THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:40

Nghị lực của cậu bé khuyết tật

 

Em Phan Trọng Hiếu.

 

Hiếu sinh ra lành lặn và khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác ở thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, Quảng Nam). Là con út, nhưng em rất có ý thức phụ giúp gia đình, một buổi đi học, một buổi em ở nhà chăn trâu, bò. Vào cuối học kỳ 1, năm học lớp 6, Hiếu cùng các bạn trong xóm đưa bò lên núi thả và phát hiện một vật lạ, vì không biết là mìn, cho nên các em đã làm kíp mìn phát nổ. Hiếu bị thương nặng nhất, mất hoàn toàn hai bàn tay. Tai nạn xảy ra trở thành cú sốc không chỉ cho Hiếu mà cả gia đình em. Nhìn con nằm trong bệnh viện, chị Nguyễn Thị Ngọc Đào không thể cầm được nước mắt, chị nhớ lại: Ngày đó, vào viện chăm con mà tôi không dám nhìn vào vết thương của cháu, bản thân tôi còn không chịu đựng được, không biết rồi cháu sẽ ra sao. Ba cháu khi đó đang đi hái cà-phê thuê ở Gia Lai cũng bỏ về gồng gánh cùng gia đình. Dù rất buồn, nhưng nhìn tinh thần con đi xuống, cả nhà đều liên tục động viên Hiếu cố gắng chữa trị để lành bệnh.

Suốt chín tháng trời chữa trị ở bệnh viện, ngày trở về nhà với hai cánh tay bị cụt, chân bị thương, Hiếu mất hết niềm tin vào cuộc sống. Không để em nhụt chí, mọi người trong gia đình đã động viên em luyện tập dần dần. Bắt đầu từ việc ngồi, cử động chân, tay, rồi dần dần tập đi. Mẹ luôn là nguồn động viên Hiếu tập luyện, động viên em quen dần với việc mất đi hai bàn tay và tập sử dụng đồ đạc bằng những gì còn lại của cánh tay, từ ăn uống, tắm rửa, mặc áo… Sau nhiều tháng, niềm vui đã dần trở lại trên khuôn mặt của Hiếu và mọi người trong gia đình.

Tuy nhiên, Hiếu vẫn mặc cảm với bạn bè và mọi người chung quanh, cho nên em ngại tiếp xúc với mọi người, ở lỳ trong nhà không ra ngoài, và luôn nghĩ không thể tiếp tục việc học. Nhằm giúp con tiếp tục ước mơ tới trường, anh Phan Nhì (bố của Hiếu) thử nhiều phương án để em sẵn sàng bước ra khỏi nhà và đến lớp. Anh Nhì lấy đoạn ống nhựa để thay đoạn tay bị mất và khoan một lỗ để gắn cây bút vào. Lúc đầu mới thử, Hiếu chưa quen viết cho nên gặp khó khăn, đoạn tay tiếp giáp với ống nhựa bị trầy xước. Nhưng với niềm mong ước được tiếp tục đến trường, tiếp tục học tập, chỉ một tháng sau, Hiếu đã có thể viết, vẽ bằng ống nhựa một cách thuần thục. "Ngày cháu reo lên: Má ơi, con viết được rồi, con có thể đi học được rồi, tôi chỉ biết giấu nước mắt vào trong. Vừa mừng, vừa lo, không biết cháu có thể hòa nhập tốt với bạn bè hay không" - chị Đào tâm sự.

Trọng Hiếu bắt đầu học lại lớp 6. Hành trang đến trường ngoài sách, vở em còn có thêm ống nhựa làm bạn đồng hành. Đến lớp, bạn bè, thầy cô giáo luôn sẵn sàng giúp đỡ, động viên và chơi đùa cùng em. Hiếu chia sẻ: "Lúc bị thương và nằm viện, em rất tuyệt vọng. Nhưng sau khi về nhà, nhớ những ngày được vui đùa, chạy nhảy với các bạn trong khu phố và trong lớp em lại mong muốn được khỏe mạnh trở lại. Những ngày đầu trở lại lớp, vì sợ bị trêu chọc, cho nên em không dám lấy ống nhựa ra để viết bài. Bây giờ thì em đã quen, các bạn cũng thường xuyên giúp đỡ em”.

Đến nay, Hiếu đang học lớp 9, Trường THCS Nguyễn Trãi. Chặng đường phía trước còn rất dài, nhưng Hiếu và cả gia đình đều mong muốn em có thể hoàn thành tốt con đường học tập của mình, và cố gắng hơn nữa để sau này có thể sử dụng những kiến thức đó để tự lập nuôi sống bản thân mình.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh