Nhầm lẫn “chết người” giữa cây Ngô đồng và Vông đồng?
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 23:42 - 26/04/2017
Ngay sau đó, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị cơ quan chức năng địa phương xảy ra ngộ độc khẩn trương triển khai các biện pháp xử trí, xác minh tác nhân gây ngộ độc để dự phòng, điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả của ngộ độc gây ra.
Đồng thời Cục ATTP cũng khuyến cáo các địa phương rà soát, loại bỏ ngay và không trồng các loài cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc được trồng với mục đích làm cảnh hoặc mọc hoang dại trong khuôn viên đơn vị. Nếu phải trồng với mục đích học tập, nghiên cứu thì cần có biển cảnh báo và các biện pháp kiểm soát an toàn phù hợp đối với mỗi cây, hoa này.
Cục ATTP cũng đã đưa ra danh sách một số các loài cây, hoa có chứa các hợp chất có khả năng gây ngộ độc thường gặp khi ăn phải như:
- Cây lá ngón (Gelsemium elegans); cây cà độc dược (Datura alba) … có chứa alcaloid độc.
- Cây Trúc đào (Nerium oleander ); cây Thông thiên (Thevetia peruviana); cây Đai vàng (Dây huỳnh, Huỳnh anh) (Allamanda cathartica); Bông tai (Asclepias curassavica )… có chứa Glycosid tim
- Cây thầu dầu (Ricinus communis L.); cây Ngô đồng (Jatropha podagrica)… có chứa Protein độc (Toxalbumin ).
Hình ảnh Cây ngô đồng Jatropha podagrica
Cây bã đậu - Hura crepitans
Trong danh sách này, Cục ATTP có nêu tên cây ngô đồng (Jatropha podagrica) và nói loài cây này có chức prptein độc (Toxalbumin ). Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu sinh vật rừng Phùng Mỹ Trung, loài cây mà Cục ATTP nêu tên thực chất là loài cây đồng tính. Đây là một loài cây cảnh nhỏ cao 30-100cm, gốc phình to thành củ. Lá hình lọng, có 5 khía; lá kèm chia thành những phiến hẹp như kim. Chuỳ hoa hình ngù, đỏ. Hoa có 5 cánh hoa dài 7-8mm. Quả nang có đường kính 1,5cm. Cây này chỉ trồng làm cảnh trong chậu và chưa thấy ai trồng ở sân trường làm bóng mát cho học sinh cả. Về độc học thì đây cũng là cây có độc tính nhẹ vì hầu hết các loài thực vật thuộc họ Thầu dầu Euphorbiaceae đều có độc tính. Nhưng cây này không hề chứa Protein độc tố (Toxalbumin) như Cục ATTP thông báo.
Theo ông Trung, thật ra cây mà các em học sinh ăn phải, được trồng trong trường học làm bóng mát ở Nghệ An chính là Cây bã đậu, còn gọi là cây vông đồng, tên khoa học là - Hura crepitans. Cây này có hạt, dầu hạt, vỏ thân, nhựa mủ đều rất độc, có tác dụng diệt sâu bọ, đặc biệt chất crepitin có độc tính rất cao. Nếu dính vào da, có thể gây rộp da, bắn vào mắt gây tổn thương mắt và có thể bị mù.
Hạt của loài Bã đậu Hura crepitans (mà ở trường có học sinh bị ngộ độc gọi là cây Ngô đồng) mới là loài có chứa các chất độc: Toxalbumin, Curcine … Chất cursine ít gây kích ứng cho dạ dày - ruột. Theo các thử nghiệm cứ 8 giọt dầu Bã đậu, đã được cảnh báo dể gây ra nôn mữa, tiếp đến là tiêu chảy.
"Như vậy, việc thông báo sai của Cục An toàn thực phẩm sẽ khiến dẫn đến ngộ nhận. Đề nghị Cục An toàn thực phẩm nên thông tin lại để người dân cũng như các cháu học sinh biết cách nhận biết các loài cây một cách chính xác nhất, tránh được những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra", ông Phùng Mỹ Trung đề nghị.
Pháp Luật TP.HCM đã liên lạc với ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và nhận được câu trả lời: cây ngô đồng có nhiều tên gọi khác nhau, tùy theo cách gọi của mỗi địa phương, vùng miền. Thực chất cây bã đậu (loại trồng trong chậu) và cây ngô đồng (học sinh ăn bị ngộ độc) là hai giống khác nhau nhưng đều là ngô đồng. Còn ông Nguyễn Hùng Long, Cục phó Cục ATTP thì cho biết Cục đã đưa ra khuyến cáo chung cho tất cả các loài cây chứa độc tố để các trường tuyên truyền, phòng ngừa đến học sinh. Tuy nhiên khi hỏi về cây bã đậu và cây ngô đồng là một hay hai loài khác nhau thì ông Long không trả lời được. |