CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:42

Nhiều học sinh lớp 6 không có thói quen làm bài tập về nhà

 

Liên tục bị điểm kém

Nguyễn Thu Hương, học sinh lớp 6A3 một trường THCS ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia sẻ: “Một tháng nay con liên tục bị nhiều điểm 1 và 3”. Lý do là năm trước học rất nhàn còn bây giờ phải làm bài kiểm tra thường xuyên. Ngoài học ở trường, về nhà em cũng phải học mà vẫn thấy khó, đặc biệt là môn toán. Em Hương chia sẻ, có hôm kiểm tra 15 phút, cả lớp 28 bạn toàn điểm 0, có mỗi một bạn đạt điểm 3 là giỏi nhất. “Khi được 3 điểm, về nhà con bị bố đánh vì bảo học dốt”, Hương nói.

Bạn cùng lớp Hương là Trần Bảo Hân cũng cho biết thêm, mấy năm liền con học sinh giỏi mà giờ cũng “ăn” nhiều điểm thấp lắm. “Đi học về, xem điểm mẹ nghĩ con học dốt nhất lớp mới vậy nhưng thật ra lên lớp 6 học khó hơn rất nhiều, con vẫn chưa quen làm bài kiểm tra, bài tập nhiều như vậy”, Hân nói. Chị Vũ Thị Thanh Xuân, có con học lớp 6 của một trường tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ, mới vào học chưa đầy 2 tháng mà con liên tiếp bị nhiều điểm dưới 5.

 

Học sinh lớp 6 Trường THCS Lê Lợi (Hà Nội) trong một giờ học.


Chị Nguyễn Hà Thu, phụ huynh của một học sinh lớp 6 kể: “Gần một tháng nay, sau giờ học ở trường, gia đình phải liên tục cho con đi học thêm Toán, Ngoại ngữ vì con bị cô giáo phản ánh nhiều quá”. Theo phụ huynh này, khi không chấm điểm, cha mẹ không biết con đang đứng chỗ nào trong lớp vì cô chỉ xếp loại đạt và không đạt mà cả lớp hiếm có bạn không đạt lắm. Con mình năm nào cũng “đạt” lại được xếp giỏi cuối năm. Không ngờ khi vượt cấp, bài kiểm tra các môn liên tiếp có 5 bài đạt điểm 3, 4 mới thấy lo lắng. Chị Thu chia sẻ: “Để vực lại tinh thần và khả năng học của con, bố mẹ phải thay nhau nghỉ việc để đưa đón học thêm, rèn giũa con làm bài tập về nhà”.

Cô Phan Hoài Thu, giáo viên dạy toán Trường THCS Lê Lợi (Hà Nội) cho rằng, không riêng môn toán, mà với tất cả các môn học nếu giáo viên chỉ phê chung chung học sinh đạt hay không đạt thì không phản ánh được khả năng của học sinh. Hơn nữa, khi nhận xét, có tình trạng đa số giáo viên sẽ khen, động viên học sinh. Nếu không chấm điểm, bản thân học sinh đã mất sự phấn đấu.

Cô Thu cho rằng, bài kiểm tra môn toán đầu năm của học sinh lớp 6 ở trường, có lớp đạt 60-70% trên điểm 5, có lớp không đạt tỷ lệ này. Số học sinh đạt điểm 8-9 rất ít, điểm 10 đếm trên đầu ngón tay. Cô Thu chia sẻ: “Năm nay các cô vất vả hơn vì phải dành khoảng thời gian hết học kỳ để rèn thói quen làm bài tập về nhà cho học sinh”.

 Thiếu kỹ năng làm kiểm tra

Theo nhiều giáo viên dạy khối 6 năm nay, do 1 năm trước đó học theo phương pháp mới nên học sinh quen nếp không làm bài tập về nhà. Trong khi đó việc học theo Thông tư 30 chất lượng hạn chế vì lớp đông học sinh thầy cô không đủ sức nhận xét, kèm cặp được. “Lớp tôi có 50 học sinh, cô giáo phải làm đủ việc làm sao mà nhận xét kỹ cho từng em được”, cô Huyền giáo viên một trường tiểu học tại huyện Đông Anh, Hà Nội nói.

PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Trường Lương Thế Vinh cho rằng, dù trường xét tuyển đầu vào nhưng cũng nhận thấy chất lượng học sinh năm nay không bằng mọi năm nên ngay từ đầu năm học, trường tổ chức học ôn tập, rèn học sinh vào nếp mất hơn 1 tháng.

Theo ông Cương, Bộ GD&ĐT cũng cần xem lại hiệu quả của việc thực hiện Thông tư 30. Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, khi vượt cấp, chương trình học khác nhau có thể học sinh chưa quen với phương pháp học và dạy mỗi môn học một thầy cô, một yêu cầu mới. Hiệu trưởng các trường cần hướng dẫn giáo viên ở lớp 6 năm nay có phương pháp cho học sinh tiếp cận, làm quen với chương trình mới, chưa nên vội vàng đánh giá chất lượng học sinh.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cũng chia sẻ: “Ở tiểu học, phần bài tập học sinh được giải quyết ngay ở lớp. Việc chuyển cấp và môi trường học có sự khác biệt đột ngột khiến học sinh chưa thể quen ngay”. Thầy cô giáo ở trường THCS phải hướng dẫn, giúp đỡ các em thời gian đầu. Riêng về chất lượng, ông Quốc Anh cũng cho rằng, phụ huynh, thầy cô cần có quan điểm đánh giá học sinh bây giờ không chỉ có kiến thức văn, toán mà còn có các kỹ năng, phẩm chất khác.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển lại cho rằng: “Nói chất lượng học sinh lớp 6 năm nay kém các năm trước là không đúng”. Ông Hiển khẳng định kiến thức của lứa học sinh lớp 5 lên lớp 6 năm nay không yếu hơn mà có thể là chưa có kỹ năng làm bài kiểm tra!

Theo Minh Hà / Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh