Nâng cao hiệu quả bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
- Xe máy
- 10:44 - 26/11/2021
Đảm bảo an toàn cho trẻ khi tiếp cận với không gian mạng
Nhằm triển khai Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 1/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bảo vệ hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025, Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đưa ra khuyến nghị về chuẩn mực hành vi, ứng xử cho người dùng trên không gian mạng để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ tiềm ẩn; nâng cao nhận thức của xã hội về các nguy cơ của trẻ em khi hoạt động trên không gian mạng, nhấn mạnh vai trò bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là trách nhiệm của tất cả mọi người. Đồng thời, Bộ Quy tắc cũng là tài liệu chính thống phổ biến cách thức báo cáo khi có nghi ngờ về các hành vi xâm hại cho trẻ em trên không gian mạng.
Có 5 nhóm đối tượng áp dụng Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng bao gồm: Trẻ em; Cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ; Người dùng Internet; Đơn vị truyền thông và người sáng tạo nội dung trên không gian mạng; Doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng, nội dung tại Việt Nam. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp truyền thông và người sáng tạo nội dung trên không gian mạng cần ưu tiên đặt lợi ích của trẻ em và bảo vệ trẻ em lên hàng đầu, kiểm soát độ tuổi, tần suất sử dụng của trẻ, loại bỏ các nội dung độc hại đối với trẻ em…
Các quy tắc ứng xử chung đề cập đến việc tuân thủ pháp luật Việt Nam về bảo vệ trẻ em, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, tôn trọng nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em; Ứng xử lành mạnh, tích cực trên không gian mạng, phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục của Việt Nam và phù hợp với độ tuổi trẻ em; Luôn bảo vệ thông tin cá nhân, thông tin riêng tư của trẻ em theo đúng các quy định và hướng dẫn về bảo vệ an toàn và bảo mật thông tin; Tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức về bảo vệ trẻ em để ngăn chặn nội dung không lành mạnh đối với trẻ em, xử lý các hành vi xâm hại trẻ em...
Trẻ em cũng cần tự trang bị kiến thức để tự bảo vệ mình
Ngoài các quy tắc chung, trong dự thảo Bộ Quy tắc này, Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ quy tắc ứng xử cho từng nhóm đối tượng cụ thể. Với trẻ em, cần chú ý 5 quy tắc. Cụ thể là: Tìm hiểu các biện pháp an toàn khi sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin, mạng xã hội và chia sẻ với bạn bè một cách an toàn, lành mạnh và có trách nhiệm; Cẩn thận khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng, khi tìm kiếm các thông tin; Không chia sẻ, cung cấp các thông tin cá nhân, không làm quen, gặp gỡ với người lạ qua không gian mạng khi chưa có sự đồng ý của bố mẹ; Không tham gia các hoạt động kéo bè, công kích, mạo danh, bắt nạt, hạ nhục bạn bè, người khác; Chia sẻ với cha mẹ, thầy cô khi gặp các vấn đề, khó khăn, khi bị bắt nạt, cô lập hoặc bị xâm hại trên không gian mạng...
Dự thảo bên cạnh việc nêu rõ quy tắc ứng xử cho trẻ em khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng, thì cũng yêu cầu cha mẹ kiểm tra, giám sát việc sử dụng Internet của trẻ. Cụ thể, theo dự thảo, cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ cần luôn trau dồi, cập nhật các kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng; chú ý quan tâm, kiểm tra, giám sát việc sử dụng internet của trẻ, các nội dung trẻ tìm kiếm, ứng dụng trẻ sử dụng, mối quan hệ của trẻ trên không gian mạng, những thay đổi bất thường của trẻ để đảm bảo trẻ luôn được bảo vệ trên không gian mạng; tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ trẻ em trên không gian mạng tại gia đình, nhà trường, cộng đồng, xã hội…
Có thể nói, dự thảo Bộ quy tắc ứng xử đã chứa đựng khá đầy đủ nội dung khuyến nghị. Và thực tế cũng mang đến một nhận thức rằng thay vì việc chỉ trông chờ các cơ quan quản lý nhà nước “thanh lọc” môi trường mạng, trẻ em và gia đình có thể chủ động trong việc học hỏi và xây dựng các kiến thức, kỹ năng, tạo sức đề kháng cho bản thân trước các thông tin xấu độc, chương trình không phù hợp, sai lệch hay các lừa đảo trên mạng.
Việc Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là hành động cụ thể, thiết thực. Theo chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà, Bộ Quy tắc ứng xử bảo vệ trẻ em trên không gian mạng giống như tấm lá chắn để hỗ trợ, bảo vệ các con. Đây là điều vô cùng cần thiết vì qua đây các gia đình, thầy cô giáo và tất cả những người có vai trò giáo dục sẽ biết cách để hỗ trợ, hướng dẫn trẻ, giúp các em hiểu được những giới hạn được phép và không được phép, ranh giới nào trẻ cảm nhận được đó là nguy hiểm… Tuy nhiên, vai trò của cha mẹ với các con là rất quan trọng. Cha mẹ cần phải biết con chơi với ai, đó là người như thế nào và đặc biệt phải giới hạn con về thời gian sử dụng mạng Internet.
Trẻ em cũng cần tự trang bị kiến thức để tự bảo vệ mình. Theo đó, khi tham gia không gian mạng các em nên tìm hiểu những biện pháp an toàn khi sử dụng thiết bị công nghệ thông tin, mạng xã hội và các dịch vụ trên mạng; chia sẻ với bạn bè một cách an toàn, lành mạnh và có trách nhiệm. Cẩn thận khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng, khi tìm kiếm thông tin trên Internet; không truy cập vào các đường dẫn, nội dung có nguồn gốc không rõ ràng, do người lạ gửi...
Nhưng để làm được điều này theo chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà, cần phải “mưa dầm thấm lâu”, thậm chí đưa vào chương trình giáo dục phổ thông. Do đó cần phải có sự chuẩn bị sẵn toàn bộ những nguyên tắc, kĩ năng để giúp con có nhận thức đúng, hành xử đúng. Đây cũng là cách để trẻ tự tạo ra “vaccine” kháng lại những nguy hiểm trên môi trường mạng.