Nguy cơ trẻ em bị tai nạn thương tích khi sử dụng điện thoại đang sạc pin
- Xe máy
- 22:50 - 28/09/2021
Thực tế đã có rất nhiều trường hợp tử vong do vừa sạc vừa sử dụng điện thoại dẫn đến chập điện, cháy nổ. Vụ việc mới nhất xảy ra vào tối 11/8/2021, tại khu 11 xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú thọ. Nạn nhân là cháu N.V.H.L.N sinh năm 2014.
Theo đó, tối ngày 11/8, cháu N được người nhà phát hiện trong tình trạng nằm bất tỉnh, người đè lên điện thoại đang sạc pin. Trên người và điện thoại có vết bỏng. Ngay lập tức, gia đình đã tiến hành sơ cứu và đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng cháu N đã không qua khỏi. Bước đầu, các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân bé N tử vong là do bị điện giật khi sử dụng điện thoại đang cắm sạc pin.
Trước đó, chiều ngày 21/7/2021, tại thôn Quan Điền - Khe Thần, xã Thượng Yên Công, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh cũng đã xảy ra một vụ tai nạn điện giật khi vừa dùng điện thoại vừa sạc. Nạn nhân là bé T.M.K (sinh năm 2014) được người nhà phát hiện trong tình trạng nằm bất tỉnh trên nền đất, đè lên điện thoại đang sạc pin tại phòng ngủ nhà riêng của gia đình, trên người và điện thoại có vết bỏng, cháy. Gia đình đã nhanh chóng sơ cứu và đưa nạn nhân đi cấp cứu, tuy nhiên bé K. đã tử vong.
Ngày 17/1/2021, T.X.H (15 tuổi, ngụ H.Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) vừa sạc pin vừa dùng điện thoại thì điện thoại bất ngờ phát nổ khiến bàn tay trái của H. bị dập nát phải đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước.
Trong năm 2020, cũng đã có rất nhiều vụ tai nạn liên quan đến việc sử dụng điện thoại trong lúc sạc pin. Tuy các trường hợp này trẻ không tử vong nhưng đều là những tai nạn nghiêm trọng, để lại hậu quả nặng nề.
Ngày 5/8/2020, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) cũng cấp cứu nạn nhân tên N.V.H (17 tuổi, ngụ thôn An Lộc, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy) bị bỏng toàn thân. Nguyên nhân là do em H. vừa nằm trên giường vừa sử dụng điện thoại trong khi đang sạc pin khiến điện thoại phát nổ, làm cháy nhiều vật dụng trong phòng.
Ngày 19/12/2020, Bệnh viện đa khoa khu vực Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu bệnh nhân Phạm Đức L. (16 tuổi) bị thương rất nặng ở mặt và 2 tay do điện thoại phát nổ. Em L. được đưa đến bệnh viên trong tình trạng bàn tay phải bị dập nát, mất hoàn toàn ngón 1, các ngón còn lại đều bị cụt 1, 2 đốt, bàn tay trái dập nát phần mềm. Ngoài ra mặt, mắt bị tổn thương, cằm bị rách, đầu gối phải cũng bị thương.
Có 2 nguyên nhân dẫn đến tai nạn khi vừa sạc pin vừa dùng điện thoại.
Thứ nhất, khi đang sạc pin mà vẫn sử dụng, điện thoại sẽ phải tiêu thụ một nguồn năng lượng lớn. Nếu điện thoại không có hệ thống ngắt tự động thì pin sẽ nóng lên và đến một mức nào đó sẽ phát nổ.
Thứ hai là sử dụng pin, cục sạc, dây sạc trôi nổi không rõ nguồn gốc. Những thiết bị này có thể gây chập khi người dùng vừa cắm sạc vừa sử dụng.
Để tránh để tránh những sự việc đau lòng như trên xảy ra, các chuyên gia khuyến cáo, hãy sử dụng các thiết bị điện thoại của những hãng có thương hiệu, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng phụ kiện (pin, bộ sạc...) kèm theo điện thoại có nguồn gốc rõ ràng, được chính hãng ủy quyền và đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất khi sử dụng. Hạn chế sử dụng điện thoại, các thiết bị điện tử cầm tay (hand-held) khi đang sạc pin. Tốt nhất, người sử dụng nên tắt nguồn điện khi đang sạc pin. Không để các loại máy có nhiều từ trường như: Máy tính, máy nghe nhạc và điện thoại ở gần nhau. Bởi trong quá trình sạc, nếu các linh kiện điện tử không đảm bảo chất lượng, bị hỏng, mạch nguồn có thể bị đánh thủng dẫn tới việc điện áp cao phóng thẳng tới điện thoại liên tục hoặc tức thì gây hỏng điện thoại và giật, gây nguy hiểm cho người sử dụng, nhất là những điện thoại vỏ kim loại.
Các phụ huynh cần đặc biệt lưu ý không nên cho trẻ dùng điện thoại một cách tuỳ tiện, đồng thời cần hướng dẫn trẻ cách sử dụng điện thoại đúng cách, an toàn. Phụ huynh cũng tuyệt đối không được sử dụng điện thoại khi đang cắm sạc để vừa đảm bảo an toàn, vừa làm gương cho con trẻ.