Những phép lịch sự tối thiểu cha mẹ nên dạy trẻ
- Gia đình
- 06:07 - 19/06/2023
Nói “cảm ơn” và “xin lỗi” đúng cách
Khi được ai đó giúp đỡ, trẻ cần biết trân trọng và nói lời “cảm ơn”. Khi trẻ làm phiền ai đó hoặc làm sai một điều gì đó, trẻ cần thành khẩn nói lời “xin lỗi” và cố gắng khắc phục hậu quả trong khả năng. Ðây không chỉ là phép lịch sự tối thiểu mà nó còn thể hiện trẻ là người có hiểu biết, biết tôn trọng người khác.
Không cắt ngang lời người khác
Rất nhiều trẻ em nói năng tùy tiện, chen vào lời người khác đang nói làm người nghe khó chịu. Trẻ cần học cách lắng nghe. Trong trường hợp không đồng tình với ý kiến của người nói, trẻ cần kiên nhẫn đợi người khác nói xong mới phản biện lại. Nếu trẻ biết lắng nghe người khác thì mọi người cũng sẽ lắng nghe con. Ðể hình thành thói quen tốt này ở trẻ, cha mẹ khi nói chuyện với trẻ cũng cần lắng nghe con. Không nên xem tivi hay lướt điện thoại khi trẻ nói chuyện với bạn, hạn chế ngắt lời con giữa chừng. Nếu trẻ trình bày quá dài dòng, cha mẹ có thể đề nghị được ngắt lời con và góp ý con nên nói một cách ngắn gọn, có trọng tâm để người nghe không cảm thấy sốt ruột.
Không chê bai người khác
Trẻ nhỏ thường nghĩ gì nói đấy, đôi khi chúng nói không sai nhưng điều đó có thể khiến người đối diện cảm thấy bị tổn thương hoặc tức giận. Do đó, cha mẹ cần nhắc nhở trẻ nghĩ kỹ trước khi nói, không nói năng tùy tiện, không bình phẩm, chê bai bất cứ ai. Chê một ai đó không làm cho bạn trở nên tốt hơn. Ðặc biệt, chê bai ai đó về ngoại hình là một hành vi vô cùng mất lịch sự, kém văn minh. Mang nhược điểm của người khác ra làm đề tài để bình phẩm là điều tối kỵ.
Dạy trẻ cách ăn uống lịch sự
Nhiều trẻ do được cha mẹ nuông chiều, đến bữa ngồi vào bàn ăn là ăn ngấu nghiến món mình thích, không quan tâm đến những người xung quanh. Dù là ở nhà hay đi ăn ở ngoài hàng, ăn cùng cha mẹ, người thân hay bạn bè, trẻ cần được dạy cách ăn uống lịch sự. Trước khi ăn, trẻ nên rửa tay sạch sẽ. Trẻ phải mời người lớn trước khi ăn. Không được bới thức ăn để tìm miếng ngon. Không tranh thức ăn với người khác. Thức ăn gắp vào bát của mình rồi mới đưa lên miệng. Không gắp quá nhiều thức ăn vào bát, ăn hết miếng này mới gắp tới miếng kia. Không há miệng khi nhai thức ăn. Không ho hay hắt xì vào mâm cơm. Không ngồi xổm hay quỳ khi ăn. Không vừa ăn vừa chạy nhảy, nô đùa. Trẻ ăn xong trước cần xin phép người lớn đứng dậy và mang bát đũa đã ăn để ra chậu rửa.
Gấp chăn màn khi ngủ dậy
Cha mẹ cần dạy trẻ, ngủ dậy phải gấp ngay chăn màn hoặc đánh răng, rửa mặt xong quay lại gấp. Ðây là một quy tắc trẻ buộc phải tuân thủ. Ngay từ nhỏ, nếu trẻ được rèn tính gọn gàng, ngăn nắp thì sau này khi trưởng thành, trẻ cũng dễ dàng hơn trong việc lên kế hoạch và sắp xếp cuộc sống hàng ngày.
Gõ cửa trước khi vào phòng người khác
Trẻ cần biết rằng, ai cũng có quyền riêng tư và quyền này cần được mọi người tôn trọng. Khi con muốn vào phòng ai đó, con cần được sự cho phép của họ. Nếu họ không có trong phòng con không nên tự ý bước vào. Tương tự, nếu con có phòng riêng, con cũng có quyền yêu cầu bố mẹ hay anh chị gõ cửa trước khi bước vào phòng con.
Không nói trống không, nhất là với người lớn
Nhiều trẻ em hay nói trống không với mọi người. Ðây không chỉ rất mất lịch sự mà còn là hành vi vô lễ. Trẻ cần được dạy cách sử dụng những từ kính ngữ với cha mẹ, ông bà, thầy cô… Ví dụ, trẻ cần nói: “Con mời ông bà ăn cơm ạ!”, chứ không được nói trống không “Ông bà ăn cơm đi”.
Ðể trẻ nói năng lễ phép và lịch sự, cha mẹ cần làm gương cho trẻ trong cuộc sống hàng ngày. Cha mẹ không nên nói trống không, kể cả là nói với trẻ.
Không làm ồn ở nơi công cộng
Không ai thích những đứa trẻ gây ồn ào ở nơi công cộng, nhất là khi mọi người đang mệt mỏi. Bạn cần dạy trẻ cách giữ trật tự khi tới những nơi đông người như sân bay, bến tàu, nhà ga, rạp chiếu phim, rạp hát… Nếu con có chuyện cần nói, hãy nói cho người bên cạnh đủ nghe là được. Nếu con muốn nghe nhạc hay xem phim để giết thời gian trong lúc đợi chờ, con nên dùng tai nghe để tránh làm ồn đến những người xung quanh.
Không nhìn chằm chằm vào người khác
Một số trẻ cảm thấy tò mò và hiếu kỳ khi thấy một ai đó khác biệt. Chúng sẽ nhìn chằm chằm vào người đó, thậm chí là giơ tay chỉ chỏ. Ðó là hành vi vô cùng mất lịch sự. Bạn cần dạy con biết tôn trọng sự khác biệt của người khác, không làm phiền người khác chỉ vì họ không giống bạn.
Hãy nhìn vào người đối diện nếu con nói chuyện với họ
Nhìn chằm chằm vào một ai đó chỉ vì họ khác biệt là một hành vi bất lịch sự; nhưng nếu trẻ nhìn đi nơi khác khi nói chuyện với một ai đó thì điều này cũng bất lịch sự không kém. Người nói chuyện với con sẽ cảm thấy họ không được quan tâm, tôn trọng hoặc là vì con quá tự ti, nhút nhát nên không dám nhìn thẳng vào mặt họ.