Những quốc gia hạnh phúc nuôi dạy trẻ thế nào?
- Siêu xe
- 17:50 - 23/01/2023
Top 20 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm 2022 1. Phần Lan; 2. Đan Mạch; 3. Iceland; 4. Thụy Sĩ; 5. Hà Lan; 6. Luxembourg; 7. Thụy Điển; 8. Na Uy; 9. Israel; 10. New Zealand; 11. Áo; 12. Úc; 13. Ireland; 14. Đức; 15. Canada; 16. Mỹ; 17. Anh; 18. CH Czech; 19. Bỉ; 20. Pháp.
Không tạo áp lực học tập
Tại Phần Lan, trẻ em được vui chơi nhiều hơn để phát triển các kỹ năng xã hội và tính tự lập. 7 tuổi trẻ mới vào lớp 1 và chỉ học hơn 5 tiếng mỗi ngày, cũng không có bài tập về nhà. Học sinh Phần Lan chỉ có một kỳ thi bắt buộc sau khi kết thúc lớp 12. Học ít, nhưng thành tích của học sinh Phần Lan luôn ở mức cao và hệ thống giáo dục của Phần Lan cũng được đánh giá là tốt nhất thế giới.
Khuyến khích thể hiện bản thân
Tại Đan Mạch, trẻ em được hưởng một nền giáo dục vì trẻ em một cách vô điều kiện. Trẻ em luôn được khuyến khích làm những điều chúng yêu thích mà không bị cha mẹ phán xét. Nếu một cô bé thừa cân muốn tập múa hay một cậu bé khiếm thính muốn sáng tác nhạc, gia đình cũng không phản đối và giáo viên sẽ hỗ trợ hết mình để trẻ có cơ hội thể hiện năng lực bản thân. Hướng đến các giá trị về hạnh phúc Tại Hà Lan, trẻ em được nuôi dạy theo triết lý “Thành công chưa chắc đã hạnh phúc, nhưng hạnh phúc chắc chắn là thành công”. Do đó, việc nuôi dạy thường hướng đến các giá trị để trẻ có được niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống.
Không có hình phạt thân thể
Luôn đặt quyền và lợi ích của trẻ ở mức cao nhất, Thuỵ Điển là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa quy định cấm mọi hình phạt thể xác trẻ em thành luật ngay từ năm 1979. Đến nay, đã có 60 quốc gia chính thức áp dụng luật cấm này.
Không áp đặt về giới
Tại Na Uy, khi một đứa trẻ được sinh ra, cha mẹ sẽ không mua quần áo hay đồ chơi theo quan niệm như: màu hồng, búp bê là dành cho bé gái; màu xanh và robot là dành cho bé trai. Thay vào đó, họ sẽ chọn những thứ trung tính. Một số trường mẫu giáo cũng thể hiện sự trung lập giới tính nhằm giúp trẻ cảm thấy không bị phân biệt và nhận thức rõ hơn về giới tính của mình.
Trao quyền cho trẻ em
Trẻ em Mỹ luôn được chính phủ và người dân xem là “tài sản” quốc gia bất kể màu da, giới tính. Trẻ em ở Mỹ được giáo dục cách tự quyết định nhiều vấn đề liên quan đến bản thân và chịu trách nhiệm trước những quyết định này thay vì đỗ lỗi khi kết quả không được tốt. Trẻ cũng được dạy để tuân thủ những quy tắc cơ bản bao gồm phép lịch sự nơi công cộng và các quan hệ xã hội.
Biết khám phá và lịch thiệp
Tại Pháp, ngay từ nhỏ, trẻ em được dạy cách thưởng thức các món ăn và được đối xử như người lớn. Trẻ được tự do làm mọi việc trong khả năng để khám phá cuộc sống và bản thân. Người Pháp luôn đề cao việc dạy con về sự tinh tế và lịch thiệp. Việc chào hỏi gần như là một yêu cầu cơ bản và quan trọng đối với mỗi đứa trẻ nhằm khẳng định sự hiện diện của bản thân, tạo sự kết nối với cộng đồng.
Tự lập và thấu hiểu
Dù không nằm trong Top 20 bảng xếp hạng Những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, Nhật Bản vẫn được biết đến là quốc gia có hệ thống chăm sóc, giáo dục trẻ em tốt nhất châu Á với những phương pháp giáo dục đặc trưng như rèn luyện tính tự lập để tự do phát triển; thấu hiểu để hỗ trợ nhau hoàn thành mục tiêu chung. Nhật Bản cũng chính thức thông qua đạo luật cấm trừng phạt thân thể trẻ em dưới mọi hình thức nhằm hạn chế các hành vi ngược đãi trẻ em dưới danh nghĩa kỷ luật vào năm 2019.
Xây dựng tính cộng đồng
Nằm ở vị trí cuối bảng xếp hạng về chỉ số hạnh phúc, tuy nhiên một số quốc gia ở châu Phi và cả trung Phi vẫn được đánh giá cao về cách nuôi dạy trẻ theo hướng xây dựng trách nhiệm chung của cả cộng đồng. Việc các bà mẹ chia sẻ nguồn sữa và cùng chăm sóc cho con của người khác không phải chuyện lạ ở Congo và Kenya… Tinh thần chung này đã giúp cho trẻ em nơi đây có mối quan hệ gần gũi, tin cậy với cộng đồng xã hội. Mặc dù vẫn còn khoảng cách và sự khác biệt về quan điểm nuôi dạy con giữa các quốc gia… tuy nhiên, tất cả đều hướng đến mục tiêu chung là thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em theo chuẩn mực quốc tế; tạo dựng môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em phát triển.
Xếp thứ 77 trong bảng xếp hạng năm 2022 (tăng 7 bậc so với năm 2020), Việt Nam đã được quốc tế và Liên hiệp quốc ghi nhận những nỗ nực trong việc cải thiện điều kiện học tập, chăm sóc và bảo vệ trẻ em theo hướng toàn diện. Hệ thống chính sách, pháp luật của Việt Nam về trẻ em không ngừng được hoàn thiện, phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.