Những lớp học xanh từ vật liệu tái chế
- Siêu xe
- 09:09 - 02/10/2022
Những thư viện xanh
Trong vài năm gần đây, phong trào tái chế rác thải nhựa thành các thư viện xanh đang được nhiều trường học trên cả nước đồng loạt triển khai và mang lại hiệu quả tích cực. Một trong số đó là Trường THCS Tiền Phong (tỉnh Thái Bình). Đây là thư viện ngoài trời với hàng trăm chậu hoa, giỏ hoa do giáo viên, học sinh và phụ huynh chung sức tạo ra từ các phế phẩm nhựa, tạo không gian xanh thân thiện. Dưới bàn tay khéo léo của các thầy, cô giáo, những vật liệu tưởng như bỏ đi đã biến thành tủ, bàn, kệ sách ngộ nghĩnh, chậu hoa trang trí vui mắt. Cô giáo Trần Linh Hoa, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, việc bảo vệ môi trường và chống rác thải nhựa là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Đối với Nhà trường, môi trường xanh, sạch, đẹp sẽ góp phần quan trọng vào công tác dạy và học. Nhà trường luôn khuyến khích và kịp thời tuyên dương, khen thưởng các thầy, cô giáo, các em học sinh có những đóng góp tích cực trong việc chống rác thải nhựa và tái chế rác thải nhựa...
Khác với những mô hình thư viện truyền thống, thư viện “lưu động” tại Trường Tiểu học Nghĩa Chánh (TP. Quảng Ngãi) đã mang đến một không gian đọc sách mới lạ và lý thú cho học sinh. Với bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của các thầy cô giáo, những thùng xốp, lốp xe, thùng sơn cũ... đã biến hóa thành bình hoa, bộ bàn ghế, kệ sách xinh xắn được bố trí dưới bóng cây xanh mát vào những ngày nắng đẹp hoặc trong phòng vào những ngày mưa gió. Em Hồ Vũ Minh Khuê, học sinh lớp 3B, thích thú cho biết: Mỗi ngày, trước khi vào lớp và trong giờ ra chơi, em lại cùng nhóm bạn đến thư viện để đọc sách. Đọc sách ở đây mát và rất thoải mái. Thư viện được làm và trang trí bằng những vật liệu thân thiện với môi trường nên em cảm thấy rất gần gũi. Ngoài việc đọc sách, chúng em còn được thầy cô giáo hướng dẫn làm những vật dụng tái chế...
Công trình thư viện cho gần 1.000 học sinh tại Trường Tiểu học Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa, Quảng Bình) là một điển hình về việc tận dụng các vật liệu tái chế. Công trình được xây dựng từ 4.000 viên gạch sinh thái với sự đóng góp 850 công lao động của hội viên phụ nữ trong tỉnh. Tại Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII được tổ chức vào tháng 3/2022, Công trình này được Hội LHPN Việt Nam công nhận là một trong 130 công trình, phần việc vượt khó, sáng tạo.
Khu vệ sinh xanh mát từ vật liệu tái chế
Để khắc phục tình trạng cơ sở vật chất khó khăn, thiếu nhà vệ sinh hoặc vệ sinh không đảm bảo, nhiều trường học đã triển khai xây dựng nhà vệ sinh bằng chai nhựa, phục vụ nhu cầu thiết yếu của học sinh, giáo viên. Một trong những địa phương đi đầu trong phong trào xây dựng nhà vệ sinh trường học bằng vật liệu tái chế là tỉnh Thái Nguyên. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có gần 10 công trình được xây dựng từ chất liệu “gạch sinh thái”, được tận dụng từ gần 22.000 chai nhựa tái sử dụng cùng hơn 1.500 ngày công lao động của nhiều thầy, cô giáo và các em đội viên, thiếu nhi...
Nhiều công trình nhà vệ sinh “gạch sinh thái” có chất lượng thẩm mỹ cao như Trường Tiểu học Bá Xuyên, tỉnh Thái Nguyên, Trường Tiểu học Kim Đồng (Quảng Nam), Trường TH - THCS Chiềng Chăn (huyện Mai Sơn, Sơn La)...
Sau khi đưa vào sử dụng, công trình không chỉ đáp ứng nhu cầu vệ sinh thân thể cho học sinh, giáo viên mà còn là một hình thức để tuyên truyền cho các em bài học ý nghĩa về tái chế rác thải một cách hiệu quả. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của các em học sinh về chống rác thải nhựa, nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp.
Phong trào cũng lan toả sang nhiều địa phương khác như Bình Thuận, Bến Tre, Quảng Nam, Bắc Ninh, Lào Cai, Cao Bằng... và mang lại những tín hiệu tích cực trong bảo vệ môi trường.
Trường học xanh đầu tiên xây dựng từ vật liệu tái chế
Phát huy hiệu quả từ những mô hình trên, một trường mẫu giáo đầu tiên được xây dựng từ các vật liệu tái chế vừa được khánh thành và đi vào hoạt động. Ngày 9/9, tại thôn Ngải Phóng Chồ, xã Cao Sơn (xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai). Sau gần 3 tháng thi công, ngôi trường có diện tích trên 1.000m2 đã hoàn thành với lối kiến trúc độc đáo và màu sắc đa dạng.
Với những khối nhà lên xuống trùng điệp mang đậm âm hưởng vùng cao, ngôi trường đã tạo ra điểm nhấn nổi bật, thu hút khách du lịch đến với Cao Sơn, góp phần phát triển hình thái du lịch khám phá, trải nghiệm văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao nơi đây.
Tại lễ khánh thành, bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cùng lãnh đạo UBND huyện Mường Khương đánh giá cao mục đích, ý nghĩa của công trình đối với nền giáo dục và môi trường của địa phương. Ngôi trường giúp cho gần 100 trẻ em có trường, lớp học hiện đại, khang trang, sạch đẹp. Bà Hà Thị Nga tin tưởng, mô hình trường học xanh, lối sống xanh, tái chế, sử dụng rác thải nhựa, gắn sự nghiệp giáo dục với sự nghiệp bảo vệ môi trường bền vững là việc làm hết sức ý nghĩa, đặc biệt là ở những điểm trường vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn.
Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, Việt Nam hiện đang đứng thứ 4 trong số các nước trên thế giới có lượng rác thải nhựa đổ ra biển. Và chỉ có 10% rác thải nhựa tại Việt Nam được đem đi tái chế, còn lại hơn 90% được đem đi chôn, lấp hoặc thải ra môi trường.