách nhiệm cụ thể của mỗi bộ, ngành, tổ chức, chính quyền địa phương.