Những người mẹ hiền
- Xe máy
- 16:14 - 31/08/2017
Bài học trên lớp.
Không đơn độc
Chị H là hiệu trưởng của một trường mầm non ở xã Ngọc Hồi (Thanh Trì – Hà Nội) có con trai tên là Trần Thái H, sinh năm 2001 bị khuyết tật trí tuệ bẩm sinh. Chị phát hiện con có những biểu hiện không bình thường như, phản xạ không nhanh khi chị cầm một chiếc khăn hoặc giơ tay trước mắt. Chị đem những cảm nhận về con chia sẻ với chồng thì anh gặt phắt đi, nói: “Các anh chị nó ngày trước cũng thế”. Chị H rất lo lắng khi mãi tới 18 tháng con mới biết đi và bập bẹ nói được một vài câu nhưng chưa biết nhai cơm, chỉ nuốt chửng. Chị âm thầm tìm hiểu thêm về tình trạng của con ,đưa con đến bệnh viện nhi khám và bác sĩ kết luận cháu bị khuyết tật trí tuệ bẩm sinh.
Không như những gia đình khác giấu con khuyết tật để khỏi xấu hổ với làng xóm, chị cho cháu đi mẫu giáo để cháu có cơ hội giao lưu, tiếp xúc cùng các cô, các bạn, về nhà chị luôn theo sát, kèm cặp con, dạy con từ cách nhai cơm, uống nước, vệ sinh. Hết thời Mẫu giáo, H cũng theo học Tiểu học, nhưng cháu học rất chậm, học trước quên sau. Cuộc chiến đấu đơn độc và âm thầm nhất của người mẹ, may mắn thay lại có sự chung tay hỗ trợ của tổ chức Hội NKT Thanh Trì và các chuyên gia của dự án hỗ trợ gia đình. Chị kiên trì và nhẫn nại đừng phút giây, khấp khởi trước từng sự thay đổi hàng ngày của con để đến nay, tuy làm toán H còn hơi chậm, bù lại, em viết chữ rất đẹp, đặc biệt H rất ham mê tin học và nhớ được nhiều tên của các cầu thủ bóng đá trên thế giới.
H được gia đình cho tham gia CLB gia đình trẻ tự kỷ, ở đó, H có cơ hội được tham gia vào rất nhiều sự kiện liên quan tới trẻ khuyết tật để cháu có dịp giao lưu, hòa nhập.
Bằng tấm lòng của một người mẹ, một người biết làm thầy, làm bạn với con, cùng sự hỗ trợ của gia đình, cộng đồng và các tổ chức xã hội, đến nay, H đã có khả năng tự phục vụ bản thân. Kỳ nghỉ hè vừa qua cháu còn đăng ký tham gia khóa học nghề tin học văn phòng. Em khoe: “Con sau này sẽ mở cửa hàng fotocoppy phụ cha mẹ”.
Chị Châu Loan (đứng giữa) chuẩn bị bữa ăn cho các cháu.
Những người “Mẹ dự án”
Cuối năm 2014, Dự án Caritas (Thụy Sỹ) đã chọn Hội NKT huyện Thanh Trì để thực hiện chương trình giáo dục hòa nhập cho trẻ tại 5 trường Tiểu học trên địa bàn hai xã Vĩnh Quỳnh và Tả Thanh Oai. Qua khảo sát, tại 5 trường này có 124 em khuyết tật gồm các dạng như hội chứng đao, teo não bẩm sinh, tự kỷ, thần kinh tâm thần… Chị Nguyễn Thị Châu Loan (Phó Chủ tịch Hội NKT Thanh Trì) nhớ lại: “Thật sự khi được giao trách nhiệm Phó ban quản lý dự án “Chăm sóc hòa nhập cho trẻ tự kỷ”, tôi rất lo vì không biết mình có làm được việc mà lãnh đạo và Hội giao phó hay không. Chúng tôi phải gặp gỡ, trao đổi, làm việc với rất nhiều lãnh đạo của các tổ chức liên quan như UBND huyện, xã, Phòng LĐTBXH, Phòng Giáo dục & Đào tạo, Trung tâm y tế, Hội Phụ nữ, Ban dân số... khi chính các ban, ngành cũng rất bỡ ngỡ, lạ lẫm với những hoạt động của Dự án. Bắt tay vào công việc mới hiểu hết bao nỗi đau từ chính những người trong cuộc. Như mẹ của H, khi đem những phát hiện về con ra trao đổi cùng các thành viên trong gia đình còn gặp sự phản đối và bị cho rằng bị hoang tưởng. Thậm chí có người mẹ còn bị nhà chồng cho là bị ma quỷ ám vào nên mới nghĩ con mình là tăng động. Hay như câu chuyện của chị D lấy chồng khi mới 17 tuổi, vốn hiểu biết về làm vợ, làm mẹ còn chưa nhiều, khi sinh con bị hội chứng trầm cảm mà cả thôn thì lại không có trường hợp nào bị giống con mình nên bất lực, không hiểu con mình bị sao mà cả ngày không nói, không cười. Vì tình yêu thương với con, chị phải tự mày mò tìm hiểu về tình trạng của con qua các bà mẹ khác và cho con khám tại Bệnh viện Nhi. Vậy mà chồng chị D còn nghi kỵ, ghen tuông, lạnh nhạt, dọa đuổi hai mẹ con, cắt nguồn tài chính hàng tháng. Chị D quyết tâm khám và chạy chữa cho con, ai thuê gì cũng làm, từ lau nhà thuê, trông trẻ, cắt cỏ, miễn là có tiền để chữa bệnh cho con.
