Những loại quần áo không nên giặt bằng máy
- Tư vấn tiêu dùng
- 12:27 - 24/09/2023
Quần áo len, dạ
Một số loại áo len, dạ chỉ cho phép giặt khô hoặc giặt tay, nếu cho vào máy giặt sẽ dẫn tới tình trạng sợi len giãn nở hoặc bị co rút, ảnh hưởng đến hình thức và giảm độ bền của quần áo.
Quần áo len nhân tạo, len được làm từ chất liệu sợi pha thì có thể giặt được bằng máy, nhưng phải cho vào túi giặt, giặt riêng không lẫn quần áo khác, chọn nước giặt cũng như chế độ giặt phù hợp. Nếu có điều kiện, tốt nhất bạn nên giặt bằng tay hoặc mang ra tiệm giặt khô là hơi.
Quần áo tơ, lụa
Quần áo tơ, lụa mỏng, mềm, nếu cho vào máy giặt chắc chắn sẽ bị vón, trầy xước, nhão, xù lông, thậm chí hư hỏng hoàn toàn.
Ngay cả khi giặt bằng tay, việc vắt quần áo tơ, lụa cũng cần làm hết sức nhẹ nhàng để tránh làm hỏng vải. Khi phơi cũng phải chọn nơi thoáng mát, tránh phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời và phơi ở chỗ có mái che.
Đồ lót
Nhiều người có thói quen giặt đồ lót chung với quần áo hàng ngày trong máy giặt, trong khi quần áo thường dính nhiều bụi bẩn cùng vi khuẩn có tính gây bệnh mạnh và sống dai. Số vi khuẩn này sẽ bám dính vào đồ lót, gây ra hiện tượng nhiễm khuẩn chéo.
Trong khi đó, lồng máy giặt có thể chứa nhiều vi khuẩn, chúng có thể xâm nhập vào cơ thể và gây ra các căn bệnh liên quan tới phụ khoa. Việc giặt đồ lót bằng tay sẽ khắc phục được tình trạng trên cũng như giúp giữ nguyên form dáng bền lâu.
Đồ bơi
Đồ bơi có thể chịu được hơi nhiệt nóng ngoài bãi biển nhưng lại không thể chịu được nhiệt độ quá cao trong máy giặt. Vì vậy, việc cho đồ bơi vào máy giặt có thể khiến đồ nhanh cũ, vải cũng nhanh bị giãn.
Đồ da
Quần áo bằng da dễ biến dạng và xuống màu nên không thể dùng máy giặt được, bên cạnh đó, đồ da càng không thể phơi dưới nắng do có khả năng bị ẩm mốc cao. Vì vậy, bạn chỉ nên làm sạch đồ da bằng cách dùng khăn ướt vắt ráo để lau đi bụi bẩn.
Đồ jeans
Đa số đồ jeans được làm từ vải denim. Loại vải này có thể bị hỏng khi giặt máy, khiến chúng bị bạc màu và mất đi độ đàn hồi. Do đó, để các món quần áo được làm từ chất liệu denim này không bị bạc màu, bạn có thể giặt với nước trà và cà phê, hoặc cho một thìa muối vào nước giặt.
Quần áo nhiều phụ kiện
Nếu quần áo có nhiều phụ kiện như đính cườm hoặc các vật trang trí... thì bạn không nên giặt máy. Phụ kiện gắn trên quần áo có thể khiến các trang phục khác bị rách trong quá trình hoạt động của máy cũng như sẽ khiến chúng dễ bị rơi ra, làm kẹt hoặc hỏng máy giặt.
Áo phao lông vũ
Giặt áo phao lông vũ bằng máy giặt sẽ khiến lông vũ của áo bị dồn lại và vón cục. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến vẻ ngoài mà còn ảnh hưởng đến khả năng giữ nhiệt của áo.
Quần áo trẻ em
Nhiều người có thói quen giặt chung các loại quần áo vào trong một mẻ để tiết kiệm thời gian và điện nước. Nhưng việc làm này có hại nếu giặt chung quần áo trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh với quần áo người lớn.
Kháng thể của trẻ em thấp, rất có thể sẽ bị truyền một số vi khuẩn, bụi bẩn từ quần áo người lớn sang nếu giặt chung, khiến trẻ khi mặc dễ dị ứng và mắc các bệnh ngoài da khác. Bạn nên giặt tay quần áo trẻ em, hoặc chí ít nếu không thể giặt tay thì giặt máy riêng quần áo trẻ em và chọn đúng chế độ trẻ em hoặc chế độ giặt nhẹ nhàng.
Quần áo dính bùn, cát
Với quần áo dính nhiều bùn cát, việc đầu tiên là làm sạch trước khi cho vào máy giặt. Cách làm này tránh việc bùn cát rơi xuống máy, dính bẩn sang quần áo khác, thậm chí làm tắc và hỏng máy.
Quần áo dính xăng
Xăng không chỉ là chất gây ô nhiễm mà còn dễ cháy, bởi vậy không nên cho quần áo dính xăng, dầu vào giặt trong máy, bởi có thể ảnh hưởng tới máy móc, thậm chí tính mạng con người.