Nhận biết và phòng ngừa ý định tự sát ở trẻ
- Gia đình
- 07:40 - 05/11/2023
Vấn nạn đáng báo động
Tổ chức Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố, trung bình mỗi ngày, khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử trên thế giới. Tại Việt Nam, theo số liệu từ Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương (TP.HCM), Bệnh viện tâm thần Mai Hương và Trung tâm phòng chống khủng hoảng tâm lý (PCP): Trong 10.000 thanh thiếu niên thì 25% đã tìm cách tự tử và 20% học sinh từ 10 đến 16 tuổi gặp khó khăn về sức khỏe tinh thần.
Tự tử không chỉ là những tin tức trên báo, đài mà có thể đang len lỏi vào trong suy nghĩ của trẻ em mà một bộ phận các bậc cha mẹ chủ quan, thiếu quan tâm đến con không hề hay biết.
Ví dụ như trường hợp của T (ở Hà Nội) là một học sinh cấp 2, em thường xuyên bị cô giáo phê bình do ngủ trong giờ, tiếp thu bài chậm và khi về nhà thì bị cha đánh mắng mỗi lần có điểm kém. Cha mẹ chỉ tập trung vào cải thiện kết quả học tập của T mà không hề biết rằng em đã rơi vào khủng hoảng tâm lý. Tâm trạng em lúc nào cũng vô cùng chán nản, lo âu khi chưa theo kịp được chương trình học trong năm cuối cấp. T tâm sự với gia sư kiêm cố vấn của mình là ước gì em có thể ngủ mãi mà không cần phải tỉnh lại. Sau đó, nhờ được giúp đỡ, tư vấn kịp thời, T đã dần dần thoát khỏi suy nghĩ tiêu cực và tìm thấy niềm vui trong việc vẽ tranh.
Trường hợp của em C cũng ở Hà Nội thì tự sát không còn dừng lại ở ý tưởng mà em đã có hành động. Sau thời gian dài là nạn nhân của bạo hành gia đình và áp lực học tập, C rơi vào chứng trầm cảm nặng. Em từng dùng vật sắc nhọn cứa vào tay khi bị giáo viên tịch thu điện thoại trên lớp. Trong lúc cha mẹ vắng nhà, C tìm cách lấy được nhiều loại thuốc khác nhau trong tủ thuốc của gia đình, trộn tất cả trong một chiếc lọ rồi cất riêng. Nếu không kịp thời được phát hiện, khuyên bảo, em có thể đã dùng chiếc lọ này để “giải thoát” bản thân.
Tiến sĩ Ngô Anh Vinh, Phó trưởng Khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, độ tuổi vị thành niên là giai đoạn thay đổi tâm lý nên trẻ rất nhạy cảm với những yếu tố tác động bên ngoài cuộc sống. Những mâu thuẫn trong cuộc sống với gia đình, bạn bè, xã hội nếu không được chia sẻ có thể khiến cho trẻ không tìm ra được phương pháp để giải quyết. Do vậy, trẻ dễ có những suy nghĩ tiêu cực, mất kiểm soát dẫn đến hành vi tự tử và xem đó là một cách giúp giải thoát khỏi những bế tắc trong cuộc sống. Ngoài ra, áp lực học tập, thi cử từ gia đình và chính bản thân các em cũng có thể khiến trẻ nghĩ đến chuyện tiêu cực sau những thất bại.
Nhận biết và phòng ngừa trẻ tự sát
Theo Dự án nghiên cứu “Nâng cao kiến thức về Phòng chống tự sát ở học sinh cho giáo viên Trung học phổ thông” (Health education about Suicide Prevention for high school teachers and staff - SPEFT), có 7 dấu hiệu cảnh báo ý tưởng, hành vi tự sát thường gặp như sau:
1. Tự cách ly: Hạn chế rời phòng, không muốn tiếp xúc.
2. Ngủ nhiều: Luôn buồn ngủ, bất kể thời gian nào trong ngày.
3. Dễ nổi nóng: Có ý muốn trả thù những người đã gây ra đau khổ cho mình.
4. Dùng chất kích thích: Tìm đến sử dụng chất gây nghiện.
5. Tiếp cận vật nguy hiểm: Có hành vi tìm những vật dụng có khả năng gây chết người như dao, kéo, dây thừng…
6. Gửi gắm đồ sở hữu: Ví dụ như vật nuôi, những đồ dùng cá nhân ưa thích
7. Buông bỏ: Cho rằng không thể chịu đựng đau khổ thêm nữa.
Nếu cha mẹ nhận thấy con có một vài dấu hiệu tự sát kể trên thì không nên hốt hoảng mà cần kịp thời có biện pháp phòng ngừa. Hãy bắt đầu bằng cách trò chuyện, tâm sự cùng con. Hầu hết chúng ta thường lầm tưởng rằng nói đến hành vi tự sát sẽ củng cố quyết tâm của trẻ, nhưng sự thực là nếu được cha mẹ hỏi han chân thành, không phán xét và được tôn trọng thì trẻ sẽ có xu hướng chia sẻ ý nghĩ của bản thân, từ đó giảm ham muốn tự sát hơn.
Trong quá trình giúp đỡ con, cha mẹ có thể tham khảo các bước phòng ngừa tự sát, gồm:
- Xác định nguyên nhân của hành vi tự sát: Hiểu được nguyên nhân thực sự vì sao trẻ có ý tưởng, mong muốn tự sát.
- Nhận biết và giảm thiểu các yếu tố rủi ro: Những yếu tố tiêu cực củng cố suy nghĩ, ý định tự sát của trẻ.
- Hỗ trợ và nâng cao các yếu tố bảo vệ: Những yếu tố tích cực giúp trẻ có thêm nghị lực, niềm tin, hy vọng vào cuộc sống.
- Nhận biết các dấu hiệu cảnh báo: Những dấu hiệu cho thấy trẻ trong trạng thái khủng hoảng, thay đổi bất thường và có thể kèm theo ý định tự sát.
- Kết nối nguồn lực trợ giúp: Xây dựng mạng lưới đồng hành từ giáo viên, bạn bè, chuyên gia tâm lý, chuyên gia y tế, các dịch vụ xã hội, các cộng đồng trợ giúp.
Tự sát hoàn toàn có thể phòng ngừa từ xa nếu cha mẹ, thầy cô giáo quan tâm, gần gũi và lắng nghe con em, học sinh của mình. Nếu người lớn thất bại trong việc phòng ngừa trẻ em tự sát, thì sẽ không có cơ hội phòng ngừa thứ hai trong đời. Do đó, chúng ta cần chủ động hỗ trợ, bảo vệ và bồi dưỡng trẻ có nhận thức, niềm tin yêu vào cuộc sống.