CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 12:31

Người thầy đầu tiên

 

Năm 1957, tốt nghiệp Trường trung cấp Sư phạm Hải Dương, thầy Hùng xung phong vào Quảng Bình công tác. Về vùng gió Lào cát trắng, vùng đất “ô châu ác địa” đã khổ rồi, thầy lại tình nguyện về xã biển đang mù chữ để mở trường càng gian khổ gấp bội. Biết thông tin thầy Hùng về mở trường, Chủ tịch xã cùng bà con cô bác hồ hởi đi bộ lên tận Động Cao đón. Không có xe đạp, nên thầy phải cuốc bộ leo hai động cát cao từ làng Thượng Luật vào quốc lộ 1A dài 7 cây số, rồi lên huyện thêm 13 cây số nữa để họp, để nhận lương, để xin ý kiến cấp trên. Tháng nào cũng phải cuốc bộ ba bốn lần như vậy. Anh Ngô Tấn Ninh kể, mình có cháu nội ngoại rồi thế mà khi thầy từ Hội An về thăm làng, cả đám học trò già rít rít theo sau. Thầy gọi giọng Quảng: “Ninh, Cường đâu, biểu !”. Thế là mấy đứa “dạ” ran, rồi lon ton chạy lại thầy ... như ngày xưa lớp 1, lớp 2”.

Tác giả (bên trái) và thầy giáo cũ. 

 Về làng tôi, thầy Quảng Bá Hùng ở nhà của o ruột của tôi là Ngô Thị Cọt. O coi thầy như con. Làng tôi nghèo lắm nhà nào cũng ăn khoai, sắn với mắm, cơm lưng bát chỉ dành cho trẻ nhỏ. O và dượng cũng ăn khoai, nhưng bao giờ cũng dành cho thầy bát cơm nhỏ với quả trứng gà hay con cá đối, giống như cậu con trai đầu của mình. Thầy không chịu, chỉ ăn khoai với sắn như o, dượng. Thầy cùng với đồng nghiệp Trần Đình Thôi, cũng một người Quảng Nam, cùng bà con cả tháng trời chặt gỗ dương, cắt cỏ rười (một loại cỏ mọc trên cát, thân ống nhỏ, cao tới  hơn mét) đánh thành tranh để lợp trường. Bàn ghế thì chặt những cây gỗ dương to, xẻ ra đóng. Thầy Hùng mồ hôi mồ kê ướt đẫm nhưng lúc nào cũng cười, rồi đánh bóng chuyền, đàn hát như nghệ sỹ. Thầy có cái đàn măng-đô-lin, buổi chiều nào cũng mang xuống biển ngồi đàn hát với học trò. Giờ dạy học đầu tiên của “Trường cấp 1 Ngư Thủy” (hồi đó cấp 1 gồm  các lớp 1,2, 3, 4 theo hệ 10 năm của Liên Xô), thầy phải cầm tay từng học trò: Ngô Tấn Ninh, Ngô Phú Cường, Ngô Minh Tuân, Ngô Văn Chắc, Ngô Thanh Phơ, Nguyễn Ngọc Mạnh (2 anh Phơ, Mạnh bộ đội đã hy sinh ở chiến trường khu 5 trong chống Mỹ).v.v..viết từng nét chữ cái a, bờ, cờ, i tờ, tờ i ti... Lứa học trò được thầy Hùng “khai sáng” đó là “thế hệ vàng” của làng tôi. Do nhà nghèo, không được học lên cấp 3, nhưng ai cũng mê đọc sách, làm thơ, bàn luận văn chương sâu sắc, lại biết đàn sáo, và có hoa tay, trang trí đám cưới, cắt khẩu hiệu rất giỏi.

Tôi vẫn nhớ thầy bảo: “Cái chữ là nết người. Nên các em phải học viết chữ cho đẹp, đàng hoàng”. Thầy Hùng viết chữ rất đẹp, lại nắn nót cẩn thận. Vì thế, thời gian thầy dạy ở Ngư Thủy 7 năm (1957- 1963), nét chữ của thầy đã truyền qua bao nhiêu thế hệ học trò làng biển, ai cũng viết chữ đẹp, bay bướm. Đến  hôm nay các học trò cũ đã lên ông, lên bà vẫn viết giống nét chữ thầy 50 năm trước.

 Không chỉ dạy viết chữ đẹp, dạy văn, dạy toán, dạy sử, địa, thầy còn đi biển đánh cá, kéo khuyếc  với bà con ngư dân làng, rồi dẫn học trò đi trồng cây phi lao trên cát để chắn gió. Năm 1960, xã tôi có ông Ngô Xuân Mốc được phong Anh hùng Lao động vì có thành tích trồng cây chắn cát. Thầy Hùng ra nhà ông Mốc, xin cây phi lao giống, rồi thầy đào hố, chặt bổi, nhồi phân bò, phân lợn bằng tay, học trò thì xách cây phi lao bỏ xuống hố. Dân làng tôi thấy vậy, ai cũng tặc lưỡi khen: “Thầy Hùng cao ráo, đẹp trai, lao động không sợ  bẩn”. Rừng dương thầy Hùng cùng học sinh trường cấp I Ngư Thủy cùng bà con trồng dạo đó, đến thời chống Mỹ đã thành gỗ cho C gái-Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy anh hùng, làm trận địa, dân quân làng làm công sự chiến đấu, bà con làm hầm trú ẩn suốt chục năm ròng.