Ban quản lý dự án Caritas đã kiên nhẫn giải thích, vận động từng nhà có trẻ tự kỷ tham gia dự án. Các thành viên ban quản lý dự án chịu khó tìm tòi kiến thức qua sách vở và các tổ chức chuyên chăm sóc trẻ tự kỷ như: “Trung tâm trợ giúp gia đình trẻ khuyết tật (CFCD)”, “CLB gia đình trẻ tự kỷ” (Hội NKT Hà Nội). Bên cạnh đó, phối hợp với trung tâm y tế khám sàng lọc xác định dạng tật, mức độ khuyết tật; phối hợp với gia đình thực hiện các biện pháp chăm sóc trẻ khuyết tật trí tuệ như uốn nắn trẻ từng hành vi, việc làm đơn giản như ăn xong tự thu dọn bát đũa, khi ngủ biết lấy và cất chăn gối, uống nước xong phải cất cốc... Mỗi động tác khuyến khích cha mẹ phải làm mẫu, dạy kèm trẻ lặp đi lặp lại rất nhiều lần, thậm chí tới hàng tháng chỉ với một động tác. Khi trẻ đã quen với công việc tự chăm sóc bản thân thì khuyến khích trẻ làm một số việc nhỏ.
Chị Loan tâm sự: Khi dạy trẻ cách nấu cơm, có cháu hay quên đổ nước, có cháu thì rất hay đổ trực tiếp gạo xuống thân vỏ nồi rồi cắm điện, một tháng đốt 3 chiếc nồi. Các mẹ trong Ban quản lý dự án phải bỏ tiền túi mua nồi đền và còn căn dặn cha mẹ không vì thế mà mắng mỏ, đánh đập, dọa nạt trẻ. Ngày nào cũng kèm cặp, chỉ bảo, khen ngợi, khuyến khích nên trẻ đã có những tiến bộ tích cực, khi các cháu đã nấu được nồi cơm hoàn chỉnh, cả gia đình và các Mẹ dự án bưng bát cơm, đều khóc… các gia đình có trẻ tự kỷ, khuyết tật gọi các chị - những người khuyết tật đồng cảnh ngộ bằng cái tên trìu mến “Mẹ dự án”.
Khi trẻ đến tuổi tới trường, cha mẹ phải phối hợp chặt chẽ với cô giáo để kèm cặp và học cùng con. Bản thân trẻ khuyết tật có thể tiềm ẩn những thế mạnh riêng như làm toán nhanh, đọc viết tốt, vẽ đẹp, giỏi ngoại ngữ. Nếu gia đình quan tâm, tạo điều kiện tốt thì trẻ sẽ phát huy và thể hiện hết những điểm mạnh đó.
Chúng tôi nhớ mãi chia sẻ của chị Loan lúc chia tay: Tiếp xúc với cha mẹ đưa con đến đây điều trị, chúng tôi hiểu được rằng, sâu thẳm trong tim họ là nỗi lo lắng mà chỉ có người cùng cảnh ngộ mới hiểu và cảm nhận được hết.
Nhật Nam (GĐ&TE)
CÙNG CHUYÊN MỤC
UNICEF đánh giá cao về hướng dẫn ưu tiên chăm sóc trẻ em mồ côi do Covid-19 của Việt Nam
Ngày 26-9, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam đã ra thông cáo báo chí cho biết bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam bày tỏ sự đánh giá cao trước việc mới...
3 năm trước