Việt Nam ưu tiên nguồn lực phát triển công tác xã hội và dịch vụ xã hội cho các nhóm yếu thế
- Tây Y
- 22:16 - 04/11/2019
Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung làm Trưởng đoàn, cùng các cán bộ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Ngoại giao.
Hội nghị đã xem xét và thông qua 6 văn kiện, Tuyên bố của Cộng đồng để trình Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 thông qua, bao gồm: (1) Tuyên bố chung ASEAN về Biến đổi khí hậu nhằm đưa ra tại Hội nghị các bên lần thứ 25 của Công ước Khung Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu; (2) Tuyên bố về Bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bóc lột và lạm dụng trẻ em trên mạng trong ASEAN; (3) Tuyên bố ASEAN về Trẻ em trong bối cảnh di cư; (4) Tuyên bố Băng cốc về Giáo dục vì sự Phát triển quan hệ đối tác trong Giáo dục hướng đến Chương trình Nghị sự 2030 vì sự bền vững; (5) Tuyên bố chung về Tái khẳng định Cam kết về Thúc đẩy Quyền của Trẻ em trong ASEAN; và (6) Tuyên bố của các Nhà Lãnh đạo ASEAN về An ninh và Tự lực Vaccine.
Ngoài ra, Hội nghị cũng đã thống nhất trình các Nhà Lãnh đạo Cấp cao ASEAN ghi nhận 03 văn kiện, Tuyên bố gồm có: (1) Thủ tục và Hướng dẫn khu vực về giải quyết vấn đề của các nạn nhân bị mua bán, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; (2) Tuyên bố ASEAN về Thúc đẩy quản trị tốt và tăng cường dịch vụ công nhanh chóng trong Kinh tế số; và (3) Kế hoạch hành động khu vực nhằm thực hiện Tuyên bố ASEAN về Tăng cường Giáo dục cho Thanh thiếu niên ngoài trường học (OOSCY).
Như vậy, trong tổng số các văn kiện, Tuyên bố của cả 3 trụ cột Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hóa - Xã hội, trụ cột Văn hóa - Xã hội có 9 văn kiện, Tuyên bố được trình lên dịp Cấp cao ASEAN lần thứ 35, cho thấy nỗ lực lớn nhằm thúc đẩy các ưu tiên của Cộng đồng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, hướng tới sự phát triển bền vững để đối mặt với những thách thức mới nổi lên trong khu vực ASEAN.
Đẩy nhanh tiến độ Đánh giá giữa kỳ việc thực hiện Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 trong năm 2020 và thúc đẩy việc khảo sát Đông Timo nhằm tìm hiểu về sự sẵn sàng, khả năng đáp ứng các mong đợi của ASEAN của quốc gia này cũng là các nội dung đáng lưu ý được các Bộ trưởng/Trưởng đoàn thống nhất.
Kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng/Trưởng đoàn đã ra Tuyên bố chung và thống nhất về nội dung Báo cáo của Hội đồng ASCC trình Lãnh đạo Cấp cao xem xét thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 35.
Việt Nam sẵn sàng đảm nhận vai trò Chủ tịch ASCC năm 2020.
BỘ TRƯỞNG ĐÀO NGỌC DUNG
Việt Nam cũng sẽ hướng những ưu tiên của mình vào việc phát triển công tác xã hội và dịch vụ xã hội cho các nhóm yếu thế, tăng cường giao lưu văn hóa, bảo vệ môi trường thông qua thúc đẩy các hoạt động tình nguyện vì môi trường, xây dựng lối sống khỏe mạnh cho người dân và tăng cường công tác truyền thông về Cộng đồng đến người dân và các doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao những kết quả của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN trong năm 2019.
Bộ trưởng khẳng định, năm 2020 là năm bản lề của ASEAN khi tất cả các cơ quan chuyên ngành tiến hành đánh giá kết quả thực hiện các hoạt động của giai đoạn trước và chuẩn bị xây dựng kế hoạch công tác cho giai đoạn tiếp theo, hướng tới việc đạt được Tầm nhìn ASEAN 2025. Theo đó, tiếp nối những nỗ lực của Cộng đồng, của Thái Lan trong năm 2019, Việt Nam dự kiến sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban Thư ký ASEAN và các nước thành viên triển khai các hoạt động và xây dựng Báo cáo sơ bộ Đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025; tăng cường những thảo luận về vấn đề phát triển nguồn nhân lực.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã thông báo và mời các Bộ trưởng/Trưởng đoàn các nước thành viên ASEAN tới Việt Nam tham dự Hội nghị ASCC lần thứ 23 và 24 vào năm 2020.