Cảm động nhất là chuyện thầy Hùng đưa cây dừa về trồng ở làng tôi. Hồi đó, thầy  đi dự hội nghị chiến sĩ thi đua của Ty Giáo dục Quảng Bình ở thị xã Đồng Hới. Thấy người dân trồng hàng dừa kết nghĩa Bình-Trị-Thiên bên bờ sông Nhật Lệ, thầy liền xin được 6 quả dừa giống đưa về làng Thượng Luật, rồi hì hục khuân cõng dừa giống lên xe, gùi vượt gần chục cây số Động Cao, Động Thấp đưa về làng trồng . Thầy hì hục đoa hố, xúc phân trồng dừa ở nhà o Cọt 2 cây, ở nhà tôi  2 cây, 2 cây trồng ở trụ sở hợp tác xã.  Hai cây dừa ở nhà tôi đến giờ vẫn còn. Tôi đã viết bài thơ về “Cây dừa vườn mạ”: Vườn mạ bây giờ cát xóa/ Chỉ còn cây dừa như dây neo kiên nhẫn nối biển bờ / Như dây diều mong manh thả lên trời những cánh lá rách bươm và chùm trái ngọt .../ Mạ ơi / Vườn mạ tháng năm góc trời trắng xóa / Chỉ còn cây dừa như ngọn đuốc xanh... Sau này, tôi hỏi tại sao thầy xin giống cây gì cho nhẹ mà xin cây dừa giống mang vác cho nặng ? Thầy bảo, làng phải có bóng mát mới thành làng, hơn nữa thầy bảo trồng dừa là bởi nhớ quê hương Hội An lắm. Mỗi lần ngắm dừa đỡ nhớ quê.

Một góc bờ biển nam Quảng Bình.

Hồi làm phóng viên báo Thương Mại ở miền Trung, năm 1995, đi thực tế ở Hội An, tôi hỏi chị Thu-Giám đốc Cty Du lịch Hội An: “Tôi có ông thầy người Hội An, tên là Quảng Bá Hùng, chị có biết ông ấy không ?”. Chị Thu, cười: “ Ông Hùng thì dân Hội An ai mà không biết. Ông ấy hàng chục năm làm Phó Chủ tịch UBND rồi Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thị xã, mới nghỉ hưu năm 1993...”.

Thế là tôi được tạo điều kiện để được gặp người thầy  của mình 30 năm trước. Gặp tôi, thầy hỏi liên tục tên từng người già ở làng bây giờ ra răng, ai còn ai mất? Những mệ Tuấn, ông Ngự, mệ Thương, rồi anh Lẫn, anh Minh, anh Khương, anh Ngoãn... Ôi, sao mà thầy nhớ tên người làng tôi nhiều thế. Thầy nhớ cả tên “tục” của anh Cúc là “Côộc”. Rồi  hỏi  lứa học trò đâu  tiên thầy cầm tay tập viết chữ ấy có khỏe không? đi bộ đội cả, có ai bị thương không ? Thầy hỏi liên hồi như là một đứa con xa làng lâu năm không về...

Gặp thầy, tôi mới biết thầy hoạt động cách mạng bí mật ở Hội An, bị địch bắt. May nhờ có cơ sở giúp đỡ, trốn tù thoát ra được, năm đó thầy mới 22 tuổi. Câu chuyện thầy trốn tù ra Bắc cũng ly kỳ lắm. Thầy và bảy người cùng trốn tù ra bí mật chuẩn bị gạo mắm, rồi lấy một chiếc thuyền của ngư dân ở Cửa Đại chèo ra biển khơi để ra Bắc. Chèo ra tận ngoài phao số 0 để tránh bị địch bắt lại. Có lần sóng lớn suýt đánh chìm thuyền, anh em buộc dây vào nhau thành một khối để có chết thì cùng chết. Lênh dênh  mười mấy ngày mới đến cửa sông Nhật Lệ, rồi tìm cách liên lạc với Ban Thống nhất Trung ương. Thầy ra Bắc một mình, gia đình vẫn ở lại xã Cẩm Thạnh (Hội An), vì ra Bắc theo đường vượt biển, nên nhiều năm gia đình thầy bị tổ chức nghi ngờ. Sau này thầy được nhà nước cho đi học trung cấp sư phạm, rồi khi tốt nghiệp, thầy xung phong vào Quảng Bình dạy. Làm hiệu trưởng ở làng tôi 7 năm, chẳng thấy thầy yêu cô gái nào. Năm 35 tuổi, lên dạy học ở xã Hoa Thủy, thầy mới lập gia đình với cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thúy, hát rất hay. Tháng 3/1975, thầy vào Nam để tiếp quản và làm công tác quản lý giáo dục ở tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng mới giải phóng...

 Thầy Quảng Bá Hùng nay đã 80 tuổi rồi, vẫn không nguôi với công tác khuyến học ở TP. Hội An. Thầy có 4 người con, thì 3 người cũng làm nghề giáo viên như thầy và đều dạy giỏi. Thi thoảng lại có một đứa học trò cũ ở Lệ Thủy ghé Hội An thăm nhà thầy ở số 460 đường Cửa Đại, những lúc đó thầy như trẻ ra...

Thầy vẫn hứa sẽ có dịp ra thăm quê vợ và về làng biển Thượng Luật thăm bà con và những lứa học trò xưa, thăm “cây dừa vườn mạ” mà thầy trồng hơn nửa thế kỷ trước...

NGÔ MINH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh